Đăng cai Sea Games 31 Việt Nam sẽ không xây dựng thêm công trình thể thao nào

8/15/2015 10:31:33 AM
Năm 2021 Việt Nam sẽ là quốc gia tổ chức Sea Games 31 và SEA Games 31 năm 2021 có khả năng trở thành kỳ SEA Games ít tốn kém nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao khu vực, khi nước đăng cai là VN sẽ không xây dựng mới bất kỳ một công trình thể thao nào.  

 

 

Lý do bởi nền tảng các cung thể thao giành cho các bộ môn chạy, thể dục dụng cụ, bóng đá, bơi lội….được xây dựng khi đăng cai Sea Games 22 vẫn còn rất chất lượng nên Việt Nam đã quyết định không xây dựng thêm bất cứ công trình thể thao nào…

 

 

Tổ hợp các cung thể thao tại Mỹ Đình, Hà Nội.

 

Sau khi Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á chính thức giao VN quyền tổ chức thay cho Campuchia (xin rút lui vì chưa đủ lực tổ chức), Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 là trách nhiệm của VN trong cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn, cần chuẩn bị kỹ và báo cáo Bộ Chính trị. Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 tại VN trên tinh thần đổi mới”.

 

Theo dự kiến ban đầu, TP.HCM được đề xuất làm địa điểm đăng cai, nhưng gần đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, nhấn mạnh về vấn đề không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa.

 

Nếu theo phương án cũ, chỉ riêng việc xây hai công trình mới tại TP.HCM là sân vận động (do sân Thống Nhất không đáp ứng yêu cầu) sẽ tốn khoảng 60 triệu USD và cung thể thao dưới nước vào khoảng 30 - 40 triệu USD. Chưa kể sẽ tốn thêm khoảng 5 - 7 triệu USD nữa cho việc nâng cấp một số nhà thi đấu khác. Cũng chính vì lý do này mà ngành thể thao đã quyết định “di dời” việc đăng cai về Hà Nội - nơi đã có sẵn hai công trình đồ sộ là Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước.

 

Tại cuộc họp ngày 13/8, Tổng cục TDTT một lần nữa giữ nguyên phương án trên, thậm chí bỏ hẳn dự kiến sẽ chọn TP.HCM tổ chức một bảng của môn bóng đá nam cùng vài môn thể thao khác. Qua đó, vào cuối tháng 8, đề án sẽ được gửi cho các bộ, ngành có liên quan để xin ý kiến, trước khi hoàn thiện vào cuối tháng 9 để trình lên Chính phủ phê duyệt.

 

Nếu đề án được thông qua, chi phí về cơ sở vật chất (cải tạo sửa chữa các công trình tại Hà Nội) chỉ vào khoảng 70 - 80 tỉ đồng. Năm 2003, VN đã đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng (tương đương gần 250 triệu USD), trong đó 1.000 tỉ đồng cho việc xây sân Mỹ Đình, 800 triệu đồng xây Cung thể thao dưới nước. Vì không phải xây mới nên dự trù kinh phí cho toàn bộ công tác tổ chức SEA Games 31 chỉ dao động từ 2.000 tỉ đồng - 2.500 tỉ đồng (100 - 125 triệu USD).

 

Nếu so với các nước từng đăng cai SEA Games thì con số này thuộc vào loại “khiêm tốn”: Singapore tổ chức SEA Games 28 với 240 triệu USD, Myanmar tổ chức SEA Games 27 với gần 400 triệu USD, Indonesia đăng cai năm 2011 với hơn 300 triệu USD.

 

Để chuẩn bị cho sự kiện này, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán kỹ và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời tăng cường tối đa nguồn xã hội hóa để lấy nguồn kinh phí tổ chức SEA Games 31.

 

Hải Yến - Skcs.vn

Các tin khác