Đêm cuối tuần Paris tang thương trong khói đạn khủng bố

11/17/2015 2:03:55 PM
Ngày 13/11 đáng lẽ chỉ là một ngày bình thường và yên bình như mọi ngày. Ở quán bar Carillon, hàng chục thực tập sinh Bệnh viện Saint-Louis cùng nhau thưởng thức những ly bia sau khi hết ca trực.

 

Ngày 13/11 đáng lẽ chỉ là một ngày bình thường và yên bình như mọi ngày. Ở quán bar Carillon, hàng chục thực tập sinh Bệnh viện Saint-Louis cùng nhau thưởng thức những ly bia sau khi hết ca trực. Trong căn nhà tại đường Charonne ngay gần nơi xảy ra vụ đánh bom, Rémy Nizard, bác sĩ khoa Chỉnh hình Bệnh viện Lariboisière yên lặng theo dõi trận đấu bóng giữa Pháp và Đức. Các nhân viên khác lên kế hoạch nghỉ cuối tuần trong khi một số các bác sĩ tư nhân chuẩn bị biểu tình để thay đổi luật Sức khỏe. Có ai ngờ chỉ ít phút sau, tất cả chứng kiến một đêm Paris tang thương trong khói đạn khủng bố.

 

Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ bên cạnh thi thể nhiều nạn nhân trên đường phố bên ngoài một nhà hàng ở Paris.

 

Điện thoại đổ chuông, thông tin lan truyền khắp mạng xã hội, tivi và radio đồng loạt đưa tin về 6 vụ tấn công liên hoàn vào thủ đô Paris. Đội ngũ y tế khắp các bệnh viện Paris nhanh chóng chạy đến hiện trường cũng như bệnh viện để chăm sóc nạn nhân, hỗ trợ các gia đình và cấp cứu “những vết thương chiến tranh”. Hàng trăm xe cứu thương của Dịch vụ Y tế Khẩn cấp Pháp (Samu) được điều động đến hiện trường. Vào 22h30, “chế độ trắng” được kích hoạt.

 

Patrick Plaisance phụ trách cấp cứu tại Bệnh viện Lariboisière cho biết “từ trước khi chế độ trắng bắt đầu, tất cả mọi người đã lao đến trong thời gian ngắn kỷ lục”. Mọi kế hoạch nghỉ ngơi đều được hủy bỏ. Bệnh nhân trong các cơ sở được di chuyển để nhường chỗ cho nạn nhân vụ tấn công. Các trường hợp bong gân và đau răng được thông báo “phải chờ đợi rất lâu”, thậm chí được yêu cầu quay lại sau. Không một ai phàn nàn. Tại Lariboisière, hai nạn nhân đầu tiên được taxi đưa đến.

 

Mặc dù đã luyện tập với tình huống tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu cùng lúc, không nhân viên y tế nào có thể tưởng tượng một thảm họa như vậy có thể xảy ra. 10 phòng phẫu thuật của bệnh viện Pitié-Salpêtrière hoạt động không ngừng nghỉ suốt gần 24 giờ. Đây là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhất, trong đó 25 người ở tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”. “Trung bình, bệnh viện tiếp nhận 2 ca cấp cứu mỗi ngày, trong những đêm hội thì con số tăng lên 10”, bác sĩ Mathieu Raux cho biết. Cả đêm, Mathieu không nghỉ ngơi, mệt mỏi đến độ như bị chìm xuống đáy biển. Bệnh nhân nhập viện với những vết đạn ở đầu, cổ, chân hoặc bị đứt dây thần kinh, gãy xương khiến anh cảm thấy như đang ở thời chiến.

 

Các bác sỹ nhanh chóng đến hiện trường để sơ cứu cho nạn nhân.

 

Tại Beaujon và Bichat, không khí căng thẳng bao trùm. Trưởng khoa Cấp cứu và Gây mê Catherine Paugam xem xét kế hoạch ứng phó với vụ tấn công. “Chúng ta biết rằng mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi”, bà thở dài. Trong cái đêm được bà gọi là “ngắn, rất ngắn”, Catherine luôn túc trực để đảm bảo các bệnh nhân được chăm sóc kỹ càng.

 

Còn ở Lariboisière, Rémy Nizard chuẩn bị dụng cụ cho “ca phẫu thuật kiểu chiến tranh”. “Trong tình huống này, bạn không nghĩ gì cả, bạn chỉ làm thôi”, ông nói. Rémy không hài lòng vì hoàn cảnh không cho phép ông chữa trị hết mức có thể cho từng bệnh nhân. Tuy vậy, vị bác sĩ được an ủi phần nào khi “toàn bộ ê kíp đều rất chuyên nghiệp, bình tĩnh, không hề nao núng hay mất trật tự”. “Mỗi nhân viên y tế đều tìm thấy lý do vì sao họ nên ở đây: để cứu người”, Rémy nhận định. “Tất cả những căng thẳng hàng ngày đều biến mất”.

 

Bác sĩ Patrick Pelloux từng tham gia cứu hộ vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1 miêu tả cảnh tượng đêm thứ 6 “có cùng một kịch bản” với những gì ông từng chứng kiến. “Đây là một cuộc tàn sát chiến tranh”, ông nói. Claire, nữ y tá tại bệnh viện Lariboisière nghẹn ngào: “Đó là đêm kinh khủng nhất đời tôi. Cứ như ngày tận thế. Sáng hôm sau vừa bước vào xe để trở về nhà, tôi như sụp đổ. Tôi đã khóc”. Giống cô, các y bác sĩ Paris đã trải qua thời khắc được miêu tả là “khủng khiếp”.

 

Không khí căng thẳng trong phòng cấp cứu tại bệnh viện Saint-Louis

 

Sau những giờ căng thẳng tột độ, bệnh nhân tạm ngừng nhập viện. Khắp mọi nơi, các bác sĩ phẫu thuật bắt đầu liên lạc với người thân dưới sự hướng dẫn của đơn vị. Patrick Plaisance đi kiểm tra những người bị thương, nói chuyện với cảnh sát để xác định danh tính các nạn nhân. Vào 6h sáng, ông đi kiếm chút bánh cho đồng nghiệp. Cửa hàng bánh gần bệnh viện Lariboisière nhất đã đóng cửa, các thợ làm bánh không dám mở cửa sắt vì sợ hãi. “Cả ê kíp cùng thảo luận. Tôi muốn biết cảm nhận của đồng nghiệp, muốn lắng nghe họ và nói cho họ biết mọi người đã tuyệt vời như thế nào”, Patrick chia sẻ.

 

Tại các cơ sở, bác sĩ tiếp tục thăm khám cho người bị thương. Những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch được giám sát rất chặt chẽ. Mỗi giờ trôi qua, các y bác sĩ lại hy vọng bệnh nhân có thêm cơ hội sống sót. “Vết thương do đạn gây ra nếu đủ nặng để dẫn đến tử vong sẽ khiến người bị nạn ra đi gần như ngay lập tức. Tuy vậy, nhiều bệnh nhân còn sống bị tổn hại nặng nề. Với một số trường hợp, con đường phía trước rất dài”, bác sĩ Mathieu Raux cho hay. Người bệnh có thể cần đến 2-3 năm mới trở lại bình thường. Rémy từ Lariboisière nói: “Tôi không biết sẽ nói gì với họ. Tôi không biết sẽ dùng từ ngữ nào để thông báo những điều khủng khiếp như vậy”.

 

Tại Bệnh viện Georges-Pompidou, các bác sĩ nhẹ nhõm một chút vì không bệnh nhân nào tử vong sau 18 tiếng. Ở giai đoạn hai của kế hoạch điều trị, bệnh viện sẽ tiến hành theo dõi tâm lý cho các bệnh nhân bởi rất nhiều người bị sốc và không thể nói gì về vụ tấn công. “Bác sĩ tâm thần sẽ có mặt và túc trực cả tuần”, Philippe Juvin, phụ trách cấp cứu tại bệnh viện Georges-Pompidou cho biết. Để thận trọng, đội ngũ y bác sĩ cũng được tiến hành kiểm tra tâm lý.

 

Sau ngày 14/11, các nhân viên y tế đã làm việc liên tục sẽ được thay thế để nghỉ ngơi. Bác sĩ Patrick Pelloux khẳng định: “Chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi sẽ đoàn kết lại, ở cạnh nhau và chuẩn bị cho mọi điều có thể xảy ra”.

 

Bọn khủng bố đã nhấn chìm nước Pháp với 6 vụ tấn công liên hoàn xảy ra ở Paris vào cuối tuần trước. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất quốc gia này với  ít nhất 129 người chết và 352 bị thương. Chính phủ tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Nhân dân khắp thế giới đang cùng nhau cầu nghuyện cho thủ đô nước Pháp sau ngày khủng bố đẫm máu 13/11.

Đêm cuối tuần Paris tang thương trong khói đạn khủng bố

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác