Cuộc đời, sự nghiệp nhạc sĩ Thanh Tùng

3/25/2016 1:56:30 PM
Thanh Tùng (15/9/1948 – 15/3/2016) tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng là một nhạc sĩ Việt Nam với nhiều ca khúc nhạc trẻ được yêu thích.

 

 

Thanh Tùng sinh ngày 15 tháng 9 năm 1948 tại Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Nhạc sĩ Thanh Tùng là người nhạc sĩ tài năng, anh được học hành rất bài bản ở học viện âm nhạc Bình Nhưỡng (Triều Tiên), ông tốt nghiệp năm 23 tuổi. Với tuổi trẻ và năng khiếu âm nhạc, ngay từ đầu anh Thanh Tùng đã chứng tỏ mình là người rất nhạy cảm với đời sống âm nhạc.

- Từ năm 1971 đến 1975 Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II.

- Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình Thành  phố Hồ Chí Minh và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như: "Con kênh xanh xanh" của Ngô Huỳnh, "Cánh chim báo tin vui" của Đàm Thanh...

Thanh Tùng như là người tiên phong trong việc đưa âm nhạc đến gần với công chúng, đó là nhạc nhẽ, để công chúng dễ hiểu hơn, dễ gần hơn, dễ chia sẻ cảm thông hơn.

Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay "Cây sầu riêng trổ bông" cho một vở cải lương. Từ đó, ông đã viết hơn 200 bài hát. Nhiều sáng tác của ông được giới trẻ yêu thích như: "Hát với chú ve con", "Hoàng hôn màu lá", "Chuyện tình của biển", "Lời tỏ tình của mùa xuân", "Ngôi sao cô đơn", "Câu chuyện nhỏ của tôi", "Hoa tím ngoài sân", "Em và tôi", "Phố biển", "Mưa ngâu", "Lối cũ ta về".

Giai điệu và cách phát triển ý nhạc của ông tuân theo những nguyên tắc kinh điển của pop ballad: mở toang, thanh thoát và dành nhiều "đất" cho dàn nhạc phô diễn. Nhờ đầu tư kỹ về nền hòa âm, anh tạo được khoản tự do cần thiết cho sự ứng tác của ca sĩ. Thiên hướng tự do ấy ngày xưa vốn được coi là đặc điểm của dòng romantism Âu Châu.

Vật lộn mưu sinh để nuôi nghệ thuật, để được làm nghệ thuật một cách tự do và hết mình, Thanh Tùng quả có được lòng can đảm của kẻ leo núi. Ai bảo người leo núi không lãng mạn?

Ông từng công tác tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc sỹ có 3 người con (2 trai, 1 gái): con trai cả là Nguyễn Thanh Bách, con trai thứ là Nguyễn Thanh Thông, cô con gái út là Nguyễn Thị Bạch Dương. Hiện con cái của Nhạc sỹ đều là những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam. Chính ông cũng là một doanh nhân, khi đầu tư kinh doanh nước khoáng, nhà hàng, khách sạn và bất động sản. Ông còn sở hữu một vũ trường. Vào tháng 7 năm 1998, ông mở một nhà hàng mang tên Sinh Đôi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh Tùng là một người rất vui tính, yêu thương mọi người. Nhạc sĩ là người rất yêu thương vợ. Mặc dù vợ mất từ năm 1990, ông vẫn chăm sóc gia đình bên ngoại, ở vậy vừa làm bố, vừa làm mẹ để chăm các con khôn lớn.

Vào năm 2008, ông không còn đi lại được sau một trận tai biến bất ngờ. Ông còn bị liệt bên phải, mất khả năng nói, bị tiểu đường và thận. Ông qua đời vào ngày 15 tháng 3 năm 2016 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Gia đình chọn nơi an nghỉ cho ông tại Công viên Thiên Đức (Vĩnh Hằng Viên - tỉnh Phú Thọ).

Các tác phẩm của ông như:

Cảm ơn mùa thu

Câu chuyện nhỏ của tôi

Cây sầu riêng trổ bông

Chim sơn ca

Chuyện tình của biển

Chuyện cổ Nghi Tàm

Đếm lá ngoài sân

Em và tôi

Giờ ta biết yêu em

Giọt nắng bên thềm

Giọt sương trên mi mắt

Hát với chú ve con

Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta

Hoa cúc vàng

Hoa tím ngoài sân

Hoàng hôn màu lá

Lối cũ ta về

Lời tỏ tình mùa xuân

Mưa ngâu

Một mình

Ngôi sao cô đơn

Phố biển

Tiếng hát mừng xuân

Tình không biên giới

Trái tim hoang vu

Trái tim không ngủ yên

Vĩnh biệt mùa hè

Vô tình

Một thoáng quê hương

Nhạc sĩ Thanh Tùng ra đi khi bước vào độ tuổi gần 70, sự ra đi ấy cũng rất đỗi bình thường của người có tuổi nhưng đối với một nhạc sĩ thì sự nỗi tiếc trong lòng khán giả là quá lớn.

 

 

Các tin khác