Tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ, cha mẹ cần chuẩn bị gì?

10/29/2021 4:30:00 PM
Tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ độ tuổi từ 16-17 đã được triển khai ở TP. Hồ Chí Minh. Khá nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng, băn khoăn cần phải chuẩn bị thế nào trước, trong và sau tiêm vaccine cho trẻ sau khi tiêm phòng vắc xin.

 

Tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ, cha mẹ cần chuẩn bị gì?

Việt Nam sẽ tổ chức chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em độ tuổi từ 12 - 17 tuổi trên toàn quốc. Loại vắc xin được lựa chọn tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi là vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech, Hoa Kỳ sản xuất.

Vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em. Trên thế giới, nhiều nước như Hoa Kỳ, Canada, EU, Nhật Bản,…đã sử dụng vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech tiêm chủng cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất loại vắc xin Comirnaty Pfizer-BioNTech tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi với liều lượng, đường tiêm, khoảng cách tiêm giống như với người từ 18 tuổi trở lên, cụ thể như sau:

+ Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 -28 ngày).

+ Mỗi mũi tiêm 0,3ml, tiêm bắp.

Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm phòng vắc xin Covid-19?

Trước khi tiêm tiêm chủng:

+ Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine COVID-19

+  Cho trẻ ăn đầy đủ, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin, chất xơ, khoáng chất, không để trẻ bị đói khi đi tiêm phòng vắc xin;

+  Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho trẻ theo yêu cầu của điểm tiêm.

+ Nếu cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin Covid-19, hãy ký xác nhận Phiếu đồng ý cho trẻ tiêm chủng.

+  Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định.

+  Bố trí đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.

+ Thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế

Tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ, cha mẹ cần chuẩn bị gì?

Trong khi tiêm chủng

Đối với cơ sở tiêm chủng:

Các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng nhằm mục đích để buổi tiêm đảm bảo an toàn

+ Các bác sĩ khám sàng lọc cho trẻ cần phải hỏi bố mẹ trẻ thông tin về lịch sử chủng ngừa của trẻ, tình trạng của trẻ những ngày gần đây như thế nào, có sốt, hay đang uống thuốc điều trị bệnh lý gì không,…

+ Đánh giá sức khỏe của trẻ như tri giác, đo thân nhiệt, quan sát nhịp thở, nhịp tim,… Nếu trẻ đạt tiêu chuẩn trẻ sẽ được tiêm chủng phòng ngừa Covid-19

+ Khai thác thông tin thêm trẻ có dị ứng thức ăn, thuốc hay có tiền sử dị ứng với các loại vaccine trước đây hay không…

Đối với cha mẹ:

+ Nếu cha mẹ đi cùng trẻ đến điểm tiêm chủng, hãy động viên và cùng với trẻ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch.

+ Khuyến cáo 5K, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm phòng Covid-19.

+ Cung cấp các thông tin như trẻ có bị dị ứng thức ăn, thuốc hay có tiền sử dị ứng với các loại vaccine trước đây hay không…cho các cán bộ tiêm chủng

Sau khi tiêm chủng:

Sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại theo dõi sau tiêm chủng 30 phút để xem trẻ có bất thường gì không như tri giác, chỗ tiêm, thân nhiệt, màu da…Đặc biệt, với nhóm trẻ đang bị thừa cân, béo phì hay mắc bệnh lý nền, dị ứng nên đến tiêm chủng tại các bệnh viện, nên ưu tiên cho nhóm trẻ này được tiêm trước.

+ Do đó các bậc cha mẹ hãy động viên và cùng với trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau khi tiêm.

Sau khi trẻ rời khỏi điểm tiêm, cha mẹ hãy chú trọng theo dõi các dấu hiệu sau đây:

+ Tự theo dõi sức khỏe sau tiêm: Thời gian tự theo dõi: 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau:

+ Miệng trẻ có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

+ Ở họng: có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

+ Ở da: thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

+ Về thần kinh: có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

+ Đường tiêu hóa: có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

+ Về tim mạch: có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

+ Đường hô hấp: có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

Toàn thân:

+ Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn

+  Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

+  Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

Cha mẹ hãy liên hệ NGAY với Đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện (theo số điện thoại hoặc địa chỉ được điểm tiêm chủng cung cấp.

Những điều cần lưu ý

+ Cha mẹ luôn hỗ trợ bên cạnh con trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm vắc xin phòng COVID-19.

+Không nên cho trẻ uống rượu bia và các chất kích thích, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm vắc xin.

+ Tại vị trí tiêm sẽ xuất hiện tình trạng nhức, sưng, đau bắp cánh tay có thể kéo dài trong nhiều ngày, khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn. Do đó, các bậc cha mẹ hãy giải thích cho trẻ không được chà xát, véo hoặc xoa bóp vị trí tiêm vaccine vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19

+ Nếu sau khi tiêm trẻ em cảm thấy quá đau và bị cứng khớp, các bậc cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục như chườm đá, chườm ấm, ngâm nước muối Epsom, tập thể dục nhẹ nhàng, tuyệt đối không xoa bóp cánh tay, không bôi dầu gió, đắp khoai tây… vào chỗ tiêm sẽ dễ bị nhiễm trùng.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

+ Sốt dưới 38,5 độ C: bởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

+ Sốt từ 38,5 độ C trở lên: sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

+  Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Các bậc cha mẹ hãy bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, các loại thịt, cá, tôm, cua, cùng với nhiều loại rau xanh, sữa, trái cây, nước ép trái cây để trẻ có đủ sức đề kháng, sức khỏe. Cho trẻ uống nhiều nước sau khi tiêm vaccine, hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm nhiều muối, thực phẩm nhiều đường, ăn một lượng vừa phải chất béo và dầu.

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin liên quan

Các tin khác