Kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây xương rồng tai thỏ

7/6/2024 8:26:00 AM
Xương rồng tai thỏ sở hữu vẻ ngoài độc đáo, đáng yêu nên được trồng rất nhiều trong nhà, quán cà phê, văn phòng làm việc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, cách nhân giống xương rồng tai thỏ chuẩn xác.

 

Xương rồng tai thỏ sở hữu vẻ ngoài độc đáo, đáng yêu nên được trồng rất nhiều trong nhà, quán cà phê, văn phòng làm việc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc xương rồng tai thỏ chuẩn xác.

Loài xương rồng tai thỏ thường sinh trưởng chủ yếu tại các khu vực hoang mạc, bán hoang mạc. Nhờ sở hữu vẻ ngoài đáng yêu, độc đáo có các nhánh cây mọc thẳng lên trông như những chiếc tai thỏ, có nhiều lớp gai nhỏ, xếp thành từng hàng, phủ đều khắp xung quanh mặt, có sức sống mãnh liệt, vừa trồng làm cảnh vừa có thể làm món ăn, bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường, bệnh phéo phì, xơ vữa động mạch nên được trồng nhiều nơi. Chúng có thể dễ dàng sinh trưởng, phát triển trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, ít nước nên loài xương rồng tai thỏ khá dễ trồng, dễ chăm sóc.

Chậu trồng

Nên chọn loại chậu trồng xương rồng tai thỏ có kích thước lớn hơn gấp 2 lần so với bề rộng củ nhánh cây lớn nhất giúp hạn chế tình trạng cây bị gãy đổ do chậu nhỏ, phần đáy chậu có lỗ thoát nước để đảm bảo độ thông thoáng đất trồng, giúp thoát nước nhanh khi có mưa lớn hoặc sau khi tưới nước cung cấp độ ẩm cho đất.

Đất trồng

Khi lựa chọn đất trồng cây xương rồng tai thỏ nên ưu tiên lựa chọn các loại đất có độ tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, thoáng khí, khả năng thoát nước tốt, tránh chọn các loại đất kém dinh dưỡng, đất sét, đất đặc quánh, đất ẩm ướt, thoát nước kém bởi sẽ bị ứ đọng nước dễ bị thối rễ, không thông thoáng nên rễ cây phát triển khá chậm. Ngoài ra, chúng ta có thể phối trộn đất trồng xương rồng tai thỏ kết hợp với đá perlite, đá pumice và vermiculite giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây phát triển:

+ Đất perlite có tác dụng giữ nước, các chất dinh dưỡng bên trong, sau đó sẽ cung cấp dần các chất dinh dưỡng này cho cây xương rồng phát triển, có trọng lượng rất nhẹ, cách nhiệt tốt, giúp đất thoát nước nhanh trong mùa mưa.

+Đá pumice sở hữu đặc điểm nhiều lỗ nhỏ li ti bên ngoài và bên trong nên có tác dụng chứa không khí, hút nước, các chất dinh dưỡng cho cây, thoát nước nhanh tránh tình trạng thối rễ cho cây.

+ Đá vơ mi có khả năng giữ nước rất tốt, tơi xốp và thông thoáng và vô cùng nhẹ.

Nước tưới

Xương rồng tai thỏ không cần quá nhiều nước, không chịu được nhiều nước. Do vậy chúng ta chỉ cần tưới 30-40ml/ tuần, không nên tưới quá nhiều. Nếu trong thời tiết mát mẻ, mưa nhiều, trời ẩm không cần tưới cho xương rồng tai thỏ.

Ánh sáng

Khi sinh trưởng ở ngoài môi trường tự nhiên chúng phát triển tốt ở những khu vực nhiều nắng như sa mạc, bán sa mạc, nên ánh sáng vô cùng cần thiết cho sự phát triển của chúng. Nên đặt chậu trồng cây ở những nơi ánh sáng chiếu trực tiếp vào cây. Nếu trồng ở trong nhà, khu văn phòng nên cho chậu xương rồng tai thỏ 2 – 3 ngày cho cây ra ngoài tắm nắng một lần, giúp cây quang hợp, hấp thu ánh sáng mặt trời.

Nhiệt độ

Loài xương rồng tai thỏ có thể sinh trưởng, phát triển tốt điều kiện khắc nghiệt nhất, nóng hoặc lạnh. Khả năng chịu đựng của cây trong khoảng từ 10 – 50 độ C. Nhưng nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển tốt nhất là từ 15 – 28 độ C. Nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng có thể làm cây yếu đi, dễ nhiễm nấm bệnh.

Kỹ thuật trồng xương rồng tai thỏ

Trồng xương rồng tai thỏ chúng ta có thể sử dụng cây giống hoặc hạt giống để gieo, tuy nhiên phương pháp gieo hạt chỉ những nhà vườn mới áp dụng. Do vậy đơn giản nhất chúng ta nên trồng bằng phương pháp cây giống.

Phương pháp trồng bằng hạt giống:

Bước 1: Cho đất đã được chuẩn bị vào chậu trồng

Bước 2: Rắc đều hạt giống lên mặt đất.

Bước 3: Hãy tiến hành rải một lớp sỏi nhỏ thật mỏng trên bề mặt đất vừa gieo hạt để giúp cân bằng nhiệt độ cho hạt giống phía dưới, giữ ẩm cho đất.

Bước 4: Dùng bình xịt phun sương tưới đều một cách nhẹ nhàng trên bề mặt của chậu để tạo độ ẩm.

Bước 5: Bọc kín miệng chậu bằng túi nilon, đều đặn tưới nước 2 – 3 ngày/ lần để duy trì độ ẩm. Sau khoảng 10 ngày hạt giống xương rồng tai thỏ sẽ bắt nảy mầm.

Trồng cây xương rồng tai thỏ bằng cây giống

Bước 1: Sử dụng những cây xương rồng tai thỏ khỏe mạnh, chọn những nhánh nhỏ còn có màu xanh chuối, hơi sáng màu so với thân chính.

Bước 2: Dùng tay xoáy nhẹ tai thỏ từ từ, sau đó để nơi khô thoáng cho vết đứt khô.

Bước 3: Dùng thuốc phòng nấm trong 5 – 10 phút rồi để cho tai thỏ khô ráo.

Bước 4: Khi thấy vết đứt đã khô cắm đầu vết đứt trên tai thỏ xuống đất.

Bước 5: Sau đó tưới nước ướt đẫm đất trồng rồi để ở nơi thoáng mát, có gió và nắng yếu khoảng 20 đến 30 ngày thì đem ra nắng. Sau thời gian chăm sóc cây sẽ bắt đầu ra rễ.

Phòng trừ sâu bệnh

Xương rồng tai thỏ có nguy cơ bị mắc một số loại bệnh như bệnh thối, bệnh đốm than hay rệp sáp.

Xương rồng tai thỏ bị thối gốc

Do các vết thương gây ra trong quá trình chiết ghép hoặc xuất hiện trên gốc. Thời gian đầu sẽ xuất hiện các đốm thối màu đen, xám, các chấm mốc màu đỏ tím hoặc trắng. Vậy nên trong quá trình ghép cành, công cụ cần được khử trùng, chọn loại đất và phân không nấm bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh của cây, loại bỏ những cành/cây bị bệnh để tránh lây lan sang những cành khác.

 Xương rồng tai thỏ bị bệnh thán thư

Xương rồng tai thỏ bị bệnh thán thư gặp nhiều vào mùa hạ và đầu mùa đông, khi cây bắt đầu xuất hiện những đốm nhiều nước màu nâu nhạt do nấm đĩa gai gây ra. Để phòng bệnh thán thư, nên hạn chế tưới nhiều nước, để cây ở nơi khô ráo và thoáng khí.

Xương rồng tai thỏ bị rệp sáp

Rệp sáp dùng miệng chích hút nhựa cây, dần dần sẽ làm cây bị suy yếu và chậm phát triển. Để loại bỏ rệp sáp chúng ta hãy dùng tay bắt bỏ chúng đi hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật trị rệp sáp

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác