Mối liên hệ mật thiết giữa cây trồng và các loại phân bón

12/8/2018 7:44:59 AM
Đối với nền nông nghiệp, phân bón đóng vai trò quan trọng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Có tác dụng cải tạo đất, chứa dinh dưỡng vô cơ đa lượng, trung lượng, vi lượng, đất hiếm, hữu cơ, axit amin, vitamin, axit humic

 

Đối với nền nông nghiệp, phân bón đóng vai trò quan trọng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Có tác dụng cải tạo đất, chứa dinh dưỡng vô cơ đa lượng, trung lượng, vi lượng, đất hiếm, hữu cơ, axit amin, vitamin, axit humic, axit fulvic, vi sinh vật có ích, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất điều hoà sinh trưởng thực vật, chất phụ gia, yếu tố hạn chế sử dụng…

Phân biệt các loại phân bón

Phân bón được bà con nông dân dùng chủ yếu gồm phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ, phân bón vi lượng, phân bón phức hợp, phân khoáng trộn,...

Phân bón hữu cơ: Phân bón có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, vi sinh vật, động vật, thực vật trong đó được phân theo phân hữu cơ truyền thống, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học.

Phân bón vô cơ: Nguồn gốc từ các chất khoáng, vô cơ tự nhiên hoặc sản phẩm hóa học. Trong phân bón vô cơ có các nhiều loại phân khác nhau: phân đơn, phân phức hợp, phân hỗn hợp.

Phân bón vi lượng: Hỗn hợp các chất hóa học nhằm cung cấp các loại nguyên tổ vi lượng cho cây. Nhiều khi còn cho thêm các nguyên tố siêu vi lượng, đất hiếm, chất kích thích sinh trưởng phát triển của cây trồng, hạn chế sâu bệnh.

Phân phức hợp: Loại phân phức hợp được tạo ra bằng phản ứng hoá học, có chứa ít nhất hai (02) yếu tố dinh dưỡng đa lượng.

Phân khoáng trộn: là loại phân được sản xuất bằng cách trộn cơ học từ hai hoặc ba loại phân khoáng đơn hoặc trộn với phân phức hợp, không dùng phản ứng hoá học.

Phân hữu cơ sinh học: là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ, được xử lý lên men bằng vi sinh vật sống có ích hoặc được xử lý bằng các tác nhân sinh học khác có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa ít nhất một loại vi sinh vật sống có ích có mật độ và hoạt tính đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phân hữu cơ khoáng: là loại phân bón được sản xuất từ phân hữu cơ chế biến công nghiệp hoặc hữu cơ sinh học trộn thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng vô cơ, trong đó có ít nhất một yếu tố dinh dưỡng vô cơ đa lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Vai trò quan trọng của phân bón với sự phát triển của cây trồng

Việc bón phân hợp lý cũng rất quan trọng từ đầu vụ đến cuối vụ luôn luôn quan tâm đến các loại phân bón từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Tác dụng đảm bảo cây phát triển cứng cáp, ra hoa đúng kỳ kết trái đạt năng xuất cao, chống được sâu bệnh năng suất của cây tăng cao, phát triển vượt trội không có hiện tượng mất mùa, hạn chế sâu bệnh hại, nâng cao chất lượng nông sản.

Việc bón phân mất cân đối, không hợp lý, không đúng liều lượng trên hướng dẫn sử dũng sẽ gây ra hiện tượng cây sẽ phát triển không cân đối, cho năng suất thấp, chất lượng nông sản kém, sâu bệnh hại nhiều.

Tác dụng của từng chất trong phân bón với quá trình sinh trưởng của cây

Đạm (N): Trong quá trình sinh tưởng và phát triển mỗi loại cây trồng đều cần một lượng đạm khác nhau, đoạn đầu sinh trưởng cây cần đạm để phát triển rễ, thân lá. Khi đến giai đoạn tạo quả hạt cần đạm để quả chắc, hạt mẩy. Cây lâu năm sau mỗi vụ thu hoạch cần phục hồi thân, lá nên nhu cầu về đạm là rất cao.

Lưu  huỳnh (S): Đây được xem là nguyên tố dinh dưỡng thứ 4 cần thiết cho sự phát triển của cây sau N, P, K. Cây trồng cần một lượng lưu huỳnh gần bằng lượng lân (P) để có thể phát triển cân đối. Tăng khả năng chịu rét, chống hạn cho cây, thúc đẩy quá trình chín của quả và hạt. Ngoài ra lưu huỳnh có nhiều trong thành phần của coenzym A (là chất xúc tác quan trọng trong quá trình quang hợp,hô hấp của cây, tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật cố định đạm…

Lân (P):  Cần cho sự phân chia tế bào, phát triển của mô phân sinh, kích thích rễ, quả phát triển, sự hình thành mầm hoa, quyết định chất lượng hạt giống… Lân (P) giúp tăng khả năng chống chịu các điều kiện: rét, hạn hán, sâu bệnh.  Ở giai đoạn đầu nên cung cấp lân cho cây để đảm bảo sự phát triển cân bằng của cây trồng.

Kali(K): Đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp đạm, tăng cường khả năng chống chịu của cây với các kiều kiện bất lợi: hạn hán, úng nước, nóng, lạnh, tăng sức đề kháng của cây trước sâu bệnh hại.

Kẽm (Zn) có vai trò quan trong trong quá trình hô hấp, dinh dưỡng khoáng, quang hợp, tổng hợp các chất hữu cơ, sinh trưởng, vận chuyển, khả năng chống chịu, sự hình thành hạt của cây trồng.

Canxi (Ca): Cần cho sự phát triển của hệ rễ cây, tăng cường tạo thành các rễ bên và hệ thống lông hút của rễ. Thúc đẩy quá trình trao đổi chất, vận chuyển gluxit trong cây. Làm giảm độ thấm của màng tế bào hạn chế sự hút nước của cây, tạo khả năng chịu úng tạm thời cho cây.

Sắt (Fe) ảnh hưởng tới quá trình khử nitrat, quang hợp, tổng hợp, hoạt hóa diệp lục, tổng hợp các chất hữu cơ.

Đồng (Cu)  đóng vai trò quan trọng trong việc  tổng hợp clorophin, chuyển hóa gluxit cho quá trình quang hợp của cây, khử nitrat, tổng hợp các chất: đường, chất béo, chất có đạm, vitamin A, C.

Bo (B) ảnh hưởng tới quá trình điều hòa sinh lý của cây: quang hợp, hình thành chất hữu cơ, vận chuyển chất trong cây, tạo thành phấn hoa và khả năng đậu quả.

Mangan (Mn) tham gia quá trình khử CO2 thành diệp lục cho quá trình quang hợp của cây, trao đổi đồng hóa đạm, tổng hợp các chất: gluxit, axit nucleic, chất điều hòa sinh trưởng, vận chuyển gluxit, tăng khả năng chịu hạn, sinh trưởng: nảy mầm tạo thân, ra hoa, ra quả..

Clo (Cl) kích thích một số loại men ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa hydrat cacbon và tăng khả năng giữu nước của tế bào…

Molipden (Mo)  xúc tiến quá trình cố định đạm ở vi khuẩn nốt sần, sự chuyển hóa đạm trong cây, là  thành phần cấu trúc của nhiều loại men xúc tác quá trình quang hợp, hô hấp, chuyển hóa gluxit, tăng khả năng chống chịu của cây.

Khi thiếu các nguyên tố vi lượng cây sẽ phát triển không cân đối, thậm chí biểu hiện một số bệnh lý, làm giảm năng suất, phẩm chất của cây. Tuy nhiên nếu thừa vi lượng cây sẽ bị ngộ độc. Chính vì thế khi sử dụng vi lượng cho cây cần thận trọng không nên lạm dụng, phải thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật, lượng bón của nhà sản xuất đưa ra.

Các yếu tố hạn chế sử dụng bón cho cây trồng

Là các kim loại nặng gồm: Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Ti tan (Ti) Crôm (Cr) hoặc các vi khuẩn gây bệnh gồm: vi khuẩn E.coli, Salmonella hoặc các chất độc hại khác như: biuret, axit tự do với hàm lượng cho phép được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ngoài ra, trong phân bón còn có chứa chất giữ ẩm, chất hỗ trợ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất điều hoà sinh trưởng thực vật, chất phụ gia

Trong suốt quá trình phát triển và sinh trưởng của cây trồng, tùy theo từng giai đoạn của cây mà nhu cầu dinh dưỡng của cây khác nhau. Chẳng hạn ở giai đoạn cây sinh trưởng mạnh, thân, lá phát trển thì nhu cầu về đạm của cây rất cao. Giai đoạn phân hóa mầm hoa cần nhiều lân. Giai đoạn hình thành quả và hạt cần nhiều kali.

Một số nguyên nhân khiến phân bón bị thất thoát trong quá trình canh tác cây trồng

Bị giữ chặt: phân bón khi bón vào đất có thể bị giữ chặt làm cây không thể hấp thụ được.

Bị rửa trôi: Lượng phân bón bị rửa trôi phụ thuộc vào lượng mưa, kết cấu đất, địa hình, loại phân bón sử dụng. Trong trường hợp  lượng mưa lớn, cấu trúc đất không tốt, địa hình dốc không có lớp che phủ sẽ khiến lượng phân bón dễ bị rửa trôi.

Bị bốc hơi: Phân bón bị bốc hơi có thể do các phản ứng hóa học, vi sinh vật.. đặc biệt là đối với các loại phân bón phun trên lá.

Trong quá trình canh tác, đất bị mất đi một lượng dinh dưỡng rất lớn do bị tác động bởi các yếu tự nhiên: rửa trôi, nhiệt độ, xói mòn, thời tiết…đặc biệt một lượng lớn dinh dưỡng trong đất bị cây trồng lấy đi để phục vụ quá trình phát triển của cây. Do đó bà con nông dân cần kiểm tra, bổ sung lượng phân bón kịp thời cho sự phát triển của cây trồng nhằm tăng năng suất, tránh tình trạng mất mùa,...

Suckhoecuocsong.com.vn/TH

Các tin khác