Giá trị dinh dưỡng cực tốt của hải sâm đối với sức khỏe

1/9/2020 11:39:00 AM
Hải sâm từ xa xưa đã được ví như nhân sâm của biển cả bởi chúng không chỉ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà còn là vị thuốc quý trong điều trị các bệnh như huyết áp cao, mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm

 

Hải sâm từ xa xưa đã được ví như nhân sâm của biển cả bởi chúng không chỉ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng tuyệt vời mà còn là vị thuốc quý trong điều trị các bệnh như huyết áp cao, mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm, cải thiện sức khỏe, đẩy lùi lão hóa và đặc biệt vô cùng tốt đối với nam giới.

Hải sâm có tên khoa học là Stichopus japonicus selenka, thuộc động vật biển thuộc lớp Holothuroidea. Chúng còn có tên gọi khác là: dưa biển, cá mai biển, namako, sâm biển, sa tốn, đồn độp, đỉa biển,…

Chúng có thân hình dài trung bình khoảng 20 cm, thân mềm nhũn, da có lông, sần sùi hơi nhám, xương trong nằm ngay dưới da. Môi trường sinh sống chủ yếu của hải sâm ở các thảm san hô chết, đáy cát dưới biển độ sâu khoảng 2-5m. Tại nước ta, hải sâm sinh sống chủ yếu ở các vùng biển Khánh Hòa, Côn Đảo, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu,…

Những giá trị dinh dưỡng của hải sâm đối với sức khỏe

Theo y học hiện đại nghiên cứu và cho biết hải sâm là loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm (55%), ít chất béo (2%). Cứ trong 100g hải sâm thì proteine chiếm 75,6g cao gần gấp 5 lần thịt lợn nạc và 3,5 lần ở thịt bò.

Trong đó, thành phần chất đạm của hải sâm bao gồm nhiều acid amin cần thiết như: glycine, arginine, leucine, alanine, glutamine, tauri.

Ngoài ra, hải sâm còn chứa nhiều chất khoáng vi lượng: kẽm, sắt, đồng, iod, crôm,… cùng nhiều yếu tố vi lượng như phosphore, đồng, sắt, mangan, kẽm… đặc biệt có chất selenium (Se) có tác dụng giải độc kỳ diệu làm vô hiệu các kim loại nặng đi vào cơ thể qua đường ăn uống như chì hay thủy ngân và đào thải ra qua đường niệu.

 Hải sâm còn chứa cả vitamin B1, B2, B12, C cùng hàm lượng nội tiết tố cao như: testosterone và progesterone.

Một nghiên cứu khác cho thấy trong thành phần dưỡng của hải sâm còn có chứa các chất có hoạt tính sinh học như: lectin, saponin glucoside (trong đó có 2 loại saponine là Rg gây hưng phấn thần kinh, chống mệt mỏi và tăng cường thể lực và Rh có tác dụng ức chế các tế bào ung thư).

Theo đông y cho biết hải sâm có vị mặn tính ấm đi vào các kinh Tâm, Tỳ, Thận và Phế. Có công năng bổ thận ích tinh, thêm tinh tủy, tráng dương, sát khuẩn, dưỡng huyết nhuận táo, sử dụng trị mọi chứng hư lao như các chứng huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, lỵ kinh niên.

Trong nhiều y thư cổ của các bậc danh y có ghi: Bản thảo tùng tân, Bản thảo nhiếp yếu, Cương mục thập di, Dược tính chỉ nam… đều nói hải sâm bổ thận kinh, ích tinh tủy, tiêu đờm dãi, giữ gìn điều nhiếp tiểu tiện, có tính tráng dương, sát khuẩn, chữa trị được chứng lở có sâu, lại giáng được hỏa, bổ ích thận, thông lợi tràng vị, nhuận chỗ táo kết, trị mọi chứng hư lao, ốm yếu gầy còm.

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin liên quan

Các tin khác