Kinh nghiệm chăm sóc lan Hoàng Nhạn phát triển tốt, hoa lâu tàn

11/18/2021 4:56:00 PM
Lan Hoàng Nhạn là loài phong lan thân đơn, sở hữu mùi hương thơm đậm, nồng làn và lâu tàn. Nhưng khá nhiều người chưa biết cách trồng cũng như chăm sóc khiến cây phát triển kém, hoa nở nhanh tàn, mùi hương nhạt hơn.

 

Kinh nghiệm chăm sóc lan Hoàng Nhạn phát triển tốt, hoa lâu tàn

Lan Hoàng Nhạn là loài phong lan thân đơn, sở hữu mùi hương thơm đậm, nồng làn và lâu tàn. Nhưng khá nhiều người chưa biết cách trồng cũng như chăm sóc khiến cây phát triển kém, hoa nở nhanh tàn, mùi hương nhạt hơn.

Đặc điểm của lan Hoàng Nhạn

Lan Hoàng Nhạn có tên khoa học là Aerides Odorata X Houlletiana, gọi tắt là Aerides Houlletiana. Chúng có tên gọi khác là Giáng Hương Quế Nâu. Phân bố chủ yếu ở ở các nước khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia. Tại Việt Nam chúng phân bố chủ yếu Miền Nam Trung Bộ dọc theo dãy Trường Sơn giáp với nước Campuchia và Thái Lan.

Lan Hoàng Nhạn là loài hoa đơn thân, thuộc dòng Giáng Hương nên chúng có bộ rễ rất phát triển. Bộ rễ của chúng tương đối to, có thể vượt trội so với kích thước lá của lá. Những chiếc rễ mới ra có đường kính khoảng 6mm, rễ thường mộc ở giữa thân hoặc ở các nách của lá, rễ có màu trắng ngà, phần đầu rễ vươn ra có màu trắng xanh, xanh hoặc nâu tím. Theo thời gian phát triển, sinh trưởng rễ lan có thể phân nhánh và thả thòng xuống như những loài Giáng Hương khác.

Kinh nghiệm chăm sóc lan Hoàng Nhạn phát triển tốt, hoa lâu tàn

Lá của dòng lan này tương đối ngắn, chỉ tầm đốt ngón tay, chiều dài khoảng 10-15cm, rộng khoảng 2-3 cm, hơi dàu, lá thường khum vào bên trong không xòe thẳng bản lá, phần đầu lá của hoàng nhạn có dạng thùy khuyết, không cân đối. Lá thường có màu xanh đậm, màu xanh đơn thuần hoặc màu xanh vàng

Khác với một số loài lan khác, lan Hoàng Nhạn có thời gian ra hoa rất khác nhau, một loài ra hoa vào tháng 4 và một loài vào tháng 8 nên nhiều người trồng hay gọi là Hoàng Nhạn tháng 4 và Hoàng Nhạn tháng 8. Các vòi hoa mọc từ nách lá của cây rủ xuống dài khoảng 8-25cm. Những mấy cây mới bói hoa thì vòi hoa khá ngắn 5-8, chỉ từ 3-4 bông, những cây lâu năm được chăm sóc tốt mỗi vòi hoa có từ 5 đến 10 bông, đường kính cần hoa khoảng 3-5cm, 1 bông hoa  to 1,5-2cm. Chúng cho hoa màu biến thiên đậm nhạn, vàng, nâu vàng khác nhau tùy từng vùng miền và môi trường sống, có mùi thơm nồng nàn, đậm đà, ngọt ngào nhưng không gắt.

Hướng dẫn chăm sóc lan Hoàng Nhạn phát triển khỏe mạnh

Lan Hoàng Nhạn là một trong những loài lan rừng cho hoa đẹp, hương thơm đặc trưng. Chúng ưa ẩm, thích gió không thích hợp trồng ở những khu vực kín gió, nắng trung bình từ 30-60%. Để có được những chậu lan đẹp khi trồng và chăm sóc hãy lưu ý một số vấn đề quan trọng dưới đây:

Chọn chậu trồng lan Hoàng Nhạn

Lan Hoàng Nhạn có thể được trồng vào gỗ, lũa, chậu gỗ, hoặc chậu nhựa. Nhưng theo những người trồng có kinh nghiệm trồng lan lâu lăm thì lý tưởng nhất vẫn là trồng chậu cho lan. Khi lựa chọn chậu trồng nên chọn loại chậu thoáng, thoát nước tốt và bền, không nên trồng trong chậu nhựa vì sẽ phải thay rất nhanh để đáp ứng được nhu cầu phát triển của lan. Nếu muốn trồng lan trên gỗ, lũa phải đảm bảo cây có đủ độ ẩm để sinh trưởng, phát triển, chú ý đến nước tưới hàng ngày.

Giá thể trồng lan Hoàng Nhạn

Giá thể trồng lan Hoàng Nhạn có thể sử dụng gỗ lũa, đá bọt, viên đất nung, vỏ thông hoặc có thể tận dụng dớn Chile trải trên mặt chậu để giữ ẩm cho chậu. Các giá thể cần tiến hành xử lý, làm sạch để hạn chế sâu bệnh, nấm hại có thể gây hại cho bộ rễ của lan Hoàng Nhạn.

Cách xử lý giá thể:

Xử lý gỗ, gỗ lũa trồng lan:

Xử lý gỗ

Bước 1: Bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài trước khi ghép vì nếu để vỏ, một thời gian sau thân gỗ sẽ bị bong vỏ ra.

Bước 2: Phơi thân cây cho khô, tiếp đến là ngâm trong nước 1-2 ngày để rễ không bị hút nước ngược trở lại.

Xử lý gỗ lũa:

Bước 1: Chuẩn bị gỗ lũa

Bước 2: Sử dụng bàn chải sắt để chải thật sạch đất cát, rong rêu bám trên gỗ lũa

Bước 3: Ngâm gỗ lũa trong nước sach, ngâm đến khi lũa ngậm lo nước, trong quá trình ngâm lên thay nước 5-10 lần cho lũa thôi hết muối chát hoặc chất đắng ra, ngâm trong khoảng 10-15 ngày

Bước 4: Ngâm nước vôi ít nhất 30 phút hoặc rửa với nước vôi trong hoặc sử dụng physan 20 nồng độ 2ml/1 lít nước, benkina nồng độ 2ml/ 1 lít nước để thay thế nước vôi

Bước 5: Rửa sạch gỗ lũa với nước cho sạch, rửa sạch nhiều lần, để ráo nước là có thể sử dụng để trồng lan

Xử lý vỏ thông trồng lan:

Bước 1: Vỏ thông sau khi mua về chà bớt các góc cạch, ngâm vỏ thông cho no nước ngâm tới khi nào vỏ chìm xuống đáy chậu khoảng 3-4 ngày

Bước 2: Vớt vỏ thông ra, ngâm vào 1 chậu nước vôi khoảng 30 phút để tiêu diệt hết mầm nấm, vi khuẩn có hại.

Bước 3: Rửa sạch vỏ thông bằng nước lã và sử dụng ghép lan.

Lưu ý: Vỏ thông có kích cỡ từ 0,5-1cm phù hợp với lan phi điệp tím, đùi gà kèn, trầm, lan hài. Vỏ thông có kích cỡ khoảng 2cm phù hợp với dendro, kiều. Vỏ thông có kích cỡ trên 3cm phù hợp với các loại lan hải yến, đai châu, sóc, cảm báo,…

Xử lý dớn trước khi trồng:

Bước 1: Rửa sạch dớn với nước cho sạch, rũ sạch đất, cát, lá, vỏ cây tạp, rửa dớn đến khi nào nước trong veo là tốt nhất

Bước 2: Ngâm nước vôi, nước vôi trong hoặc với physan 20 nồng độ 2ml/1 lít nước, benkina nồng độ 2ml/ 1 lít nước khoảng thời gian 2 tiếng, ngâm trong 2 ngày. Điều này có tác dụng trung hòa axit, diệt cỏ hại, côn trùng gây hại, nấm khuẩn

Bước 3: Rửa dớn lại với nước để rửa trôi hết nước vôi hoặc physan, benkina

Bước 4: Ghép lan lên hoặc cho vào chậu trồng hoặc làm tã đắp lên giò lan là được.

Chọn giống lan Hoàng Nhạn

Có thể chọn mua giống ở những trại giống hoặc tiến hành tác bỏ cây con khỏi cây mẹ để lấy giống.

Những cây mua ở ngoài trại giống, cửa hàng bán cây cảnh nên chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, phần thân và lá không bị dập nát, phần rễ phát triển tốt, màu xanh.

Chọn giống từ cây con tách khỏi cây mẹ:

Bước 1: Tưới thật nhiều nước, để giúp cho phần đất và rễ mềm ra.

Bước 2: Sau khoảng 20 – 30 phút thì bạn có thể tách từng rễ của lan hoàng nhạn ra và đem đi xử lý, loại bỏ nấm bệnh

Bước 3: Loại bỏ bớt phần rễ dài, hỏng hay bị dập ở cây giống và sử dụng vôi để bôi lên những vết cắt giúp hạn chế bị lây lan các mầm bệnh.

Bước 4: Ngâm cây với dung dịch kích thích mọc rễ IBA trong khoảng 20 – 30 phút. Sau đó hãy treo ngược cành giống lên khô ở nơi thoáng mát, có ánh sáng tốt trong vòng 1 ngày sau một ngày có thể ghép cây vào giá thể trộn sẵn để trồng.

Kinh nghiệm chăm sóc lan Hoàng Nhạn phát triển tốt, hoa lâu tàn

Cách trồng lan Hoàng Nhạn

Bước 1: Làm móc treo, cố định chậu cây, gỗ trồng cây

Bước 2: Đổ giá thể đã chuẩn bị vào trong chậu khoảng 3/4 chậu thì dừng lại. Chú ý giá thể to xuống cuối cùng, giá thể nhỏ lên trên.

Bước 3: Cố định cây lan vào chậu, gỗ, lũa bằng cách sử dụng dây đồng 1 lõi bọc nhựa, dây thít nhựa,… cố định cây vào chậu cho thật cân đối. chỉ đặt gốc cây vừa chạm giá thể là được, không được vùi gốc xuống bên dưới.

Bước 4: Trải 1 lớp giá thể nhỏ lên trên tiếp theo và 1 lớp dớn trên cùng để giữ ẩm cho cây

Bước 5: Treo lên giàn, tránh mưa trực tiếp. Sau 2 ngày ghép vào giá thể trồng chúng ta mới bắt đầu tưới cho cây khoảng 2 lần/ tuần sử dụng thuốc kích rễ cho cây ra rễ nhanh chóng.

Hướng dẫn chăm sóc lan Hoàng Nhạn

Độ ẩm

Cây Hoàng Nhạn ưa ẩm nên độ ẩm phù hợp là khoảng 70-80%. Tùy từng loại giá thể và tiểu khí hậu mà bạn sẽ có những chế độ tưới khác nhau. Vào ngày hè nên phun sương cho cây 2 lần/ngày vào thời điểm trưa và chiều sớm, mỗi lần phun 30 giây đến 1 phút. Tiến hành tưới cây 2 lần vào lúc sáng sớm 5-7 giờ và chiều muộn 16-18 giờ với lượng vừa đủ nước

Ánh sáng

Cây không cần ánh sáng quá mạnh nhưng không được để thiếu nắng, cây sẽ còi cọc, chậm phát triển cho hoa nhỏ, hương không thơm. Do đó, có thể treo chúng ở dưới 1 lớp lưới đen dày hoặc chỉ ăn nắng buổi sáng hoặc tầng thứ 2 để giảm bớt ánh nắng. Chế độ nắng của chúng vào khoảng 30-50% là ổn để cho chúng phát triển, sinh trưởng.

Chế độ gió

Chúng ưa gió cần treo nơi thông thoáng để hạn chế tối đa mầm bệnh và tạo điều kiện cho cây phát triển khỏe mạnh nhất.

Phân bón

Có thể sử dụng các loại phân bón lá hoặc phân bón tan chậm để bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển, sinh trưởng.

+ Vào mùa xuân, đầu hè chúng ta có thể dùng phân bón 30-10-10 cho cây

+ Vào mùa hè và đầu thu cây nhận nhiều nước mưa nên cần giảm lượng phân bón lại và sử dụng mác 20-20-20 cho cây cứng cáp hơn.

Trước mỗi mùa hoa khoảng 1-2 tháng có thể sử dụng thêm phân bón giàu kali và photpho cho cây đủ lực, hoa to, thơm, cánh hoa dày.

Phòng bệnh cho lan Hoàng Nhạn

Trong quá trình trồng và chăm sóc lan Hoàng Nhạn cần tiến hành tạo môi trường thông thoáng cho cây bằng việc dọn dẹp và vệ sinh vườn định kỳ mỗi tháng.

+ Kiểm tra và quan sát tình trạng cây thường xuyên để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.

+ Khi phát hiện cây bị thối lá, rễ,… cần cách ly cây khỏi vườn trồng nhằm tránh lây bệnh cho các cây khác trong vườn.

+ Sử dụng kéo đã được khử trùng cắt bỏ các phần bị thối. Sau khi loại bỏ phần thân, rễ bị thối tiến hành phun Ridomil 75WP 30g/10 lít nước mỗi 3-5 ngày. Bên cạnh đó, cần tiến hành khử trùng chậu và các loại giá thể trước khi tiến hành trồng lại.

+ Nếu lan bị bệnh thối nhũn có thể phun thuốc các loại thuốc sau: Physan 20SL (Quatenary Ammonium salts) liều lượng 1-2ml/lít; Kasuran 47WP (Kasugamycin + Copper Oxychloride) lượng dùng 2-3g/lít; Starner 20 WP (Oxolinic acid) lượng dùng 2-3g/lít. Hạn chế tưới, bón phân cần tăng hàm lượng kali, giảm lượng đạm.

+ Phun thuốc diệt ấu trùng và ruồi trưởng thành các loại thuốc như: Cymerin 25EC, Secsaigon 25EC, Sherpa 25EC (Cypermethrin); Amico 10EC, Admire 50EC (Imidacloprid);Peran 50EC, Permecide 50EC, Perthrin 50EC (Permethrin), Actara 25WG (Thiamethoxam)... và tiến hành phun vào lúc chiều tối để thuốc đạt hiệu quả nếu lan bị ruồi đục nụ

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Những phương pháp nhân giống lan được áp dụng nhiều, đạt tỷ lệ cao

Kinh nghiệm chăm sóc lan Thiên Nga Đen nhiều qua, hoa lâu tàn

Bí quyết chăm sóc lan Vũ Nữ phát triển tốt, ra nhiều hoa

Địa lan Trần Mộng: cách trồng, chăm sóc lan

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc lan Hoàng Thảo Đơn Cam chuẩn nhất

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin liên quan

Các tin khác