Nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh

12/25/2014 11:41:57 AM
Lễ Giáng sinh - còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noël là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) là một lễ kỷ niệm ngày Chúa Jesus thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc Giáo.

 

 

Dịp lễ này, một số nước ăn mừng vào ngày 25/12 nhưng một số nước lại ăn mừng vào tối ngày 24/12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25/12 còn gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “lễ vọng”. Dù vậy, lễ đêm 24/12 thường thu hút tín đồ tham dự nhiều hơn bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7/1 theo lịch Gregory.

 

 

Lễ Giáng sinh còn được gọi bằng cụm từ “Christmas” bao gồm chữ “Christ” và “Mas”. Chữ “Christ” (Đấng chịu sức dầu) là tước vị của Đức Jesus. Chữ “Mas” là chữ viết tắt của “Mass” (thánh lễ). Khi chữ “Christ” và “Mas” viết liền thành ra Christmas thì có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Jesus.

 

Chữ “Christmas” và “Xmas” đều có cùng một ý nghĩa như nhau vì chữ Hy lạp viết chữ “Christ” là Christos Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ “Xristos” hay “Xpiơtós”, rồi thêm chữ “Mas” kế cận để thành chữ “Xmas”. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của đấng Christ.

 

 

Thời kỳ Giáo hội Cơ đốc sơ khai (2,3 thế kỷ đầu công nguyên), lễ này được mừng chung với lễ Chúa Hiển linh. Tuy nhiên ngay từ năm 200, thánh Clementê Alexandria (150 - 215) đã nói đến một lễ hết sức đặc biệt được cử hành vào ngày 20/5. Còn Hội thánh La tinh thì mừng kính lễ ấy vào ngày 25/12. Theo một nguồn khác thì tín hữu Cơ đốc sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Đức Jesus trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ IV, những người Cơ đốc mới bắt đầu muốn ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Jesus mỗi năm một lần, nhưng lại sợ bị chính quyền La Mã phát hiện và bắt bớ bởi vì đến lúc đó, Cơ đốc giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp.

 

 

Những người La Mã hàng năm ăn mừng “Thần Mặt trời” đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25/12. Những người Cơ đốc đã lợi dụng cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Đức Jesus giáng sinh, đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại cùng một ngày với ngày lễ “Thần Mặt trời” của người La Mã. Nhờ vậy, chính quyền đã không phát hiện việc các tín hữu Cơ đốc tổ chức ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Jesus.

 

Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine đã bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc. Ông đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng “Thần Mặt trời” và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Đức Jesus. Đến năm 354, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25/12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Đức Jesus.

 

 

Trong nhiều thế kỷ, những nhà ghi chép Ki-tô giáo chấp nhận Giáng sinh là ngày Jesus được sinh ra đời. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày Giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với đông chí ở Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25/12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày Giáng sinh được xác định ngày 25/12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước người Kitô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng đã ăn mừng ngày lễ vào dịp cuối tháng 12.

 

An Nguyên – Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác