Có dấu hiệu đánh bom trên chiếc máy bay Nga

11/3/2015 3:38:53 PM
Ba ngày đã trôi qua sau thảm kịch chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng nhưng nguyên nhân của vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng tìm hiểu để làm yên lòng cả người đã ra đi và những người còn ở lại…

 

Ba ngày đã trôi qua sau thảm kịch chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng nhưng nguyên nhân của vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng tìm hiểu để làm yên lòng cả người đã ra đi và những người còn ở lại…

 

Theo các chuyên gia, máy bay bị cài bom nhiều hơn là bị tên lửa bắn trúng hoặc trục trặc động cơ. Qua đó, Moscow đã cử 100 chuyên gia Nga tới hiện trường để điều tra nguyên nhân gây ra thảm kịch ngày 31.10.

 

Ông Alexander Neradko, người đứng đầu cơ quan hàng không liên bang của Nga xác nhận, chiếc phi cơ xấu số đã bị nổ tung ở trên cao tại khu vực sa mạc Sinai xa xôi, nơi các nhóm phiến quân ủng hộ tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda đang hoạt động. Các mảnh vỡ của KGL9268 rơi rải rác trên một khu vực có diện tích rộng chừng 20 km2.

 

 

Theo Daily Mail, mấu chốt đầu tiên khiến các chuyên gia khủng bố và hàng không tin rằng, phi cơ Nga có thể bị nổ tung bởi một quả bom là không hề có bất cứ tín hiệu cầu cứu nào được phát đi từ chiếc phi cơ trước khi thảm kịch xảy ra. Ngoài ra, một vài mảnh vỡ máy bay còn sót lại tại hiện trường cho thấy chiếc máy bay đã bị vỡ tung bởi “một lực tác động từ bên trong”.

 

Giáo sư Michael Clarke, Tổng giám đốc của Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) nhấn mạnh, ông tin vào giả thiết, phi cơ Nga bị nổ tung trên bầu trời do một quả bom hơn là bị bắn hạ bởi tên lửa hoặc gặp trục trặc động cơ “Nếu chiếc phi cơ gặp trục trặc động cơ, hỏa hoạn, hoặc một tai nạn nào đó tương tự như thế, thì sẽ phải có những cuộc gọi khẩn cấp được phát đi trước khi máy bay rơi xuống đất. Tuy nhiên, không có bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào được phát đi (từ chiếc phi cơ Nga). Do đó, thực tế chiếc máy bay vỡ làm đôi ở độ cao 9.448 m gợi cho tôi nghĩ về một vụ nổ ở trong khoang”.

 

Tương tự, một chuyên gia hàng không người Nga khác nhận định rằng, phần đuôi của chiếc phi cơ cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy, phần vỏ của máy bay bị tróc ở bên ngoài có thể chứng tỏ KGL9268 đã bị rơi bởi một lực tác động từ bên trong.  

 

Phần vỏ máy bay bị tróc ở bên ngoài có thể chứng tỏ KGL9268 đã bị rơi bởi một lực tác động từ bên trong

 

Ngoài ra, có một số dấu hiệu cho thấy, vụ việc lần này tương tự thảm kịch Lockerbie năm 1988 khi một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không PanAm của Mỹ (đã chấm dứt hoạt động năm 1991) bị đánh bom và nổ tung trên bầu trời Scotland.  Vì vậy, thiết bị nổ có thể bị giấu trong hành lý của hành khách chuyến bay KGL9268.

 

Báo Nga Kommersant dẫn lời vị chuyên gia giấu tên “Vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập được so sánh với thảm kịch máy bay Boeing 747 của  hãng hàng không PanAm tháng 12.1988 gần Lockerbie (Scotland) giết chết 270 người. Một quả bom loại nhỏ có thể đã bị cài đặt trên chiếc phi cơ Nga. Dấu hiệu dẫn tới giả thiết này là phần thân máy bay xuất hiện một lỗ nhỏ, không lớn hơn một quả dưa hấu”.

 

Theo vị chuyên này, một quả bom loại nhỏ được giấu trong hành lý của hành khách KGL9268 có thể không đủ để hủy diệt máy bay nhưng đủ để dẫn tới sự “mất áp suất đột ngột dẫn đến thảm kịch, cướp đi sinh mạng của 224 hành khách và phi hành đoàn.

 

Sự hoang tàn tại hiện trường và hình ảnh chiếc giày trẻ em gợi cho ta hình ảnh những em nhỏ đã phải bỏ mạng

 

Một điểm trùng hợp khác, KGL9268 gặp nạn khi đang bay ở độ cao 9.448 m tương tự như máy bay Boeing 747 mang số hiệu 103 của hãng hàng không PanAm bị nổ tung năm 1988.  Vì vậy, giả thiết KGL9268 gặp nạn do bị nổ bom nổi lên mạnh mẽ sau khi giả thiết cho rằng chiếc phi cơ có thể gặp trục trặc kỹ thuật hoặc bị phiến quân IS bắn rơi bị suy yếu.

 

Theo nhiều chuyên gia về khủng bố khác, các nhóm phiến quân khủng bố hoạt động tại Ai Cập không thể sở hữu loại vũ khí, chẳng hạn như tên lửa Buk để có khả năng bắn rơi máy bay Nga từ dưới mặt đất.

 

Ông Gerard Feldzer, cựu giám đốc Bảo tàng hàng không, không gian Pháp, tuyên bố "IS không có vũ khí để bắn hạ một chiếc máy bay đang di chuyển ở độ cao hơn 9.000 mét" và cho hay, IS sẽ phải cần tới nhiều thiết bị, như hệ thống rađa theo dõi, bắt bám và các quả tên lửa tầm xa, những thứ chúng không hề sở hữu.

 

Người thắp nến và mang hoa tới tưởng niệm tại quảng trường Dvortsovaya.

 

Đặc biệt, hãng hàng không Kogalymavia cũng khẳng định, cả hai động cơ của máy bay Airbus A321 mang số hiệu KGL9268 chỉ vừa được kiểm tra vào ngày 26.10 và không có bất cứ vấn đề nào được phát hiện. Ngoài ra, phi hành đoàn KGL9268 cũng không lưu ý về bất kỳ quan ngại nào về mặt kỹ thuật trong cuốn nhật ký  bay trong năm chuyến bay cuối cùng của họ.

 

Trước những thông tin và đánh giá trên, ông Viktor Sorochenko, lãnh đạo Ủy ban Hàng không Liên bang Nga cho rằng, thời điểm này còn quá sớm để đi đến bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân vụ tai nạn vì vậy, hãy cầu cho những người gặp nạn được yên nghỉ.

Tổng hợp

Các tin khác