Tiêu chuẩn chống bụi và nước IP68 của smartphone là gì

5/18/2017 12:02:42 AM
Hệ thống xếp loại IP này có nghĩa là gì? Các con số xx trong IPxx có nghĩa là gì? Chỉ số siêu bền cho các mẫu smartphone siêu bền như S7, S8, iphone 7 là bao nhiêu?

 

Khả năng kháng nước siêu việt là "lá chắn" bảo vệ cần có trên một chiếc điện thoại thông minh đúng nghĩa. Theo kết quả khảo sát từ PhoneArena, 88,85% người dùng cho biết, khả năng chống nước trên điện thoại rất được quan tâm khi chọn mua một sản phẩm mới. Tính năng này ngày càng cho thấy sự hữu dụng và được rất nhiều nhà sản xuất di động quan tâm đến.

Smartphone cao cấp với độ bền "siêu" được sản xuất thời gian gầy đây đã tăng lên đáng kể, trong đó có thể kể tới Galaxy S7, S8, Iphone 7, 7 plus Sony Xperia Z. Galaxy S7, S8, A5, A7 chống bụi và nước theo chuẩn IP67, IP68 - có nghĩa rằng chiếc smartphone này hoàn toàn chống bụi và hoạt động tốt ngay cả khi bị chìm trong nước tới 30 phút ở độ sâu 1m.

Hệ thống xếp loại IP này có nghĩa là gì? Các con số xx trong IPxx có nghĩa là gì? Chỉ số siêu bền cho các mẫu smartphone siêu bền như S7, S8, iphone 7 là bao nhiêu?

Khái niệm hệ thống phân loại IP

Cho dù có tên giống với các dãy số chỉ địa chỉ Internet (Internet Protocol) của các trang web, IP trong trường hợp của chúng ta là viết tắt của "Ingress Protection" hoặc "International Protection" – tên một hệ thống xếp loại cho biết khả năng bảo vệ linh kiện điện của các thiết bị, ví dụ như khả năng bảo vệ phần cứng của smartphone chống lại những yếu tố môi trường như bụi và mưa. Hệ thống xếp hạng IP được phát triển bởi Ủy ban Kỹ thuật điện tử Thế giới (International ElectroTechnical Commission), đồng thời cũng là một phần của bộ tiêu chuẩn IEC 60529.

Hệ thống xếp hạng này bao gồm các giá trị số, mỗi chữ số sẽ cho biết thông tin về mức độ bảo vệ đối với một yếu tố khác nhau. Trong trường hợp máy hoàn toàn không có khả năng chống chịu các yếu tố liên quan, chữ số nói trên được thay bằng chữ "X".

Chữ số đầu tiên

Chữ số đầu tiên thể hiện mức độ bảo vệ đối với các vật thể rắn, bắt đầu từ 1 (bảo vệ khỏi những lần chạm vô tình từ tay) cho tới 6 (chống bụi hoàn toàn). Các vật thể rắn này bao gồm tất cả mọi thứ: từ ngón tay, các công cụ, dây điện cho tới bụi. Sau đây là giải thích cụ thể về các con số:

0: không có bảo vệ gì đặc biệt.

1: Bảo vệ khỏi những vật có bán kính lớn hơn 50mm, ví dụ như bàn tay người.

2: Bảo vệ khỏi những vật có bán kính lớn hơn 12,5 mm, ví dụ như ngón tay.

3: Bảo vệ khỏi những vật có bán kính lớn hơn 2,5mm, ví dụ như tuốc-nơ-vít hoặc các công cụ khác.

4: Bảo vệ khỏi những vật có bán kính lớn hơn 1mm, ví dụ như dây điện.

5: Bảo vệ khỏi một lượng bụi nhất định (không quá nhiều)

6: Chống bụi hoàn toàn.

Chữ số thứ 2

Chữ số thứ 2 thể hiện khả năng chống nước xâm nhập, bắt đầu từ 1 (chống các khối chất lỏng ngưng tụ) cho tới 8 (chịu được độ sâu trên 1 mét, có áp lực). Các con số cụ thể như sau:

0: không có bảo vệ gì.

1: bảo vệ khỏi các hạt nước rơi theo chiều dọc và khối chất lỏng ngưng tụ.

2: bảo vệ khỏi nước xối trực tiếp, lên tới 15 độ theo chiều dọc

3: bảo vệ khỏi nước xối trực tiếp, lên tới 60 độ theo chiều dọc.

4: bảo vệ khỏi nước xối từ mọi hướng. Lượng nước có hạn.

5: bảo vệ khỏi nước xối áp lực thấp từ mọi hướng. Lượng nước có hạn.

6: bảo vệ khỏi nước xối mạnh từ mọi hướng. Lượng nước có hạn.

7: chịu được khoảng thời gian thấp dưới độ sâu từ 15cm đến 1m trong vòng 30 phút.

8: chịu được khoảng thời gian dài dưới độ sâu trên 1m và có áp lực.

Kết hợp các chữ số lại với nhau – chỉ số IP của một số smartphone siêu bền

Như bạn đọc đã biết, xếp hạng IP của Galaxy S7, S7 Edge là IP68 – điều đó có nghĩa rằng máy có khả năng chống bụi hoàn toàn và có thể chịu được 30 phút dưới nước độ sâu 1m. Trong khi Galaxy S4 Active là mẫu smartphone siêu bền cao cấp đầu tiên từ Samsung, 2 mẫu smartphone cũ của hãng, Galaxy XCover và Galaxy XCover 2 cũng đều đạt chuẩn IP67.

Một mẫu smartphone siêu bền khác cũng được xếp hạng là Kyocera Torque. Kyocera Hydro Edge và Hydro XTRM được ra mắt tại hội chợ CTIA 2013 đã có xếp hạng IP57 (kém hơn Galaxy S4 Active). Cũng tại sự kiện này, CAT B15 – một mẫu smartphone đạt chuẩn IP67 cũng đã ra mắt.

Một mẫu máy khác trước đây có khả năng chống bụi và nước là Sony Xperia Z và Xperia Tablet Z. Cả 2 thiết bị này đều có xếp hạng IP55/IP57. Việc 2 sản phẩm này có 2 xếp hạng là do Xperia Z và Xperia Tablet Z vừa có khả năng chịu được nước xối từ mọi mặt với áp lực thấp (mưa) – do đó đạt chuẩn 5, vừa có khả năng chịu được tối đa 30 phút ở độ sâu 1m trở xuống – do đó đạt chuẩn 7.

Như Thành phố Hồ Chí Minh những ngày này luôn được trải nghiệm thời tiết "mùa nước lũ", người dùng có thể quên đi nỗi lo bỏ lỡ những cuộc gọi quan trọng khi đang di chuyển hay đi dưới mưa.,...

Trong khi đó, những khách hàng trẻ có thể tận hưởng các buổi pool party ngoài trời hay dã ngoại một cách thoải mái mà không cần phải dùng đến các loại ốp chống nước cồng kềnh, vốn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng ảnh chụp hay quay video. Tất nhiên, một bức ảnh selfie dưới nước hay chẳng may vui đến mức làm rơi chiếc điện thoại yêu quý vào đồ uống cũng không còn là vấn đề lớn nữa.

Đặc biệt hơn, một chiếc smartphone chống nước không chỉ bảo vệ thiết bị trong những trường hợp cấp bách mà còn là chìa khóa giải quyết nhiều rắc rối khi sử dụng thiết bị, vượt qua được các rào cản trong cuộc sống thường ngày, nhất là ở những người bị mồ hôi tay khiến việc thao tác gặp khó khăn hay muốn xả stress sau một ngày làm việc dài bằng cách ngâm mình trong bồn tắm chẳng hạn. Thậm chí, những người thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều bụi bặm như công trường có thể yên tâm sử dụng thiết bị mà không phải lo lắng bất kỳ điều gì.

Tất nhiên, không phải smartphone nào sở hữu tiêu chuẩn IP cũng đều tốt. Khả năng chịu đựng của thiết bị di động trước cát bụi hay sự xâm nhập của độ ẩm rất khác nhau, được phân loại theo từng mức độ cụ thể. Ví dụ, ở tiêu chuẩn IP67, dù chỉ khác nhau về con số thứ 2 ("7" so với "8") nhưng thiết bị chỉ chịu được nước ở độ sâu 1 mét trong 30 phút.

Thậm chí, Galaxy S7 hay Galaxy S7 edge vẫn có thể "sống sót" một cách khó tin trước những bài kiểm tra khắc nhiệt như ngâm nước liên tục 16 giờ đồng hồ (Unbox Therapy), rửa máy dưới vòi nước sau khi đã làm bẩn bằng cà phê, trà (PCMag),...

Quá trình chế tác và nghiên cứu tỉ mỉ tạo ra những chiếc smartphone đạt tiêu chuẩn IP68

Samsung đã sử dụng các loại vật liệu chống ăn mòn ở mức độ cao như nickel và bạch kim, vốn được sử dụng trong ngành hàng không, cho các thành phần kết nối ngoài như jack cắm tai nghe 3,5mm hay cổng sạc microUSB. Do đó, điện thoại luôn được bảo vệ, kể cả khi người dùng quên đóng nắp các thành phần này khi đang nghe nhạc dưới bể bơi hoặc trong bồn tắm chẳng hạn.

Bên cạnh đó, Samsung còn sử dụng một công nghệ kháng nước mới do chính hãng phát triển, giúp ngăn khoảng trống bị hở ra giữa các thành phần, qua đó loại bỏ sự xuất hiện của các nắp bảo vệ thô kệch để giữ nguyên kiểu dáng thẩm mỹ của máy. Nhờ đó, công ty đã giải quyết triệt để bài toán thiết kế khi tạo nên một chiếc smartphone kháng bụi, nước.

Với lớp keo và chất kết dính đặc biệt, các bộ phận bên trong điện thoại, kể cả hai mặt kính trước, sau đều được gắn kín, ngăn chặn tình trạng hơi ẩm bên ngoài tràn vào trong. Như vậy, người dùng có thể yên tâm sử dụng mà không cần phải chờ một thời gian để điện thoại "ráo" nước hoàn toàn.

Về màng loa, Samsung đã sử dụng một tấm lưới chất lượng cao, cho phép âm thanh trong không khí có thể truyền đến tai với mức độ rõ ràng nhất kể cả khi đã bị thấm nước. Ngoài ra, để bảo vệ an toàn cho người dùng, điện thoại sẽ ngăn chặn việc sạc pin trong tình trạng máy vẫn đang ẩm ướt.

Từ những thay đổi tưởng chừng nhỏ nhưng đòi hỏi quá trình làm việc miệt mài và nghiêm túc, các công ty điện thoại đang tiến những bước đi vượt bậc trong lịch sử phát triển công nghệ, thiết lập nhiều dấu ấn và cột mốc mới trong hành trình chinh phục người dùng.

Suckhoecuocsong.com.vn

Các tin khác