Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

12/6/2018 10:24:00 AM
Đạm thô ở đây được hiểu là protein thô (N x 6,25). Nhu cầu protein hàng ngày của động vật nuôi chính là nhu cầu về axit amin thiết yếu và không thiết yếu có trong khẩu phần.

 

Đạm thô ở đây được hiểu là protein thô (N x 6,25). Nhu cầu protein hàng ngày của động vật nuôi chính là nhu cầu về axit amin thiết yếu và không thiết yếu có trong khẩu phần.

Để đáp ứng đủ nhu cầu protein và axit amin cho con vật, các nguồn protein động vật như bột thịt, bột thịt xương, bột cá … và các nguồn protein thực vật như đỗ tương, khô đỗ tương, khô cải, DDGS… phải được cung cấp từ khẩu phần.

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Ảnh minh họa.Nguồn Internet

Sản lượng thức ăn công nghiệp (TACN) năm 2017 của Việt Nam đạt mức 20,5 triệu tấn, trong đó 17,2 triệu tấn là TACN cho chăn nuôi động vật trên cạn và 3,3 triệu tấn là TACN cho thủy sản (Agro Info, 2018). Để có được sản lượng TACN như trên, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng nguyên liệu chiếm tới 79,5% tổng sản lượng TACN hàng năm.

Trong các nguyên liệu nhập khẩu của năm 2017, nguồn nguyên liệu cung cấp protein cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản chủ yếu làđỗ tương và khô đỗ tương chiếm tới 5,8 triệu tấn, bằng36% tổng sản lượng nguyên liệu thức ăn nhập khẩu (Agro Info, 2018).

Việt Nam là nước không có điều kiện đất đai và khí hậu thuận lợi cho việc trồng đỗ tương. Hiện nay, diện tích trồng đỗ tương ở nước ta chỉ đạt khoảng 100 ngàn ha, với năng suất bình quân 1,57 tấn /ha, sản lượng đỗ tương chỉ đạt gần 70 ngàn tấn/năm (theo Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam, 2018).Nếu có chủ trương đẩy mạnh việc phát triển cây đỗ tương thì diện tích tối đa cũng chỉ đạt 300 ngàn havà nếu lấy năng suất tối đa là 3,5 tấn/ha (gấp hơn 2,2 lần năng suất hiện nay), thì sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn đỗ tương/năm.

Như vậy, việc nhập khẩu đỗ tương gần như tất yếu để phát triển chăn nuôi ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc giảm nhẹ sức ép nhập khẩu nguồn nguyên liệu giầu protein này cũng là tất yếu trong chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững của Việt Nam.

Thực ra, sức ép nhập khẩu đỗ tương để phát triển chăn nuôi không chỉ diễn ra ở nước ta mà cũng đang diễn ra ở một số nước khác trên thế giới, đặc biệt ở những nước có dân số lớn, kinh tế phát triển và có nhu cầu ngày càng tăng về protein động vật thực phẩm. Ví dụ: Trung Quốc năm 2001 nhập khẩu 14 triệu tấn đỗ tương, thì năm 2016 đã tăng lên đến 83 triệu tấn. Các nước Liên Âu năm 2011 nhập khẩu 13 triệu tấn thì năm 2016, đã tăng lên 15 triệu tấn (sơ đồ 1), (Yang-Su Kim, 2018).

Có thể có nhiều giải pháp giảm sức épsử dụng và nhập khẩu đỗ tương trong chăn nuôi, nhưng một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, đó là giảm mức protein thôtrong khẩu phần của động vật nuôi.Giải pháp này là xu hướng của thế giới trong dinh dưỡng động vật.

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Sơ đồ 1: Sản lượng nhập khẩu đỗ tương của một số nước trên thế giới từ 2001 – 2016. (Nguồn: Yang-Su Kim, 2018)

2. LỢI ÍCH CỦA VIỆC GIẢM PROTEIN THÔ TRONG KHẨU PHẦN ĐỘNG VẬT NUÔI

2.1. Giảmprotein thô, giảmkhô đậu tương khẩu phần, giảm chi phí thức ăn, không giảm thành tích chăn nuôi.

Một thí nghiệm thực hiện trên 160 lợn với 5 nghiệm thức, nghiệm thức đối chứng (T1) chứa 100% khô đỗ tương cùng với hạt cốc; Các nghiệm thức có các mức giảm 25% khô đỗ tương (T2), 50% (T3), 75% (T4) và 100% (T5) khô đỗ tương. Lợn ở nghiệm thức T2 được bổ sung lysine, methionine và threonine; nghiệm thức T3 được bổ sung lysine, methionine, threonine và tryptophan; Nghiệm thức T4 được bổ sung các axit amin giống của T3 nhưng cũng có thêm các axit min không thiết yếu và nghiệm thức T5 lợn được bổ sung các axit amin giống như T4 nhưng có thêm arginine (bảng 1).

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Bảng 1: Thí nghiệm giảm mức khô đỗ tương trong khẩu phần lợn thịt (Nguồn: Georg Dusel; Bulletin CJ Bio, August 2018)

Ghi chú:

SMB: Khô đỗ tương   EAA: Axit amin thiết yếu    NEAS: Axit amin không thiết yếu

SID Lysine: lysine tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩnCP: protein thô

Kết quả thí nghiệm (bảng 2) cho thấy, các chỉ tiêu thu nhận thức ăn, tăng trọng hàng ngày, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ nạc của lợn không sai khác có ý nghĩa thống kê (P>0,05) giữa các nghiệm thức. Như vậy, giảm protein bằng cách giảm khô đỗ tương và cân đối axit amin thiết yếu trong khẩu phần hoàn toàn có thể duy trì được thành tích chăn nuôi của lợn.

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Bảng 2: Thành tích chăn nuôi của lợn trên các khẩu phần giảm khô đỗ tương

Ghi chú: ADFI: thu nhận thức ăn   

ADG: tăng trọng hàng ngày  

FCR: hiệu quả sử dụng thức ăn

Khi giảm mức khô đỗ tương và giảm protein thô khẩu phần (giảm tối đa 4 điểm ở nghiệm thức T5 so với T1) đã dẫn tới giảm N urê plasma (giảm từ 15,4 m/dl ở T1 xuống còn 8,8 mg/dl ở T5) (sơ đồ 2). N urea plasma giảm biểu hiện cơ thể khôngbị dư thừa axit amin để đi vào các phảnứng khử amin cho ra urea. Yang-Su Kim (2018) báo cáo một thí nghiệmcủa công ty CJ Hàn quốc thực hiệnở trường đại học Thú y Hanover (Đức) năm 2017 trên 360 gà Ross 308 với 4 nghiệm thức. Nghiệm thức đối chứng (CP-C) gà ăn khẩu phần có các mức protein thô là 21,5 ; 20,5 và 20% ứng với giai đoạn 1-7 ngày ; 7-14 ngày và 14 -35 ngày tuổi. Các nghiệm thức thí nghiệm có các mức protein giảm 1% (CP-1), 2% (CP-2) và 3% (CP-3) so với nghiệm thức đối chứng. Tất cả các axit amin khẩu phần đều được cân đối và giống nhau ở tất cả các nghiệm thức.

Kết quả thí nghiệm cho thấy: Với khẩu phần giảm 2% protein thô (CP-2) cho kết quả tốt nhất về tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn (thể trọng cuối kỳ của gà tăng 6%, FCR giảm 4% so với các nghiệm thức khác) (sơ đồ 3). Về hiệu quả kinh tế, nghiệm thức CP-2 cũng cho HQKT cao nhất (sơ đồ 4), lãi tính bằng EUR/gà của nghiệm thức CP-2 là 1,041 còn ở nghiệm thức đối chứng (CP-C) là 1,030 (cao hơn 0,011 EUR/gà) và ở nghiệm thức CP-3 là 0,85 (thấp hơn CP-2 là 0,191 EUR/gà).

2.2. Giảm protein thô khẩu phần, bảo vệ được sức khỏe ruột, ngăn ngừa bệnh đường tiêu hóa

Ở trẻ nhỏ hay lợn con, với khẩu phần protein thấp đã thấy các vi khuẩn có lợi trong ruột như Lactobacilli phát triển, còn các vi khuẩn có hại như trực khuẩn Staphilococcus thì bị ức chế. Ngược lại, với khẩu phần protein cao thì các vi khuẩn có lợi như Lactibacilli,Bifidobacteria, Megasphera bị ức chế, còn vi khuẩn có hại như Coliform, Streptococcus lạiphát triển.

Với khẩu phần protein cao, thường có một số axit amin thừa ra so với nhu cầu sinh tổng hợp protein; các axit amin thừa này đi vào phản ứng khử amin, các gốc amin (NH2-) hình thành NH3 rồi tạo ra urea ở động vật có vú (sơ đồ 4) hay axit uric ở loài chim (sơ đồ 5) để thải ra qua đường thận. Sự tổng hợp urea và axit uric hay đào thải các chất này đòi hỏi cơ thể phải tăng tiêu thụ nước. Một số axit amin không được hấp thu ở ruột non sẽ đi tới ruột già. Ở đây, chúng bị các enzyme vi khuẩn biến thành các chất độc như indole, scatol…Các chất độc này gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy) hoặc có thể hấp thu vào máu rồi đi đến gan, làm suy giảm chức năng của gan.

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

(Nguồn : Yang-Su Kim, CJ Cheiljedang, BIO, Hanoi 2018)

Sơ đồ 3 : Thể trọng cuối kỳ và hiệu quả sử dụng thức ăn của gà tốt nhất ở nghiệm thức giảm 2% protein thô

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Sơ đồ 4 : Nghiệm thức CP-2 (giảm 2% protein thô) cho hiệu quả kinh tế cao nhất

2.3. Giảm protein thô khẩu phần, hạn chế được nitơ thải tiết, ngăn ngừa ô nhiễm nước và  khí phát thải nhà kính

Khẩu phần protein cao làm tăng urea thải tiết ở nước tiểu, khi urea đi vào môi trường sẽ bị phân giải thành ammoniac nhờ urease của vi khuẩn.

Ammoniac trong chuồng nuôi ở nồng độ cao (>50ppm), làm con vật chán ăn, giảm tiêu thụ thức ăn, dẫn tới giảm tăng trưởng (giảm tới 30% ở lợn) và dễ bị nhiễm trùng phổi

Xu thế hiện đại trong dinh dưỡng động vật nuôi: Giảm đạm thô trong khẩu phần

Sơ đồ 4 :Sự hình thành urea đòi hỏi cơ thể phải tăng tiêu thụ nước(dẫn theo Yang-Su Kim, 2018)

Ammoniac trong điều kiện hảo khí bị nitrate hóa bởi các vi khuẩn như Nitromonas, Nitrobacter, Thiobacillus denitrificans…theo phản ứng sau :

NH3                       →           NH4+

NH4+ + 3/2O2    →           NO2-  + H2O  + 2H  +  Q (năng lượng)

NO2-  +  1/2O2  →           NO3-  +  Q (năng lượng)

Nitrate có thể đi xuống đất, thấm vào nguồn nước ngầm, từ đó gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt (hàm lượng nitrate trong nước > 44mg/L gây nguy cơ nhiễm độc cho người và động vật nuôi).

Trong điều kiện yếm khí, nitrate có thể tham gia vào các phản ứng phản nitrate hóa (denitrification) nhờ vi khuẩn như Pseudomonas,Paracoccus denitrificans để chuyển nitrate thành các chất N2, NO2, N2O. Đây là các khí phát thải nitơgây hiệu ứng nhà kính.

Như vậy, nếu giảm protein thô khẩu phần thì sẽ giảm được khí thải ammoniac chuồng nuôi và giảm nitơ phát thải. Các nhà khoa học môi trường tính toán rằng, khẩu phần cứ giảm 1% protein sẽ giảm được 7% nitơ thải ra môi trường.Georg Dusel (2018) cũng cho biết, nếu protein khẩu phần lợn thịt giảm được 2 điểm thì ammoniac phát thải giảm tới 22 nghìn tấn (tính cho 15 triệu tấn TACN của nhóm lợn này).

Cần lưu ý rằng, ngành chăn nuôi đóng góp tới gần 1/5 tổng khí thải nhà kính (FAO, 2006), trong đó, tỷ lệ đóng góp của CO2, CH4 và NO lần lượt là9%, 37% và 65% (M. Paustian et al., 2006).Phân và chất thải chăn nuôi có chứa nitơ sẽ kích thích bốc thoát nitrous oxide (N2O). Trong các khí thải CO2, CH4 và N2O thì N2O có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn CO2 rất nhiều lần.

Việc giảm protein thô khẩu phần để giảm thiểu nitơ bài xuất, hạn chế  khí thải nhà kính là một trong những mục tiêu của chiến lược bảo vệ môi trường toàn cầu.

Như vậy, giảm protein khẩu phần động vật nuôi trên cơ sở cân đối các axit amin thiết yếu không nhữngkhông làm giảm thành tích chăn nuôi, bảo vệ được sức khỏe ruột, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, giảm tiêu thụ nước, mà còn góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế khí phát thải nhà kính,chống biến đổi khí hậu. Tất cả những yếu tố này tạo nên lợi ích kinh tế to lớn và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Các nhà dinh dưỡng Hàn quốc tính toán rằng cứ 48,5 kg ngô cộng với 1,5 kg lysine với chi phí 20 USD có thể thay thế 50 đỗ tương với chi phí 42 USD (dẫn theo Yang-Su Kim, 2018).Khi thay thế 50 tấn khô đậu tương bằng 48,5 tấn ngô và 1,5 tấn lysine, diện tích đất canh tác cần để sản xuất giảm còn 1/4 (24 ha / 6,2ha).Đến năm 2020 thế giới có thể sản xuất 2,7 triệu tấn lysine,với số lượng lysine này thế giới có thể tiết kiệm 89 triệu tấn đỗ tương và giảm được 34 triệu ha đất trồng.

3. CÁC GIẢI PHÁP GIẢM  PROTEIN THÔ KHẨU PHẦN

Để giảm protein thô khẩu phần, giải pháp đầu tiên là cân đối axit amin thiết yếu của khẩu phần theo với nhu cầu của con vật bằng các axit amin công nghiệp (hay còn gọi là axit amin tổng hợp).

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của công nghệ sinhh học và vi sinh, thế giới đã sản xuất được hầu hết các axit amin công nghiệp để sử dụng trong ngành chăn nuôi. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, thế giới chỉ sản xuất được 4 axit amin công nghiệp là lysine, methionine, threonine và tryptophan thì ngày nay đã có thêm arginine, isoleucine và valine.

Với khẩu phần thấp protein, một số axit amin thiết yếu sẽ thiếu so với nhu cầu. Khi không có axit amin công nghiệp để cân đối, thành tích chăn nuôi sẽ giảm. Trong trường hợp này, các nhà dinh dưỡng buộc phải sử dụng khẩu phần có hàm lượng protein thô cao bằng việc đưa vào công thức thức ăn các nguyên liệu giầu protein như khô đỗ tương, bột thịt, bột cá… Bằng cách này, khẩu phần không tránh được việc thừa ra một số axit amin thiết yếu so với nhu cầu. Như trên đã viết, axit amin thừa, một là không hấp thu sẽ thải ra ngoài theo phân và hai là sẽ đi vào phản ứng khử amin sau khi đã hấp thu qua vách ruột vào máu để đi đến tế bào, amin sẽ chuyển thành ammoniac rồi thành urea để thải ra ngoài theo nước tiểu. Urea và các chất chứa nitơ trong chất thải chăn nuôi là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.

So sánh khẩu phần có mức protein thô cao (21,6%) với khẩu phần có mức protein thấp (17,1%) (sơ đồ 6&7) có thể thấy: Ở khẩu phần protein thô cao, lysine và methionine đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của con vật, nhưng lại có nhiều axit amin (tryptophan, valine, isoleucine, leucine…) thừa ra so với nhu cầu. Ngược lại, ở khẩu phần protein thô thấp lại thiếu một số axit amin (lysine, methionine + cysteine, threonine, valine). Nếu khẩu phần này được bổ sung các axit amin thiếu bằng axit amin công nghiệp, khẩu phần sẽ cân đối axit amin so với nhu cầu và thành tích chăn nuôi không bị giảm.

Bổ sung axit amin công nghiệp, cân đối axit amin theo với nhu cầu axit amin của con vật để giảm protein thô khẩu phần, đó là phương pháp tổ hợp những khẩu phần có “protein lý tưởng” (ideal protein). “Protein lý tưởng” được định nghĩa là protein tổng số của khẩu phần mà profile axit amin thiết yếu của nó có tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu của một chức năng sinh lý nào đó như tăng truởng,mang thai, tiết sữa hay đẻ trứng…

Cân bằng axit amin trong “protein lý tưởng” chọn dùng lysine làm tham chiếu, hàm lượng lysine được coi là 100, tỷ lệ các axit amin thiết yếu khác xác định theo % của lysine.

Do những tiến bộ của di truyền, năng suất chăn nuôi của lợn hay gia cầm đã tăng 3-4 lần so với 50 năm trước. Tốc độ sinh tổng hợp protein tăng thì nhu cầu lysine và các axit amin khác cũng tăng theo. Profile axit amin trong “protein lý tưởng” của khẩu phần cũng cần biến đổi.Ví dụ: Profile axit amin của khẩu phần lợn thịt ngày nay đã được khuyến cáo dưới đây (bảng 3) theo kết quả nghiên của Ajinomoto(2013).

Bảng 3: Profile axit amin trong “protein lý tưởng” của khẩu phần lợn thịt các giống hiện đại (axit amin ở dạng tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩn SID)

 

% so với Lysine

Lợn 6-25

kg

Lợn 25-60 kg

Lợn 60-115 kg

Threonine/Lysine

Tryptophan/Lysine

Met+Cystine/Lysine

Valine/Lysine

Isoleucine/Lysine

Leucine/Lysine

Histidine/Lysine

Phe+Tyrosine/Lysine

65

22

60

70

53

100

32

95

67

20

60

>65

53

100

32

95

68

19

60

>65

53

100

32

95

(Nguồn: Ajinomoto 2012, 2013)

Các kết quả nghiên cứu của Ajinomoto đã cho biết: Try/Lys từ 17% tăng lên 22%, tăng trọng hàng ngày (ADG) của lợn đã tăng 8%.Val/Lys từ 65% tăng lên 70%, ADG tăng 6%. Valine là yếu tố hạn chế của khẩu phần thấp protein, bổ sung valine cho KP 17%protein, ADG của lợn tương đương KP 20% protein.

Profile axit amintrong “protein lý tưởng” của khẩuphần các giống gà hiện đại cũng thay đổi nhiều so với các giống ít cải tiến(bảng 4). Số liệu bảng 4 cũng cho biết,tỷ lệ protein/lysine trong khẩu phần các giống gà cải tiến(đại diện là là ROSS)đã giảm khá nhiều chỉ trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2014, đó là do nhu cầu lysine của con vật ngày càng tăng (để đáp ứng sự tăng cao của tốc độ sinh tổng hợp protein), trong khi protein tổng số của khẩu phần không tăng, thậm chí còn giảm.

 

NRC* 1994

ROSS 2007

ROSS 2014

Axit amin

%

Axit amin

%

Axit amin

%

Lysine

Arginine

Met+ Cystine

Threonine

Tryptophan

Valine

Protein thô (CP)

CP/Lysine

0,85

1,00

0,60

0,68

0,16

0,70

18,00

21,10

100,0

117,6

70,5

80,0

18,8

82,3

-

-

 

1,09

1,13

0,86

0,74

0,18

0,86

20

18,30

100,0

103,6

78,8

67,8

16,5

78,8

-

-

1,16

1,22

0,91

0,78

0,19

0,90

19,50

16,8

100,0

105,1

78,4

67,2

16,3

77,5

-

-

Bảng 4 : Profile axit amin trong “protein lý tưởng” của khẩu phần gà broiler các giống hiện đại 

  (Nguồn : NRC 1994 ; ROSS 308 (2007; 2014)

*NRC : Nhu cầu axit amin cho gà do National Research Council (Hoa kỳ) khuyến cáo năm 1994

Các dẫn chứng trên cũng cho thấy, với các giống hiện đại, không chỉ nhu cầu lysine tăng mà tỷ lệ các axit amin khác so với lysine cũng tăng. Và để giảm protein thô khẩu phần, protein khẩu phần phải là “protein lý tưởng”. Các axit amin công nghiệp như lysine, arginine, methionine, threonine, tryptophan và valine là công cụ quan trọng để các nhà dinh dưỡng đáp ứng yêu cầu này.

Để giảm protein thô khẩu phần, cùng với việc bổ sung axit amin công nghiệp, tạo khẩu phần có “protein lý tưởng”, một giải pháp nữa không kém phần quan trọng đó là phải đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa protein và năng lượng. Khoa học dinh dưỡng động vật ngày nay sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ lysine/năng lượng để biểu thị mối quan hệ này.

Ví dụ: Tỷ lệ Lysine SID/Mcal NE (g/Mcal) của lợn thịt các giống hiện đại theo khuyến cáo của NRC (2012) như sau (bảng 5). Tỷ lệ Lys/NE tối ưu không những cho tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn cao mà còn giúp con vật có tốc độ tích lũy cao đối với protein (nạc thân thịt). Ví dụ: Nếu tỷ lệ Lys/NE (g/Mcal) là 3,959; 3,434 và 2,949 thì tốc độ tích lũy protein thân thịt mỗi ngày là 128g; 147g và 141g.

                

 

Tỷ lệ lysine/năng lượng

 

Thể trọng (kg)

5-7

7-11

11-25

25-50

50-75

75-100

NE** khẩu phần (Mcal/kg)

Lysine SID*** (g/kg)

Lysine SID g/Mcal NE

2,448

15,0

6,127

2,448

13,5

5,514

2,412

12,3

5,099

2,475

9,8

3,959

2,475

8,5

3,434

2,475

7,3

2,949

Bảng 5: Tỷ lệ Lysine SID/NE (g/Mcal) của lợn thịt các giống hiện đại(NRC*-2012)

*NRC : National Research Council – Hoa kỳ    ** NE : Năng lượng thuần

***Lysine SID: Lysine tiêu hóa hồi tràng tiêu chuẩn

KẾT LUẬN

Cân đối axit amin thiết yếu để giảm protein thô khẩu phần gắn liền với những tiến bộ của công nghệ sinh học và công nghệ vi sinh.Việc phân lập và chọn được các chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp hiệu quả axit amin từ nhiều loại cơ chất khác nhau; Việc tự động hóa cùng với thiết bị cơ khí hiện đại và công cụ điều khiển IT thông minh, công nghệ lên men đã phát huy tối đa năng lực của vi khuẩn và đạt hiệu suất lên men rất cao ở quy mô lớn; Việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm cơ chất cho vi khuẩn lên men đã tạo ra sản phẩm axit amin TACN có giá cạnh tranh. Các axit amin chính là công cụ quan trọng để giảm protein thô khẩu phần.

Nhờ áp dụng những tiến bộ của công nghệ sinh học và công nghệ vi sinh, sản lượng axit amin TACNtrong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Tổng sản lượng axit amin TACN toàn thế giới ước đạt 4,5 triệu tấn vào năm 2017 và được dự báo tăng lên tới 6,2 triệu tấn vào năm 2020. Ngành gia cầm là ngành tiêu thụ lớn nhất về axit amin với sản lượng ước tính là 1,9 triệu tấn năm 2017 và dự báo tăng lên 2,8 triệu tấn vào năm 2020 (Dublin, 2017).

Ngành chăn nuôi của Việt Nam muốn phát triển bền vữngkhông thể không gắn kết chặt chẽ với sự tiến bộ của công nghệ sinh học và công nghệ vi sinh và từng bước tiến tới làm chủ công nghệ này. Nếu không làm chủ được ngành công nghệ cao này trong lĩnh vực sản xuất axit min cũng như các chế phẩm sinh học khác, thì mãi mãi sản xuất chăn nuôi của Việt Nam không thoát khỏi sự phụ thuộc vào thế giới bên ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Cục Xúc tiến Thương Mại Việt nam, 2018: Thị trường đậu nành Việt Nam năm 2017 và dự báo năm 2018

(http://www.vietrade.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-dau-nanh-viet-nam-nam-2017-va-du-bao-nam-2018).

2. Agro Info, 2018: Báo cáo ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2018 (http://agro.gov.vn/vn/tID26346_Bao-cao-nganh-thuc-an-chan-nuoi-Viet-Nam-nam-2018.html)

3. Ajinomoto Eurolysine S.A.S, 2013: Recent advances in amino acids nutrition - Selection of the recent scientific publications. Scientific abstracts - June 2013

(http://ajinomoto-eurolysine.com/technical-bulletins-download.html?bulletin=2)

4. Dubin, 2017: Feed Amino Acid – A global Market Overview

(https://www.researchandmarkets.com/research/k4b32f/feed_amino_acids)

5. FAO, 2006: Livestock’s long shadow – Enviromental issues and options. Edited by H. Steinfeld, P. Gerber, T. Wassenaar, V. Castel, M. Rosales & C. de Haan- Rom.

6. Georg Dusel, 2018: Crude protein reduction- A practical approach in diets for pigs.

Bulletin CJ Bio, August 2018

7. National Research Council, 1994: Nutrient Requirements of Poultry. Ninth Revised

Edition.The National Academies Press Washington D.C

8. National Research Council, 2012: Nutrient Requirements of Swine. The National

Academies Press Washington D.C. (www.nap.edu)

9. Paustian K., M. Antle, J. Sheehan, P. Eldor (2006): Agriculture’s Role in Greenhouse Gas Mitigation. Washington, DC: Pew Center on Global Climate Change

10. Ross 308 Broiler: Nutrition specifications 2007.

11. Ross 308 Broiler: Nutrition specifications 2014.

12. Yang-Su Kim, 2018: Crude protein reduction - The practical approach in diets.

Seminar of CJ Cheijedang BIO – Hanoi 8.2018

Nguồn Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác