Ocean Spiral - Thành phố dưới lòng đại dương

12/2/2014 4:12:16 PM
Bên trong khối cầu được chia thành 75 tầng với không gian dành cho bệnh viện, nhà ở, khu vực thương mại và trung tâm nghiên cứu. Theo dự kiến, khối cầu có sức chứa tối đa 5000 người với 4000 cư dân và 1000 khách tham quan.

 

 

Công ty xây dựng Shimizu (Nhật Bản) vừa đề xuất dự án xây dựng một thành phố dưới lòng đại dương, mang tên Ocean Spiral. Đây sẽ là tổ hợp công trình với quả cầu khổng lồ trên mặt biển và đường dẫn xoắn ốc bên dưới lòng biển nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tiềm năng của đại dương và giải quyết vấn đề gia tăng dân số trong tương lai.

 

 

Mang tên Ocean Spiral, dự án của Shimizu bao gồm nhiều khu phức hợp có cấu trúc giống nhau, mỗi khu chứa được khoảng 5.000 người và được quảng cáo là có thể “tận dụng những khả năng vô hạn của biển sâu” để phục vụ đời sống con người. Theo bản vẽ, mỗi khu vực của Ocean Spiral gồm ba cấu trúc chính. Nằm sát mặt biển là một khối cầu khổng lồ có đường kính 500 m, trong đó sẽ bao gồm khu dân cư, khu kinh doanh, khách sạn, công viên và các dịch vụ giải trí. Cấu trúc thứ hai là một hệ thống ống hình xoắn ốc có tổng chiều dài 15 km để kết nối khối cầu với cấu trúc cuối cùng là trung tâm năng lượng tích hợp nằm dưới mặt nước khoảng 3 - 4 km.

 

Trung tâm này có nhiệm vụ khai thác mọi nguồn năng lượng của đại dương để duy trì sự sống trong Ocean Spiral. Cụ thể, trung tâm sẽ lọc ô xy từ nước biển, sử dụng vi sinh vật để biến khí CO2 thành methane làm nhiên liệu trong khi các cỗ máy tối tân nằm dọc theo đường xoắn ốc sẽ sử dụng sự chênh lệch của nhiệt độ nước biển để tạo ra điện. Nước ngọt được sản xuất bằng cách khử muối với công nghệ áp suất thủy lực. Ngoài ra, khu phức hợp còn có nhiều bến neo đậu cho các chuyến tàu chở khách qua lại giữa lòng biển và mặt đất cũng như tàu nghiên cứu hải dương. Theo Asahi Shimbun, Tập đoàn Shimizu lên kế hoạch xây dựng Ocean Spiral bằng vật liệu xử lý từ nhựa thông thay vì bê tông để tăng tính kết dính và bền vững trong khi nhiều cấu trúc thiết yếu sẽ được tạo ra bằng máy in 3D công nghiệp.

 

 

Để có thể chịu được áp lực nước biển từ bên ngoài, khối cầu Blue Garden được chống đỡ và định hình bởi một tháp trung tâm. Khung sườn của quả cầu và tòa tháp được làm từ bê tông polymer. Bao phủ bên ngoài là các tấm sợi acrylic hình tam giác với độ dài mỗi cạnh là 50 mét và được gia cố thêm bằng sợi thủy tinh bán trong suốt.

 

Con người có thể đi vào khối kiến trúc này thông qua một lối vào khổng lồ trên mặt biển. Bên trong Blue Garden cũng có chứa một hội trường lớn, khu vực khách sạn, khu ngắm cảnh, công viên biển và các khu vực khác phục vụ du lịch. Toàn bộ các thông số như độ ẩm, nhiệt độ và nồng độ oxy bên trong công trình đều được kiểm soát một cách chặt chẽ.

 

Hãng Shimizu tiết lộ thêm rằng, các loại vật liệu xây dựng thành phố có thể sẽ được thay đổi bằng những lựa chọn tốt hơn theo sự phát triển của công nghệ trong tương lai. Theo kế hoạch, dự án sẽ có tổng trị giá 25,5 tỷ đôla Mỹ và sẽ hoàn thành trong vòng 15 năm.

 

Theo Đài RT, dự án táo bạo của Shimizu đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học Tokyo, Viện Khoa học và công nghệ biển - trái đất (Nhật) và Cục Nghiên cứu thủy sản đánh giá cao trong bối cảnh loài người đang đối mặt với nguy cơ thảm họa xuất hiện ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu cũng như tình trạng nước biển dâng. Phó giáo sư Christian Dimmer thuộc Khoa Nghiên cứu đô thị tại Đại học Tokyo nhấn mạnh “những công nghệ không tưởng” như Ocean Spiral được thai nghén nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đặc biệt là đối với một đất nước thường xuyên hứng chịu động đất và sóng thần như Nhật Bản. Tờ The Guardian dẫn lời các chuyên gia cho biết, các cấu trúc dưới lòng đại dương sẽ chịu tác động ít hơn từ sóng thần hoặc động đất và giúp giải quyết bài toán nước biển dâng cao.

 

Hiện Shimizu đang mời gọi thêm các chuyên gia từ các viện nghiên cứu lớn, các cơ quan chính phủ và công ty năng lượng tại Nhật tham gia dự án. Mục tiêu kế tiếp của nhóm quản lý dự án là trả lời các câu hỏi đầy thách thức về chính trị, an ninh và xã hội liên quan đến thành phố dưới biển như “Những ai sẽ được sống ở “thiên đường”?” hay “Ai sẽ chịu trách nhiệm và đủ nguồn lực để quản lý cộng đồng của Ocean Spiral?”.

 

Một số hình ảnh về Ocean Spiral:

 

 

 

 

 

Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác