Ấn Độ cân nhắc việc hợp pháp hóa mại dâm

8/10/2015 11:54:16 PM
Một số quốc gia trên thế giới đã công nhận mại dâm là một nghề để kiếm sống. Vì vậy, khi tiến hành tìm hiểu ở Ấn Độ, các lao động tình dục ở đây đều mong muốn được chính phủ hợp pháp hóa nghề mại dâm để họ không bị cảnh sát kiểm tra, bị bắt và đưa vào trại cải tạo. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn đang còn gây tranh cãi...

 

 

Phố đèn đỏ ở New Delhi và câu chuyện của những người trong cuộc

 

Sunita Devi, 35 tuổi không muốn bỏ nghề vì thu nhập cao hơn những nghề khác

 

NSunita Devi, 35 tuổi chuẩn bị trang phục, phấn son để tiếp khách đến mua dâm tại một nhà thổ tồi tàn ở phố đèn đỏ nổi tiếng Garstin Bastion của thủ đô New Delhi.

 

 

Một phố đèn đỏ tại Ấn Độ

 

Devi trở thành gái mại dâm sau khi cô bị bạn trai bán cho một người đàn ông với giá 50.000 rupee (17 triệu đồng). Sau đó, người đàn ông này lại bán Devi cho một tên ma cô chăn dắt gái mại dâm. Trung bình, cô tiếp 2 khách/đêm còn vào những ngày đông khách cô phải phục vụ tới 5 người/đêm. Những cuộc vui của cô với khách làng chơi đều diễn ra trong căn phòng nhỏ hẹp, chỉ kê được một chiếc giường đơn.

 

AFP dẫn lời Devi cho hay tại nhà thổ, khách hàng phải mua vé rồi có thể chọn cô gái mà họ thích. Devi có thể kiếm được ít nhất 500 rupee (170.000 đồng)/ngày mà không phải làm việc quá vất vả. Do vậy, Devi sau đó đã chọn ở lại để làm việc cho nhà thổ.

 

Đa phần gái mại dâm không muốn bỏ nghề

 

Cũng giống như Devi, một số gái bán hoa đứng đợi khách dọc theo phố đèn đỏ Garstin Bastion nói rằng họ không muốn từ bỏ nghề mại dâm vì thu nhập cao hơn so với những ngành nghề khác như nghề thợ may hoặc làm công chức nhà nước.

 

Kusum, 36 tuổi, một gái mại dâm khẳng định cô có tự do và thu nhập tốt ở phố đèn đỏ trên. Kusum kiếm được khoảng 20.000 rupee (6,8 triệu đồng)/tháng và khoản tiền này đã giúp cô chăm lo cho chồng cùng ba đứa con đang sống ở một ngôi làng thuộc bang Uttar Pradesh.

 

 

Đa phần gái mại dâm ở Ấn Độ đều không muốn bỏ nghề

 

Kusum chia sẻ: “Tôi có thể nuôi con cái tốt hơn nhờ tiền kiếm được từ nghề này. Tôi nghĩ rằng công việc của mình không vất vả như những người khác”.

 

Theo Kusum, cô bước chân vào nghề mại dâm theo lời khuyên của một người bạn cũng làm gái bán hoa. Trong lúc Kusum lên thành phố bán dâm, chồng cô ở nhà chăm sóc con cái và những đứa con đều nghĩ rằng mẹ chúng đang làm y tá ở New Delhi.

 

Tương tự, tại một số ngôi làng ở Ấn Độ như Natpurwa, bang Uttar Pradesh, mại dâm là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình suốt 400 năm qua.

 

Làng hành nghề mại dâm ở Ấn Độ

 

Theo Oneindia, Natpurwa có dân số 5.000 người và 70% phụ nữ của ngôi làng hành nghề mại dâm. Tại Natpurwa, nhiều trẻ được sinh ra, lớn lên mà không hề biết cha mình, chúng sống với mẹ và không có họ.

 

Trong những năm qua, nhiều phụ nữ trong làng đã tới các thành phố khác như Mumbai, Kolkata và thậm chí họ đến tận Dubai để bán dâm. Bên cạnh đó còn có “làng mại dâm” Wadia rất nổi tiếng ở quận Banaskantha, bang Gujarat và nơi đây hoạt động mua bán dâm diễn ra phổ biến trong 80 năm qua.

 

 

Tại Wadia, trẻ em gái khi lớn lên sẽ làm nghề mại dâm, còn trẻ em trai sẽ trở thành người tìm khách cho gái bán hoa. Khách làng chơi tới nơi này phải trả từ 500 - 10.000 rupee (170.000 - 3,4 triệu đồng) cho mỗi cuộc vui.

 

Ở bang Madhya Pradesh, những người cha và anh trai bắt những người phụ nữ trong nhà phải bán dâm và con gái lớn là người mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Hầu hết những ngôi nhà ở nơi này đều có các phòng chuyên dành cho phụ nữ hành nghề mại dâm.

 

Mong muốn hợp thức hóa nghề mại dâm

 

Hiện nay, hầu hết gái mại dâm ở Ấn Độ đều muốn hợp thức hóa công việc của mình và họ đang chờ đợi phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ. Họ hy vọng tòa sẽ thúc đẩy chính phủ hợp pháp hóa mại dâm.

 

Nguyên nhân do các cô gái mại dâm đều cảm thấy mệt mỏi vì thường xuyên bị cảnh sát kiểm tra, bị bắt và đưa vào các trại cải tạo, nơi họ cho là còn tồi tệ hơn cả nhà tù.

 

Ngoài ra, các nhà hoạt động xã hội cho rằng nhiều cô gái đã chọn nghề bán dâm chứ không phải là nạn nhân của đường dây buôn người nên họ phải được hưởng các quyền như những lao động khác.

 

Các cơ quan chức năng Ấn Độ nói gì?

 

Bà Tripti Tandon, thuộc Tổ chức phi chính phủ Lawyers Collective cho biết “Luật pháp rất mơ hồ. Ai bóc lột ai? Người phụ nữ được trả tiền hay khách mua dâm đi tìm sự sung sướng?”.

 

Theo bà, luật pháp nói rằng tất cả gái bán dâm đều là nạn nhân và không công nhận họ có quyền kiếm sống bằng nghề mại dâm. Tuy nhiên, những lao động tình dục không cho rằng mình là nạn nhân thì tại sao luật pháp lại đi quyết định thay họ?

 

Bên cạnh đó, giới chức y tế công cộng cũng ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm và họ khẳng định việc cấm đoán khiến gái mại dâm phải hành nghề chui lủi, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Tuy nhiên, nếu cho phép hoạt động nghề mại dâm sẽ dẫn đến gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em nông thôn nghèo, thất học vào nhà chứa...Vì vậy, trong thời gian tới, chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét và có kết luận cụ thể.

 

Ấn Độ cân nhắc việc hợp pháp hóa mại dâm.

 

Hải Yến

Các tin khác