Những bệnh lý về tiêu hoá gia tăng sau kỳ nghỉ Tết

2/16/2024 3:45:00 PM
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải gây khó tập trung khi trở lại công việc.

 

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải gây khó tập trung khi trở lại công việc. Không chỉ vậy, việc ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia… cũng khiến một số bệnh lý về tiêu hoá gia tăng sau kỳ nghỉ Tết người dân cần lưu ý.

Táo bón

Táo bón xảy ra khi đi đại tiện ít hơn ba lần/tuần. Tình trạng này gây khó khi đi đại tiện, khó thải phân, phân cứng hoặc khô đi kèm các triệu chứng như trướng bụng, chảy máu trong hoặc sau khi đi đại tiện.

Nguyên nhân gây táo bón sau kỳ nghỉ Tết do chế độ ăn nhiều đạm, không đủ chất xơ, không uống đủ nước, do uống rượu, sử dụng một số loại thuốc đặc trị, ít vận động…

Phương pháp điều trị táo bón sau kỳ nghỉ Tết là sử dụng thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ giúp làm mềm phân và giúp người bệnh dễ dàng hơn khi đi đại tiện. Uống đủ lượng nước từ 1,5 đến 2,5 lít nước/ngày/người, bổ sung ít nhất 25 gram chất xơ/ ngày/người & duy trì tập thể dục hàng ngày.

Tiêu chảy

Trái ngược với táo bón, tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với số lượng trên 3 lần/ngày ngày. Các triệu chứng đặc trưng khi bị tiêu chảy gồm đau bụng âm ỉ, phân lỏng, mất nước, lượng phân nhiều, một số trường hợp có thể bị chuột rút.

Nguyên nhân gây tiêu chảy bao gồm nhiễm vi khuẩn hoặc virus có hại do ăn thực phẩm mất vệ sinh, thực phẩm để lâu ngày trong tủ lạnh, uống nước bị ô nhiễm… hoặc uống nước, ăn thực phẩm có chứa vi khuẩn mà cơ thể không thích nghi được (đi du lịch nước ngoài). Do sử dụng các sản phẩm sữa, caffeine, chất làm ngọt nhân tạo hoặc một số chất phụ gia hoặc do dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh hoặc do mắc các bệnh đường ruột.

Rối loạn tiêu hoá

Sử dụng thực phẩm quá nhiều, ăn uống thất thường, ăn quá bữa, lệch giờ, uống nhiều rượu bia, nước có ga có thể gây ra rối loạn tiêu hóa. Bệnh phổ biến với các triệu chứng gồm tiêu chảy, táo bón, chậm tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, đắng miệng, ăn không thấy ngon đến hội chứng kém hấp thu…

Cách xử trí rối loạn tiêu hoá tại nhà gồm ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp; ăn sữa chua để bổ sung lợi khuẩn; ăn nhiều rau củ quả; uống nước tùy theo nhu cầu vận động của cơ thể cả trong và sau những ngày Tết (trung bình từ 1,5 đến 2,5 lít nước mỗi ngày); uống thêm trà gừng ấm; có thể dùng oresol bù nước nếu rơi vào tình trạng tiêu chảy nhiều; không tự ý dùng nhiều thuốc chống tiêu chảy hay táo bón; vận động nhẹ nhàng mỗi ngày; và đặc biệt lưu ý đến chế độ sinh hoạt như tránh thức khuya, ăn khuya…

Men gan cao

Gan đảm nhiệm hơn 500 chức năng trong cơ thể gồm chuyển hóa, giải độc, lưu trữ, thanh lọc máu… Để thực hiện các nhiệm vụ này, trong các tế bào gan có chứa các enzyme hay còn gọi là men gan. Nồng độ men gan trong máu phản ánh tình trạng tế bào gan khác nhau. Khi tế bào gan bị chết đi hoặc bị tổn thương, các men gan sẽ tràn vào trong máu, vì vậy xét nghiệm máu sẽ thấy men gan trong máu.

Tỷ lệ người mắc bệnh men gan cao gia tăng sau Tết. Những người mắc căn bệnh này có rất ít triệu chứng, đa phần chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, hơi đau hạ sườn phải… nên thường không lưu tâm. Các chuyên gia khuyến cáo "Ăn uống khoa học là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục tình trạng men gan cao. Cần kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn, nhất là người đang mắc bệnh về gan. Lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể qua các bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo sự cân bằng về vitamin, protein và các khoáng chất thiết yếu".

Để phòng ngừa, điều trị các bệnh về tiêu hoá, các bác sĩ sẽ chỉ định điều chỉnh chế độ ăn uống, loại thực phẩm nên ăn, nên tránh phụ thuộc vào từng bệnh lý cụ thể…Song song với chế độ ăn khoa học người dân cần duy trì tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng cho cơ thể.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác