Ghé thăm chùa Âng: Ngôi chùa Khmer cổ

9/17/2019 11:12:00 AM
Trong chuyến hành trình khám phá quần thể thắng cảnh Ao Bà Om nổi tiếng tại Trà Vinh du khách đừng quên ghé thăm ngôi chùa cổ có tên gọi là Chùa Âng nhé.

 

Vài nét về chùa Âng nổi tiếng

Chùa Âng còn được gọi với tên gọi khác là Wat Angkor Raig Borei theo ngôn ngữ Paly. Ngôi chùa tọa lạc trong quần thể danh thắng Ao Bà Om và Bảo Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. Ngôi chùa cổ này có diện tích khoảng 3,5 ha với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu trên đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… trong đó có hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính.

Ngôi chùa cổ này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10. Thuở ban đầu chùa Âng chỉ là những mái lá bằng tre, nứa đơn sơ. Nhưng đến năm 1842 thì chùa mới được xây tô gạch ngói và dựng bằng những chất liệu gỗ quý. Sau này qua quá trình trùng tu, sửa chữa ngôi chùa trở nên khang trang hơn nhưng vẫn giữ lại những nét kiến trúc ban đầu, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường…nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên hiện trạng.

Vào ngày 25/8/1994 Chùa Âng được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Kiến trúc độc đáo của chùa Âng

Chùa Âng được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh trí và những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc của nền văn hóa ĂngKor.

Bước vào cổng chỉnh ngôi chùa cổ nổi tiếng bạn sẽ thấy một lối đi rộng rãi thoáng mát giữa hai hàng sao cổ thụ thân to, cao vút. Khi vào chánh điện điện (Preah Vihea) nơi thờ Phật, nơi cũng là nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc…

Chánh điện của chùa được xây dựng bằng khung gỗ, mái lợp gói, phần chánh điện được trụ đỡ bởi hệ thống 18 chiếc cột bằng gỗ quý.  Bên ngoài hành lang phía trước là 6 cột, trong đó 4 cột giữa có đúc hình tiên nữ (Keyno) và hai cột hai bên đúc hình chim thần (Krud) để đỡ khung sườn mái. Bên trong chánh điện là một không gian rộng với 12 trụ cột được trang trí hình rồng, sơn son thếp vàng.

Phần mái chánh điện bao gồm 3 cấp mái trong đó hai mái trên cùng cao và dốc tạo cảm giác linh thiêng, phần diềm mái được trang trí hình rồng thân nằm xoãi dài, vảy rồng uốn cong ngược lên, tạo cảm giác mái ngói vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.

Trên các bức tường bên trong chánh điện là những bức bích họa đặc sắc thể hiện tư tưởng Phật giáo, thông qua con đường tu hành của Phật Thích Ca. Trên trần là bốn bức bích họa hoành tráng thể hiện bốn giai đoạn trong cuộc đời Phật Thích Ca là Phật đản sanh, Phật xuất gia, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn.

Bệ thờ Phật được các nghệ nhân xây dựng như một tòa sen với nhiều cánh đặt sau một lớp võng bằng gỗ chạm khắc rất tinh xảo với nhiều hình hoa lá, muông thú được sơn son thếp vàng. Trên bệ, ngoài tượng chính cao 2,1 m còn có 55 tượng Phật lớn nhỏ khác nhau, bằng chất liệu xi măng và gỗ quý, đều được thếp vàng. Cũng như các ngôi chùa Nam tông Khmer khác, chánh điện chùa Âng chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca ở tư thế ngồi thiền định.

Phía trước chánh điện là ngôi tháp chứa di cốt các vị sư cả trụ trì chùa qua các thời kỳ. Điều đặc biệt, đây là ngôi tháp năm ngọn duy nhất trong các ngôi chùa Khmer Trà Vinh.

Hàng năm, nơi đây thường tổ chức nhiều dịp lễ hội, đây cũng là điều kiện để du khách gần xa đến tham quan và hiểu hơn về những bản sắc riêng của dân tộc. Ngoài ra, chùa Âng cũng thường xuyên mở những lớp dạy, để các thanh niên Khmer đến tu học nhằm bồi bổ tri thức và đạo đức. Bên cạnh đó, chùa còn mở nhiều những lễ tôn giáo như: lễ ban hành giáo lý, lễ Phật đản, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ… mang ý nghĩa phản ánh đời sống tâm linh và giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer.

Trong chuyến hành trình tham quan ngôi chùa Âng nổi tiếng bạn hãy ghé thăm chùa ông Mẹt hoặc chùa Hang, Ao Bà Om cũng rất nổi tiếng được nhiều du khách tham quan.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử ngôi chùa cổ vẫn vững vàng, uy nghi tồn tại trước tác động của thời tiết, thời gian. Nơi đây còn là niềm tự hào của đồng bào Khmer và người dân tỉnh Trà Vinh.

Suckhoecuocsong.vn/TH

Các tin liên quan

Các tin khác