Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và hệ thống miễn dịch

8/22/2024 10:59:00 AM
Hệ vi sinh đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống miễn dịch của cơ thể, tác động qua lại với nhau.

 

Hệ vi sinh đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống miễn dịch của cơ thể, tác động qua lại với nhau.

Hệ miễn dịch của cơ thể là một hệ thống gồm các tế bào, mô, cơ quan, tế bào bạch cầu, protein trong cơ thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, các loại nấm, ký sinh trùng, các kháng nguyên lạ gây bệnh từ môi trường bên ngoài, tạo kháng thể phòng tái nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khi hệ thống miễn dịch, hệ miễn dịch bị suy yếu các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công khiến cơ thể có nguy cơ mắc bệnh cao.

Hệ vi sinh đường ruột là gì

Hệ vi sinh đường ruột là một cộng đồng các vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, virus, vi khuẩn cổ điển, nấm và động vật nguyên sinh. Theo ước tính sơ bộ, trong đường ruột của con người có thể chứa tới 1.000 loài vi khuẩn (với 85% là lợi khuẩn, 15% là hại khuẩn) và 2 triệu gen vi khuẩn – gấp 100 lần số lượng gen ta có (khoảng 20.000), cư trú phần lớn ở hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở ruột non và ruột già.

Các vi sinh vật trong hệ vi sinh đường ruột đóng nhiều vai trò khác nhau như: xây dựng hàng rào miễn dịch cơ thể, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tổng hợp vitamin từ các loại thực phẩm, đào thải hại khuẩn, tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc ruột, cải thiện các tình trạng viêm nhiễm, cung cấp nhiên liệu cho các tế bào trong đại tràng và tác động đến tốc độ thức ăn di chuyển qua ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa carbohydrate phức tạp, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFA), hạn chế vi khuẩn có hại phát triển quá mức gây bệnh cho cơ thể, tiêu hóa các loại carbs phức tạp như tinh bột và chất xơ…

Mối liên hệ của hệ vi sinh đường ruột với hệ thống miễn dịch

Khi hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, cân bằng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bởi khi đường ruột khỏe mạnh không gặp các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón… sẽ giúp đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn, đồ uống được diễn ra thuận lợi từ đó giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Bên cạnh đó, khi đường ruột khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột cân bằng, chính niêm mạc biểu mô đường ruột, là những nếp nhăn ở ruột, có diện tích rộng, tham gia sản xuất các yếu tố miễn dịch như IgG, IgA...

Hầu hết vi sinh vật đường ruột nằm trong ruột và thực tế là 70-80% hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng nằm trong ruột. Do đó, mối liên hệ giữa hai hệ thống này là cộng sinh, cùng nhau tiến hóa để đảm bảo cơ thể được bảo vệ, loại bỏ các tác nhân gây bệnh có hại từ môi trường bên ngoài mà cơ thể tiếp xúc.

Mối liên hệ giữa hai hệ thống này bắt đầu từ khi chúng ta sinh ra, đây là thời điểm cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn lần đầu tiên.

Theo thời gian, hệ thống miễn dịch hình thành nên sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột và đường ruột ảnh hưởng đến sức mạnh và sự phát triển của hệ miễn dịch. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, các yếu tố khác cũng định hình nên thành phần của hệ vi khuẩn đường ruột bao gồm chế độ ăn uống, môi trường sống, thói quen sinh hoạt, tập luyện thể thao, tâm trạng,...

Ngoài ra, nếu cơ thể tiêu thụ nhiều các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, ăn đồ chiên rán, thực phẩm nhiều đường, uống bia rượu, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chứa nhiều muối, chế độ ăn uống kém lành mạnh, sử dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ dẫn, tiếp xúc với các yếu tố độc hại… có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gia tăng các vi khuẩn có hại trong đường ruột, giảm lợi khuẩn có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác