Đau dạ dày khi trời lạnh nguyên nhân, giải pháp điều trị

1/25/2024 11:21:00 AM
Các thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc các vấn đề về dạ dày mùa lạnh thường tăng cao hơn các mùa khác trong năm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này.

 

Miền Bắc đang bước vào thời gian cao điểm của mùa đông. Mức nhiệt ở nhiều nơi như Thanh Hóa và Nghệ An đã xuống thấp nhất dưới 10 độ, vùng núi như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) dưới 0 độ và đặc biệt một số nơi khu vực vùng núi cao phía Bắc đã xuất hiện băng giá. Rét đậm khiến cho những người mắc bệnh về dạ dày có cảm giác khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Theo các thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc các vấn đề về dạ dày mùa lạnh thường tăng cao hơn các mùa khác trong năm. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này.

Nguyên nhân

Phân tích dưới góc độ y khoa, các bác sĩ cho biết sự biến động nhiệt độ đột ngột khiến lượng histamine trong cơ thể tăng lên làm cho dạ dày sản xuất nhiều dịch vị hơn khiến bộ phận này phải hoạt động nhiều hơn và rất nhiều lý do khác khiến người bệnh dễ trải qua cảm giác đau dạ dày mùa lạnh hơn so với các màu khác trong năm. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tác động khiến bệnh đau dạ dày hoành hành trong mùa lạnh.

Sự suy giảm của hệ miễn dịch

Khi thời tiết trở lạnh, hệ miễn dịch của cơ thể thường hoạt động kém hiệu quả hơn các mùa khác trong năm. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau dạ dày...

Thói quen ăn khuya tăng 

Trời lạnh tiêu tốn nhiều calo dẫn đến cơ thể nhanh đói vì vậy việc ăn đêm trở thành thói quen phổ biến khi thời tiết trở lạnh. Trước khi đi ngủ, nhiều người thường ăn các món ấm ăn liền như phở úp, mì, hay bún.. để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, đây là thói quen có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tăng áp lực lên dạ dày. Trong y khoa, sau 8 giờ tối, người bệnh nên tránh ăn các thức ăn khó tiêu do điều này có thể tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ và chức năng tiêu hóa của dạ dày, thậm chí gây đau dạ dày nếu thói quen này kéo dài và diễn ra liên tục.

Tăng lượng thức ăn lên dạ dày

Mùa đông thời tiết se lạnh khiến chúng ta có cảm giác ăn ngon hơn. Nhiều người chọn giải pháp ăn nhiều hơn để bổ sung năng lượng và giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên sự tăng cường lượng thức ăn này nếu không khoa học có thể tạo áp lực lớn lên dạ dày và gây đau dạ dày.

Giảm lượng nước uống

Mùa đông, thời tiết trở lạnh cơ thể không mất nước thông qua mồ hôi như mùa hè nên ít cảm giác khát dẫn đến giảm lượng nước uống. Tuy nhiên, thực tế là nhu cầu nước để duy trì các chức năng cơ bản của cơ thể không thay đổi. Do đó việc uống ít nước có thể làm cho dạ dày co bóp kém, dẫn đến các cơn đau dạ dày khi thời tiết lạnh.

Thói quen ăn đồ cay nóng

Thời tiết lạnh, nhiều người thường thích ăn đồ cay nóng để có thể giúp giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, các chất kích thích gồm bia rượu, thuốc lá...cũng có thể là nguyên nhân gây tác động mạnh lên niêm mạc dạ dày dẫn đến tình trạng đau dạ dày khi thời tiết lạnh.

Phương pháp điều trị

Để giảm các cơn đau dạ dày mùa lạnh một cách hiệu quả các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thường xuyên xoa bụng khi bắt đầu cảm nhận các cơn đau dạ dày, hãy nghỉ ngơi và sử dụng lòng bàn tay nhẹ nhàng để xoa bụng. Đặt hai tay lên vị trí đau và xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ trong 1-2 phút, sau đó xoa theo chiều ngược lại để giảm đau nhanh chóng.

Ngoài ra việc chườm nước nóng cũng là phương pháp giảm đau dạ dày nhanh chóng và hiệu quả. Hơi nước nóng từ khăn chườm kích thích lưu thông máu, giúp máu đến vùng bụng nhiều hơn và giảm cảm giác đau. Kết hợp chườm nóng với việc xoa bụng cũng có thể giúp giảm đau nhanh hơn.

Uống một cốc nước ấm giúp cơ thể pha loãng dịch vị trong dạ dày. Sau vài phút cơn đau giảm đi nhanh chóng. Do đó uống một cốc nước ấm vào buổi sáng sẽ giúp hệ tiêu hóa được làm sạch. Sau uống, ăn một chút thức ăn khô như bánh mì hoặc các loại bánh quy chứa bicarbonate giúp trung hòa axit trong dạ dày, đây được đánh giá là một cách giảm đau dạ dày cấp tốc tại nhà hiệu quả. Khi axit dạ dày được trung hòa, niêm mạc dạ dày ít bị tổn thương hơn, giúp giảm cảm giác đau.

Một phương pháp khác rất hiệu quả để giảm cơn đau dạ dày là sử dụng baking soda. Chỉ cần pha loãng nửa thìa baking soda với nước và sử dụng để trung hòa axit trong dạ dày có tác dụng giảm đau một cách hiệu quả.

Phương pháp phòng ngừa

Giữ thói quen ăn uống khoa học: Ăn đúng giờ và đủ bữa mỗi ngày để duy trì chu kỳ tiêu hóa ổn định. Lựa chọn thực phẩm có tính ấm, tránh ăn thực phẩm nguội làm cản trở lưu thông máu.

Giữ nhịp sinh hoạt ổn định: Giữ nhịp độ sinh hoạt của cơ thể ổn định, tránh những thay đổi đột ngột. Xây dựng tinh thần tích cực và suy nghĩ lạc quan để giảm căng thẳng và áp lực. Duy trì thói quen vận động, duy trì tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Hạn chế các thức ăn gây kích thích như thực phẩm sống, tái, chưa chín để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn & thực phẩm quá cay, quá chua...

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Top các món ăn gây đau dạ dày ngày Tết

Bị đau dạ dày nên tránh ăn những loại trái cây nào vào buổi sáng

Tại sao stress, căng thẳng gây đau dạ dày?

Chế độ ăn cho người đau dạ dày mạn tính

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác