Dioxin và những di hại đối với con người

6/12/2019 2:54:00 PM
Dioxin là thuật ngữ dùng để chỉ một loại hoá chất độc có trong thành phần của các loại chất diệt cỏ.

 

Dioxin là gì?

Dioxin là thuật ngữ dùng để chỉ một loại hoá chất độc có trong thành phần của các loại chất diệt cỏ. Dioxin được phát hiện ra một cách tình cờ bởi giáo sư Krauss, Trưởng khoa Sinh vật Trường Đại học Chicago trong một thí nghiệm. Theo thí nghiệm này, giáo sư nhận thấy một số hormone trong đó có chất 2,4D có khả năng làm ngừng trệ sự tăng trưởng của cây cỏ và khi phun chất này lên cây, trong khoảng từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ cây sẽ bị trụi lá và sau đó chết.

Sau dhiến tranh thế giới lần thứ hai, chất 2,4D được người Mỹ áp dụng vào việc tiêu diệt cỏ dại mọc ở hai bên đường giao thông và đường xe lửa. Khả năng diệt cỏ hữu hiệu và đặc biệt là hủy diệt các loại cây có lá rộng cũng như mùa màng của hóa chất này đã thu hút sự chú ý của giới quân sự Mỹ. Năm 1950, các nhà nghiên cứu ở Bộ Quốc phòng Mỹ đã trộn chất 2,4D với chất 2,4,5T tạo ra một chất diệt cỏ nhanh hơn, mạnh hơn. Đó chính là dioxin,với công thức hoá học là 2,3,7,8tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCDD).

Với những thử nghiệm thành công ở Fort Detrick (bang Maryland), Căn cứ không quân Eglin (bang Florida), và Camp Drum (bang New York), đầu những năm 1960, dioxin đã được Mỹ sử dụng ở Thái Lan. Tuy nhiên, dioxin chỉ được quân đội Mỹ dùng một cách qui mô trong chiến dịch khai quang đồng cỏ với tên gọi “Operation Ranch Hand” trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1971, nhằm cải thiện khả năng phát hiện các căn cứ, các lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam cũng như để tiêu diệt mùa màng.

Đặc tính của dioxin

Sự hủy hoại của dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam có thể phần nào hiểu được thông qua các đặc tính của dioxin. Đó là:

Dioxin là chất hóa học không có sẵn trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Dioxin không hòa tan trong nước tinh khiết nhưng hòa tan trong chất béo. Dioxin gắn với chất hữu cơ, chất cặn trong môi trường và hấp thụ vào mô mỡ động vật hoặc người. Ngoài ra, do không bị vi khuẩn phân hủy nên dioxin tồn lưu và tích tụ sinh học trong dây chuyền thực phẩm.

Dioxin khi bị thải vào không khí có thể phát tán rộng rãi nhờ bám vào các hạt lơ lửng như tro bụi từ các lò đốt rác đồng thời nó có thể tồn tại trong một thời gian dài do các hạt lơ lửng làm chậm quá trình phân hủy dioxin dưới tác động của tia nắng mặt trời. Khi cùng các hạt bụi lắng xuống mặt đất, do không phản ứng với oxy, nước, và không bị phân hủy bởi vi khuẩn nên dioxin tồn tại rất lâu trong đất. Điều này lý giải được vì sao chiến tranh ở Việt Nam mặc dù đã kết thúc cách đây hơn 30 năm nhưng nồng độ dioxin tại một số vùng, đặc biệt là tại các sân bay và các căn cứ quân sự cũ của Mỹ vẫn còn rất cao .

Những di hại của dioxin

Tại các vùng nhiễm dioxin, do dioxin có trong các hạt bụi bám vào cây cối hoa màu nên các động vật ăn rau cỏ sẽ tích tụ dioxin với nồng độ cao. Ngoài ra, do không được chuyển hóa trong cơ thể động vật nên dioxin không được thải rã ngoài mà tích tụ trong các mô mỡ động vật. Do đó, khi con người tiêu thụ thịt, mỡ, sữa và các sản phẩm từ thịt, sữa động vật sẽ bị nhiễm dioxin. Như vậy, dioxin từ trong môi trường có thể đi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, hô hấp và qua da.

Trong khoảng 10 năm, quân đội Mỹ đã rải xuống các vùng đất thuộc miền Nam và Trung Việt Nam vào khoảng 76.9 triệu lít các thuốc diệt cỏ có chứa dioxin, trong đó có hay 49.3 triệu lít là Agent orange (chiếm 64%), loại thuốc diệt cỏ chứa hàm lượng dioxin cao và độc tính mạnh nhất. Trong 49.3 triệu lít Agent orange chứa khoảng 198 kg dioxin

Như vậy, so với ở Seveso, Ýcó thể thấy mức độ ô nhiễm dioxin ở Việt Nam cao gấp khoảng 6 lần. Với lượng dioxin rải xuống Việt Nam trong chiến dịch “Operation Ranch Hand”quân đội Mỹ đã hủy diệt khoảng 14% diện tích rừng Nam Việt Nam, bao gồm cả 50% các vườn xoài .

Với những đặc tính trên, dioxin không chỉ gây tác hại cho môi trường mà còn gây tác hại lâu dài đối với sức khỏe của con người Việt Nam. Tuy nhiên, khác với cây cỏ, tác hại nghiêm trọng của dioxin đối với sức khỏe của con người không diễn ra trong một thời gian ngắn (từ 24 đến 48 giờ hoặc ít hơn) và không rõ rệt để có thể nhận thấy ngay bằng mắt thường (rụng hết lá cây và chết khô) mà những di hại do dioxin gây ra thường diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí không chỉ tác động đến người bị phơi nhiễm trực tiếp mà còn di hại đến những thế hệ kế tiếp của họ. Đây cũng chính là nỗi đau xót nhất mà không chỉ những người bị phơi nhiễm mà cả gia đình cũng như dân tộc Việt Nam phải gánh chịu.

Tác hại của dioxin đối với sức khoẻ của con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình khoa học ở Việt Nam và thế giới. Tuy đến nay các công trình nghiên cứu này vẫn còn những điểm chưa nhất quán nhưng nhìn chung các nhà khoa học ở các mức độ khác nhau đều thừa nhận dioxin là một độc chất nguy hiểm, có khả năng gây ra một số bệnh hiểm nghèo như: ung thư tế bào, ung thư máu, đái tháo đường, thai chết lưu, trẻ sinh ra thiếu cân hay dị tật bẩm sinh ở trẻ em...

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Milano-Bicocca (Ý) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Y tế (Mỹ), trên cơ sở khảo cứu một cách công phu trong suốt 25 năm tại vùng Seveso (nơi có mức độ phơi nhiễm chưa bằng 1/6 mức độ ô nhiễm ở Việt Nam) đã phát hiện những người đàn ông bị nhiễm dioxin có xác suất sinh con trai thấp hơn những người đàn ông không bị phơi nhiễm. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khác và Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa ra một danh sách mật gồm 17 bệnh và dị tật liên quan đến dioxin trong đó có các dị tật bẩm sinh và rối loạn thần kinh của con những người bị phơi nhiễm.

Tuy chưa có sự hoàn toàn nhất trí về các căn bệnh mà dioxin gây ra cho con người, nhưng điều mà các nhà khoa học có thể nhất trí là dioxin là độc tố cực kỳ nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người.

Suckhoecuocsong.vn/Theo Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay

Các tin khác