Dịch cúm nên chuẩn bị những loại thuốc cơ bản nào trong tủ thuốc

2/14/2025 8:25:00 AM
Khi cơ thể bị nhiễm cúm gây các triệu chứng mệt mỏi, sốt, đau đầu, đầy bụng,… Để bảo vệ sức khỏe, cải thiện các triệu chứng bệnh cúm chúng ta nên dự trữ những loại thuốc cơ bản dưới đây trong tủ thuốc gia đình.

 

Khi cơ thể bị nhiễm cúm gây các triệu chứng mệt mỏi, sốt, đau đầu, đầy bụng,… Để bảo vệ sức khỏe, cải thiện các triệu chứng bệnh cúm chúng ta nên dự trữ những loại thuốc cơ bản dưới đây trong tủ thuốc gia đình.

Thời tiết thay đổi khiến nhiều người bị nhiễm cúm gây ảnh hưởng sức khỏe. Để kiểm soát các triệu chứng tại nhà cho người bị bệnh cần có các loại thuốc như hạ sốt, giảm ho, thuốc nhỏ mũi, dung dịch bù nước điện giải…

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc giảm đau, hạ sốt trong tủ thuốc gia đình. Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến như paracetamol ở dạng viên nén, viên sủi, viên đặt hậu môn, siro...  sẽ có tác dụng giảm triệu chứng sốt hoặc/và đau từ nhẹ đến vừa. Bên cạnh đó, có thể chuẩn bị thêm ibuprofen, aspirin để hạ sốt, giảm đau (không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi, trừ khi được bác sĩ kê đơn).

Thuốc chống dị ứng

Nên chuẩn bị thêm các thuốc chống dị ứng trong tủ thuốc của gia đình như cetirizine, levocetirizine, loratadine, desloratadine, fexofenadine... Những loại thuốc chống dị ứng này để điều trị các triệu chứng chảy mũi, mề đay, dị ứng với thức ăn, thời tiết khi cần thiết. Các thuốc này có thể có tác dụng phụ gây buồn ngủ, do đó cần lưu ý khi lái xe, sử dụng máy móc,…

Có một số dạng phối hợp của paracetamol với các hoạt chất chống dị ứng, do đó trước khi sử dụng thuốc người dùng cần đọc kỹ thành phần của các thuốc này, để tránh dùng các thuốc có cùng hoạt chất, dẫn tới quá liều thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe.

Thuốc tiêu hóa

Một số người khi bị nhiễm cúm xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, đầy bụng, ăn không tiêu, chướng bụng, táo bón,… Do đó, để cải thiện các triệu chứng nên chuẩn bị các loại thuốc tiêu hóa như: thuốc điều trị tiêu chảy (Diosmectite, loperamide, attapulgite, berberine...), thuốc điều trị táo bón (sorbitol, lactulose) kết hợp chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây, uống đủ nước, thuốc điều trị đau dạ dày (Kremil-S, siloxogene, gastropulgite, gaviscon), thuốc hỗ trợ tiêu hóa (pancreatin, alpha amylase, papain, simeticone, grazyme, enterpass…)

Vật dụng sơ cứu vết thương

Một số vật dụng sơ cứu vết thương bao gồm băng cá nhân, gạc vô trùng và kéo nên trang bị sẵn. Các dung dịch để rửa và sát trùng vết thương có thể mua sẵn gồm có povidon iod (povidine, betadine), oxy già và cồn 70 độ

Thuốc điều trị bệnh mạn tính

Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp cần chú ý theo dõi đường huyết, huyết áp... cần chủ động dự trữ sẵn một số lượng thuốc đủ dùng.

Hiện nay đã có nhiều loại vacxin tiêm phòng cúm, thực hiện tiêm phòng cũng là một biện pháp phòng ngừa cúm hoặc nếu nhiễm cúm cũng chỉ ở mức độ nhẹ.

Nhưng để tránh lãng phí, tránh tình trạng thuốc dễ bị hết hạn do không dùng đến chúng ta không nên dự trữ quá nhiều hoặc quá nhiều loại thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến chuyên môn của các bác sĩ, tuân thủ sử dụng thuốc theo ý kiến bác sĩ để bảo vệ sức khỏe.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác