Chế độ ẩm thực cho bệnh nhân suy thận trong ngày Tết

2/15/2024 10:13:00 AM
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận, những con số này được dự đoán tiếp tục tăng cao tại nhiều quốc gia trên các châu lục.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận, những con số này được dự đoán tiếp tục tăng cao tại nhiều quốc gia trên các châu lục.

Tại Việt Nam, Xóm thận Lê Thanh Nghị được hình thành gần 20 năm, là nơi lưu trú của hơn 130 bệnh nhân suy thận phải chạy thận 3 lần/ tuần tại khoa Thận tiết niệu bệnh viện Bạch Mai. Nếu như trước đây, suy thận bắt gặp chủ yếu ở những người có bệnh nền hoặc do di truyền thì nay, nhiều bệnh nhân mắc bệnh không rõ nguyên nhân, không có triệu chứng rõ ràng, chỉ đến khi đi khám mới biết bị suy thận ở giai đoạn nguy hiểm cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Khác với người bình thường, bệnh nhân suy thận cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn kiêng vào dịp Tết. PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, nguyên giám đốc trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những thực phẩm cần tránh gồm bánh chưng, dưa muối, thịt đông do bánh chưng giàu năng lượng, chứa nhiều chất béo, dưa muối hàm lượng muối cao không có lợi cho sức khỏe, nhất là với bệnh nhân suy thận mạn kèm tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và người hội chứng thận hư có tăng mỡ máu.

Các loại thực phẩm khô như tôm, cá khô, xúc xích, thịt bò khô chứa hàm lượng muối cao, một số quá nhiều chất béo như xúc xích không tốt cho bệnh nhân cần hạn chế muối và kiêng mỡ như bệnh thận. Tương tự, các loại giò chả nhiều chất béo, hàm lượng protein cao người suy thận chỉ nên ăn một lượng nhỏ khoảng 100-150 g trong 24 giờ và có thể ăn ít hơn nếu kèm theo tăng huyết áp, suy tim hoặc suy thận giai đoạn điều trị bảo tồn chưa phải lọc máu chu kỳ.

Đối với các loại thức ăn từ phủ tạng của động vật như óc lợn, gan, dạ dày và một số thức ăn như dưa, măng, dù là măng tươi hay khô làm gia tăng nồng độ acid uric do đó người bệnh thận kèm tăng acid uric (bệnh goute) không nên ăn.

Trái cây được khuyên dùng nhiều trong những ngày Tết. Tuy nhiên, bệnh nhân suy thận không nên ăn. Việc ăn nhiều trái cây như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, táo... có nguy cơ làm tăng kali máu - một cấp cứu nội khoa có thể dẫn đến tử vong rất nhanh do tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim.

Nước được khuyến cáo uống từ 1,5 đến 2,5 lít/người/ngày đối với những người bình thường, tuy nhiên bệnh nhân suy thận cũng được yêu cầu hạn chế. Lượng nước ăn uống hàng ngày bằng số lượng nước tiểu trong 24 giờ cộng thêm 400-500 ml. Hạn chế nước với những người bị phù nhiều hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra, người bị suy thận tuyệt đối không uống rượu bia, không uống các loại nước ngọt có ga...

Bệnh nhân suy thận mạn chưa lọc máu

Ăn kiêng là điều kiện sống còn với bệnh nhân suy thận. Chế độ ăn phụ thuộc vào mức độ suy thận gồm giảm protein (đạm), cung cấp đủ vitamin và các yếu tố vi lượng, các yếu tố tham gia quá trình tạo máu. Bảo đảm ít chua, đủ canxi. Những thực phẩm nên dùng là chất bột đường như các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây. Chất béo dầu, mỡ, bơ chỉ sử dụng 35-40 g/ngày, 2/3 có nguồn gốc thực vật. Cần giảm thịt nạc, cá duy trì khoảng 0,6 g/kg thể trọng/ngày. Các loại hoa quả nên dùng loại chứa hàm lượng đường cao và hàm lượng kali thấp.

Bệnh nhân suy thận mạn đã lọc máu chu kỳ

Chế độ ăn của bệnh nhân lọc máu chu kỳ có thể không nghiêm ngặt như trước khi lọc máu tuy nhiên cũng không được ăn uống như người có chức năng thận bình thường. Bệnh nhân suy thận đã lọc máu chu kỳ sau một thời gian ngắn, lượng nước và muối dư thừa đã được điều chỉnh, nhờ vậy nhiều trường hợp tăng huyết áp sẽ được điều chỉnh mà không cần dùng thuốc. Khi đó người bệnh không được tăng cân quá 1,5 kg giữa hai lần lọc máu. Nếu cân nặng tăng quá nhiều bắt buộc phải hạn chế lượng nước uống. Khi huyết áp trở về bình thường, bệnh nhân có thể dùng thêm một lượng nhỏ muối nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân suy thận đã được lọc máu, thận nhân tạo thải bớt ure do đó người bệnh có thể ăn một lượng đạm. Ngoài đạm động vật, các loại thịt, cá, trứng (lòng trắng), cũng có thể dùng đạm có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu xanh... tuy nhiên cần cẩn thận vì các loại đậu chứa hàm lượng kali khá cao.

Cần hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều phosphore như sữa, pho mát, cua, lòng đỏ trứng, rau quả khô vì khi phosphore trong máu tăng sẽ làm tăng hoạt động tuyến cận giáp dễ gây các biến chứng về xương và mạch máu. Người lọc máu chu kỳ sẽ bị lọc bớt một số yếu tố vi lượng, nhất là các loại sinh tố tan trong nước như nhóm sinh tố B, C. Do đó phải cung cấp thêm các yếu tố vi lượng này. Khi cung cấp đủ các yếu tố vi lượng sẽ làm tăng hiệu quả của các thuốc điều trị thiếu máu.

Song song với những giải pháp trên, người bị suy thận cần duy trì tập luyện thể thao hàng ngày  để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. Các môn thể thao phù hợp cho người bị suy thận gồm đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe, khiêu vũ...

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác