Chuyên gia hướng dẫn cách phân biệt phân bón thật, phân bón giả

7/19/2019 9:43:00 AM
Để giúp bà con phân biệt được phân bón thật, phân bón giả chuyên gia nông nghiệp bật mí các dấu hiệu nhận biết dưới đây.

 

Phân bón kém chất lượng, phân bón giả khiến cho cây trồng chậm phát triển hoặc không phát triển còn khiến bà con nông dân phải chịu nhiều chi phí mà lại không đạt kết quả như mong muốn. Để giúp bà con phân biệt được phân bón thật, phân bón giả chuyên gia nông nghiệp bật mí các dấu hiệu nhận biết dưới đây.

Phân biệt phân bón kali thật, kali giả

Màu sắc:

+ Phân kali thật có màu đỏ hồng hoặc hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng đặc trưng

+ Phân kali giả có màu đỏ hồng nhợt nhạt hơn.

Độ tan trong nước:

Để thử phân kali thật hay phân kali giả bằng cách cho 3-5g phân kali vào cốc nước thủy tinh có dung tích 50-100 ml để làm thực nghiệm

+ Phân kali thật: Cho phân kali vào nước thấy cốc nước chưa có màu hồng đỏ, một phần chìm xuống một phần kali vẫn nổi trên mặt cốc nước. Sau khi khuấy cốc nước sẽ thấy dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt, không vẩn đục có váng đỏ bám quanh thành cốc, phân kali tan hết trong nước.

+ Phân kali giả: Khi cho vào trong cốc nước phân kali giả lập tức có màu hồng đỏ, toàn bộ phân kali chìm xuống và tan rất nhanh trong nước. Khi khuấy mạnh dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục, không có váng đỏ bám quanh thành cốc, có thể xuất hiện cặn dưới đáy cốc do không tan hết.

Phân biệt phân super lân thật, super lân giả

Phân super lân thật: có dạng bột mịn, dạng mảnh, không vón cục. màu xám và màu xanh.

Phân super lân giả: bị vón cục, khi sờ vào sẽ thấy phân không được mịn, màu sắc của phân nhợt nhạt hơn.

Độ tan trong nước

Khi cho phân lân vào trong nước khuấy đều nếu phân tan trong nước hoặc chưa tan nhưng khi bóp nhẹ thì tan vụn ra là phân thật. Còn nếu khuấy lên thấy vẫn còn cặn khi bóp nhẹ vẫn không tan ra thì có thể là phân giả, phân kém chất lượng.

Phân biệt phân bón đạm thật, phân đạm giả:

Màu sắc: Phân đạm thường có hai loại phổ biến là loại hạt trong và hạt đục, cả hai đều có công thức hóa học và hàm lượng Nito như nhau tối thiểu là 46%. Phân đạm giả nếu nhìn màu sắc bằng mắt thường sẽ khó phân biệt.

Hình dạng:

+ Phân đạm thật với loại hạt trong thường có dạng hạt tròn. Còn phân đạm hạt trong giả hạt không được tròn, nhiều góc cạnh.

+Phân dạm thật với loại hạt đục có dạng hạt to, đường kính hạt từ 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Do đây là loại phân nhập khẩu 100% nên rất khó để làm giả và nếu làm giả thì không đem lại lợi ích đáng kể.

Độ tan trong nước:

Khi cho phân đạm thật vào trong ly nước thủy tinh hạt nhanh tan trong nước chỉ sau lần khuấy không để lại cặn, nước có màu trắng đục.

Còn phân đạm giả tan lâu hơn, để lại cặn dưới đáy cốc do không tan hết.

Phân biệt phân hỗn hợp NPK thật, NPK giả.

Đối với phân hỗn hợp NPK nếu chỉ nhìn cảm quang sẽ rất khó phân biệt được thật giả.

Phân hỗn hợp NPK thật: màu sắc từng loại chất dinh dưỡng như N,P,K rõ ràng, có màu đậm.

Phân hỗn hợp NPK giả: màu sắc của phân hỗn hợp NPK nhạt hơn do bị trộn thêm các nguyên liệu rẻ tiền như đất mùn, than bùn, bột sét, bột màu…

Những điều cần nhớ khi mua phân tránh phải mua phải phân bón giả

Khi lựa chọn phân bón cho cây trồng không ham rẻ, không ham khuyến mại, giá rẻ mà có khuyến mại lớn chỉ có thể là phân giả, phân kém chất lượng.

 

Nếu khi bón phân cho cây trồng xuất hiện phân vón cục, đóng rắn, cứng ngắc hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng cần dừng lại không bón phân đó cho cây trồng.

Nên lựa chọn cơ sở sản xuất uy tín, nên mua hàng tại các đại lý được các công ty phân ủy quyền phân phối tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Suckhoecuocsong.vn

 

Các tin liên quan

Các tin khác