Mỹ ra quyết định cấm bán xà phòng diệt khuẩn vì... có hại

9/5/2016 8:56:13 AM
Nỗi sợ là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ. Hãy nhìn vào cách chiến dịch quảng cáo của Listerine những năm 1920 đã biến hơi thở hôi thành một dịch bệnh (và bán được hàng tấn nước súc miệng), hoặc cơn sốt kali iot ở Bắc Mỹ sau thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011.

 

Nỗi sợ là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ. Hãy nhìn vào cách chiến dịch quảng cáo của Listerine những năm 1920 đã biến hơi thở hôi thành một dịch bệnh (và bán được hàng tấn nước súc miệng), hoặc cơn sốt kali iot ở Bắc Mỹ sau thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima năm 2011.

Các sản phẩm xà phòng và sữa tắm diệt khuẩn ra đời để đối phó với nỗi sợ các loại vi khuẩn gây bệnh có ở khắp mọi nơi trong nhà cũng như trên cơ thể. Doanh số bán xà phòng diệt khuẩn đã tăng vọt trong đợt dịch cúm H1N1 năm 2009, và vẫn duy trì đến nay với việc các nhãn hàng thường xuyên quảng cáo sản phẩm của họ đã được khoa học chứng minh là có tác dụng tẩy sạch vi khuẩn hơn các loại xà phòng bình thường.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Vấn đề thực sự là chẳng có khoa học nào ở đó cả. Suốt nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã nhiều lần thuyết phục người tiêu dùng rằng xà phòng và nước cũng có tác dụng như các sản phẩm diệt khuẩn trong việc bảo vệ người dùng khỏi bệnh tật. Tệ hơn là, một số hóa chất diệt khuẩn lại có tác động không tốt cho sức khỏe. Chúng khiến các vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh, gây ra các vấn đề sức khỏe bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn có lợi sống trên cơ thể chúng ta, cũng như gây rối loạn hormone. Và sau khi bị xả xuống đường ống cống, các hóa chất này cũng gây nguy hại cho các loài động vật và thực vật.

Ngày 2/9 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra quy định mới nhằm bảo vệ người dân Mỹ khỏi các loại hóa chất này. Theo đó, từ bây giờ, các công ty không được phép tiếp thị bất cứ loại chất tẩy rửa diệt khuẩn nào có chứa một hoặc nhiều hơn trong số 19 thành phần cụ thể được quy định. Quy định mới này đã được đề xuất từ năm 2013, và cho phép các công ty có một năm để điều chỉnh công thức và loại các hóa chất bị cấm ra khỏi sản phẩm của họ.

"Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các sản phẩm kháng khuẩn hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn vi trùng lây lan, nhưng chúng ta không có bằng chứng khoa học nào chứng minh chúng tốt hơn xà phòng và nước thông thường," tiến sỹ Janet Woodcock, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Dược phẩm thuộc FDA phát biểu trong một cuộc họp báo tại trung tâm. "Thực tế là, một số nghiên cứu cho thấy các thành phần kháng khuẩn gây hại về lâu dài nhiều hơn là có lợi."

Danh sách các thành phần mới bị cấm trong xà phòng bao gồm hai hợp chất mà theo FDA là được sử dụng nhiều nhất trong các loại xà phòng diệt khuẩn: triclosan và triclocarban. Đặc biệt, triclosan đã khiến các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng phải đau đầu suốt nhiều năm qua.

Theo tin tức của hãng STAT News, các thí nghiệm trên động vật cho thấy hóa chất này có thể gây rối loạn hormone trong cơ thể, gây các vấn đề sức khỏe, từ vô sinh đến khiếm khuyết trong phát triển não và chức năng tim mạch. Ngoài ra, triclosan có thể bị thải xuống và lẫn vào bùn cống dùng làm phân bón - có nghĩa là nó có thể quay lại chuỗi thực phẩm qua các loại cây trồng.

Có lẽ mối lo ngại lớn nhất là việc sử dụng các loại hóa chất này có thể làm gia tăng số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh. Theo một hướng dẫn người tiêu dùng mới cập nhật của FDA, "các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy triclosan có khả năng làm tăng lượng vi khuẩn kháng kháng sinh. Một số dữ liệu cho thấy sự gia tăng này có tác động đáng kể đến hiệu quả của các phương pháp điều trị y tế, ví dụ như thuốc kháng sinh."

Quy định mới của FDA không ảnh hưởng tới các sản phẩm khác có chứa triclosan, như mỹ phẩm, kem cạo râu hay một số loại kem đánh răng.

Nó cũng không có tác động tới các loại nước vệ sinh tay hay giấy lau vệ sinh được dùng phổ biến tại các văn phòng và các gia đình, cũng như được nhiều người sử dụng để lau chỗ ngồi trên xe buýt nhằm tránh nhiễm mầm bệnh. FDA cho biết cơ quan này vẫn cần thêm thông tin về những sản phẩm trên trước khi đưa ra kết luận cuối cùng./.

Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo Vietnam+)

Các tin khác