Một gia đình Đức chạy sang Nga do lo ngại làn sóng tị nạn

8/12/2016 2:42:07 PM
Theo Daily Mail, chị Carola Griesbach, 51 tuổi và chồng là anh Andre, 45 tuổi đã lái xe 1.400 dặm từ Đức tới Quảng trường Đỏ ở Moscow trên chiếc xe cắm trại hiệu Volkswagen để thoát khỏi “sự độc tài của nước Đức.”

 

Gia đình người Đức xin tị nạn ở Nga. (Nguồn: dailymail.co.uk)

Đi cùng họ còn có 2 cô con gái là Dominique và Julia, cùng 4 đứa cháu - tất cả chen chúc nhau trên xe.

Gia đình này đã rời bỏ nước Đức vì nhiều lý do, bao gồm những lo ngại về dòng người nhập cư đang đổ về quốc gia này. Tuy nhiên, kể từ khi đến Nga vào đêm giao thừa năm 2015, cả gia đình Griesbach đã sống trong một nhà trọ nhỏ trong một khu rừng ngoại ô Moscow, và bị các nhà chức trách từ chối đơn xin tị nạn.

Chính phủ Nga coi Đức là một quốc gia an toàn và gia đình Griesbach không thể trở thành người tỵ nạn tại Nga. Tuy nhiên, nhà Griesbach lập luận rằng họ không có đủ thời gian để chuẩn bị những giấy tờ cần thiết.

Andre cho biết: “Chúng tôi đã rất lo lắng kể từ khi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ Đức bên ngoài tòa nhà quốc hội từ tháng 9-12/2013. Chúng tôi không cảm thấy nước Đức là một nơi an toàn nữa. Khi chúng tôi rời Đức vào tháng 12 năm 2015, chúng tôi không có thời gian chuẩn bị gì. Chúng tôi chỉ có thị thực du lịch để nhập cảnh vào Nga, và không kịp xin thị thực lao động.”

Từ khi đến Nga, gia đình Griesbach đã phải sống dựa vào lòng tốt của những người dân Nga và các quy định pháp lý tại Nga cho phép họ ở lại. Họ nói rằng hiệp ước hòa bình giữa Nga và Đức năm 1918 chỉ là hình thức, và thực tế hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Vì thế, họ tin rằng nước Nga có nhiệm vụ bảo vệ họ. Họ cũng rất muốn được ở lại nước Nga.

“Chúng tôi muốn ở lại đây và làm việc. Có rất nhiều người đến ngỏ ý mời tôi làm việc, làm nông dân, hay công nhân xây dựng. Tôi đã tự xây nhà ở Đức. Tôi cũng có thể làm phiên dịch viên cho giáo viên dạy tiếng Đức ở đây. Ở Đức bạn phải có đủ thứ bằng cấp để kiếm việc làm, nhưng ở Nga thì không thế Tôi sẽ rất vui được đi làm nếu chính phủ Nga cho phép. Chúng tôi rất mong được ở lại Nga. Chúng tôi thực sự được tự do ở đây,” Andre chia sẻ.

Tuy nhiên, việc không hiểu rõ tiếng Nga và số tiền tiết kiệm đang hụt đi nhanh đang gây nhiều khó khăn cho nhà Griesbach.

Andre nói thêm: “Tiếng Nga của tôi không tốt lắm, vì thế chúng tôi phải thuê người dịch hết giấy tờ sang tiếng Nga. Nhưng chúng tôi không còn nhiều tiền, vì thế chỉ có thể dựa vào lòng tốt của người dân địa phương. Người Nga tốt bụng đến không tin nổi. Chúng tôi không thể nhận được sự giúp đỡ như vậy ở Đức - ở đó mọi người đều sống rất ích kỷ.”

Không chỉ phê phán người Đức vì thói ích kỷ, nhà Griesbach còn phàn nàn về việc "có quá nhiều người nhập cư tại Đức, sự thiếu dân chủ cũng như việc giáo dục sớm về giới tính cho trẻ em ở Đức."

Andre chia sẻ: “Mọi người nghĩ Đức là một quốc gia dân chủ, nhưng sự thật không phải thế. Đạo đức ở đó đang suy đồi và chẳng còn xã hội nào ở đó nữa. Trong khi đó xã hội Nga thì tốt hơn rất nhiều, và ông Putin là một ví dụ sáng giá hơn rất nhiều về hình ảnh một người lãnh đạo thực thụ.”

Carola cũng nói: “Tất cả mọi người biết tình hình hiện nay ở Đức, và về mối quan hệ giữa người nhập cư và bạo lực. Truyền thông chỉ nói lên một phần rất nhỏ thôi. Trẻ em và phụ nữ không còn được an toàn ở Đức nữa.”

Nhà Griesbach cho biết họ nhận được sự ủng hộ của tất cả họ hàng vì quyết định của mình.

“Ban đầu họ không thấy vui vì chúng tôi bỏ đi mà không nói một lời. Nhưng sau khi trò chuyện qua Facebook, giờ họ đã hiểu và ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi sẽ không gặp lại họ trừ phi họ tới Nga thăm chúng tôi.”

Tuy nhiên, nhiều người Đức lại không nghĩ như vậy. Lars Klingenberg, một người dùng mạng chia sẻ: “Tôi chẳng biết nên khóc hay nên cười nữa. Tôi thà đưa tiền đến cho một tổ chức người tị nạn ở địa phương để họ giúp người tị nạn thực sự còn hơn.”

Một người khác, Kara Kareglazka thì nhận định: “Thật đáng xấu hổ khi lũ trẻ phải chịu đựng sự ngu ngốc của cha mẹ và ông bà chúng. Thật vô trách nhiệm và phản xã hội”./.

Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo Vietnam+)

Các tin khác