Sở Xây dựng trả lời vòng vo, thiếu trách nhiệm về việc chặt cây xanh
Nhằm trả lời cho 21 câu hỏi được nhà báo, phóng viên đưa ra tại buổi họp báo của UBND thành phố Hà Nội vào chiều 20/3, Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời chính thức. Tuy vậy, nhận xét chung của giới truyền thông và người dân là văn bản này chung chung vòng vo, lặp lại, không trả lời đúng câu hỏi và không thỏa mãn được yêu cầu của người dân.
Từ cuộc họp với giới báo chí hôm 20/3 đến văn bản hôm 25/3, Hà Nội đều chưa được ra được những câu trả lời thỏa đáng.
Hỏi: Bình quân cây xanh đầu người ở Hà Nội là bao nhiêu? Việc chặt 6.700 cây có tính mật độ?
Trả lời: Theo Quy hoạch của Hà Nội tỷ lệ diện tích đất cây xanh khu vực nội đô khoảng 3,02 m2/người. Cây mới được trồng vào đúng vị trí cây được thay thế và trồng bổ sung tại các khu vực, vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu mật độ cây xanh hiện có mà còn tăng lên.
(Ảnh: Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp hôm 20/3)
Hỏi: Thành phố thực hiện việc thay cây có 3 vấn đề chưa làm: Đánh giá tác động môi trường về việc chặt cây, đánh giá tác động cảnh quan đô thị, đánh giá tác động phản ánh của dư luận; cho đến thời điểm này đã chặt hạ, trồng được bao nhiêu cây, kinh phí bao nhiêu?
Trả lời: Việc lập và triển khai Đề án cải tạo thay thế cây xanh đã căn cứ vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch chuyên ngành về cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước. Các quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, trong đó có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan và có lấy ý kiến của cộng đồng (?), tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành (?).
Đồng thời sau khi quy hoạch được phê duyệt đã thông tin công khai minh bạch theo quy định. Việc duy trì, cải tạo và thay thế cây xanh đường phố theo quy hoạch là công việc thường xuyên hàng năm được thực hiện theo quy định.
Từ tháng 11.2014 đến đầu năm 2015, thành phố đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây. Kinh phí trồng mới do các đơn vị xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ, hiện chưa thanh quyết toán.
Hỏi: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lý không?
Trả lời: Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây Vàng tâm (?), đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Hà Nội vẫn khăng khăng khẳng định cây trồng trên Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm
Cây cao trung bình 25 - 30 m, đường kính thân cây 70 - 80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2 cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Hỏi: Dư luận cho rằng các doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây, thành phố khẳng định có phải thế không hay là chủ trương thành phố, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ. Số lượng cây chặt lớn, gỗ lớn lên đến hàng trăm tỉ thì sau khi bán gỗ đi thì mục đích sử dụng là gì?
Trả lời: Hưởng ứng việc xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của thành phố, các doanh nghiệp đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ thành phố trong việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường với mong muốn là để góp phần chung tay xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho các người dân trong khi tham gia giao thông.
Dư luận cho rằng có việc doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỉ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị (chưa cho biết chính xác đơn vị nào). Toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Hỏi: Đánh giá tác động môi trường như thế nào khi chặt hạ cây?
Trả lời: Việc cải tạo, thay thế cây xanh là công việc được thực hiện thường xuyên, hàng năm theo kế hoạch và Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn thành phố đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 được UBND thành phố phê duyệt ngày 18.3.2014; Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 16.8.2013 về đầu tư, phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn thành phố đến năm 2015; Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14.5.2010 của UBND thành phố Ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố và các quy định khác có liên quan. Trong Quy hoạch và Quy định đã có đánh giá tác động môi trường (?).
Hỏi: việc hạch toán, thống kê kiểm kê việc chặt cây trên tuyến phố...?
Trả lời: Số lượng gỗ, củi chặt hạ trong đợt cải tạo thay thế cây xanh vừa qua đã được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định. Kinh phí đánh chuyển, chặt hạ cây được thực hiện theo đúng định mức, đơn giá và sẽ được quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Hỏi: Thành phố cho biết việc chặt cây có thể minh bạch thông tin về giá cây, gỗ trong vòng 5 năm thế nào?
Trả lời: Giá cây xanh đô thị phụ thuộc chủng loại, kích thước cây xanh. Đối với việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì giá cây được xác định theo điều kiện cụ thể, được thẩm định giá độc lập đưa vào dự toán và quyết toán theo quy định. Đối với các trường hợp xã hội hóa, giá cây xanh do các đơn vị tự quyết định mua và hỗ trợ cây cho thành phố. Giá gỗ tổ chức thẩm định và bán đấu giá theo quy định.
Hỏi: Hà Nội nên thơ bởi những hàng cây như Bằng lăng, Sấu ở Phan Đình Phùng... chúng ta thay nhiều loại cây hay chỉ một loại cây? Nguồn từ ngân sách bao nhiêu, xã hội hóa bao nhiêu phần trăm?
Trả lời: Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước trên địa bàn thành phố đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 được UBND thành phố phê duyệt ngày 18.3.2014 thì mạng lưới cây xanh đường phố Hà Nội sẽ được bảo tồn, chăm sóc với các tuyến cây xanh đường phố lâu năm đặc trưng, hiện hữu, đồng thời từng bước bổ sung thay thế trồng mới các chủng loại cây theo quy hoạch (?).
Thời gian qua, việc cải tạo, thay thế cây xanh được thực hiện bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó gồm cả vốn ngân sách và xã hội hóa, vì đang triển khai nên chưa có số liệu quyết toán.
Hỏi: Đơn vị cung ứng cây là đơn vị nào, có tin cậy không? Đây là dự án lớn đến nay dừng lại thì trách nhiệm của đơn vị đầu tư, cung ứng này như thế nào?
Trả lời: Các đơn vị cung ứng cây là các đơn vị có loài cây phù hợp với quy định của thành phố về chủng loại, chất lượng cây (!?). Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiệm thu đảm bảo theo đúng quy định. Việc cải tạo, thay thế cây không phải dự án, đây là việc làm thường xuyên, hàng năm theo kế hoạch nên việc thực hiện tới đây phải tuân thủ theo đúng quy định.
Hỏi: Những cây trồng thời Pháp thuộc, những cây trồng cách đây mấy năm phải hạ chuyển thì liệu có phải quy hoạch đã sai rồi không?
Trả lời: Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18.3.2014 thì thành phố và mọi người dân phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đô thị từ các thời kỳ để lại cho chúng ta.
Những hàng cây trồng từ thời Pháp thuộc sẽ được bảo tồn
Các cây trồng từ thời Pháp thuộc trên các tuyến phố cổ, phố cũ của Hà Nội được hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử và mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Nhiều tuyến phố đã có hệ thống cây xanh đặc trưng như: cây Sấu phố Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Trần Phú; cây Xà cừ phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Chu Văn An; cây Sao đen ở phố Lò Đúc; cây Long não phố Đặng Dung… Những cây cổ thụ này đã, đang và sẽ tiếp tục được bảo tồn, chăm sóc giữ dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố.
Chỉ chặt hạ những cây sâu mục đổ gãy ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng tài sản của người dân; những cây phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đô thị. Đối với những cây mới trồng thì chỉ thay thế những cây chết, còi cọc, chậm sinh trưởng.
Hỏi: Quy trình lập đề án này, căn cứ để chặt cây là gì? Tại sao chặt số lượng nhiều như vậy?
Trả lời: Việc cải tạo, thay thế cây xanh căn cứ trên cơ sở Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được HĐND thành phố quyết nghị thông qua, UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 1495/QĐ-UBND ngày 18.3.2014; Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thành phố đến năm 2015 số 134/KH-UBND ngày 16.8.2013 và Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14.5.2010 của UBND thành phố Ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố (?).
Từ tháng 11.2014 đến đầu năm 2015, triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 08 tuyến phố trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây.
Hỏi: Mạng xã hội có rộ lên thông tin sẽ thay thế cây Tần Bì, cây này có nằm trong diện cây thay thế không? Biện pháp gì để sàng lọc những cây có hại hoặc cây sinh trưởng không tốt? Vì sao một số nơi cây xà cừ thẳng, cây bàng cũng thẳng, đang sinh trưởng tốt nhưng vẫn bị chặt đi trong khi không có sâu bệnh gì?
Trả lời: Trong quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước không có cây Tần Bì trong danh mục lựa chọn cây đô thị. Việc thay thế cây xanh để trồng mới vừa qua thực hiện theo đúng quy hoạch và chủng loại cây đô thị theo quy định.
Các cây Xà cừ, Bàng sinh trưởng tốt thì không chặt hạ. Sở Xây dựng chỉ cấp phép chặt hạ các cây nằm trong danh mục các dự án phát triển giao thông đô thị; các cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.
Hỏi: Quyết định ngừng chặt, thay thế cây của thành phố là do dư luận xã hội hay là lý do nào? Việc rà soát sẽ tiến hành trong bao lâu, giải trình khi nào có?
Trả lời: Qua thông tin báo chí phản ánh dư luận xã hội và kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND thành phố đã có Kết luận tại Thông báo số 40/TB-UBND ngày 20.3.2015, trong đó chỉ đạo dừng việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố. Giao Sở Xây dựng rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên trên từng tuyến phố. Sau khi hoàn thành sẽ thông tin kịp thời, đầy đủ đến báo chí.
Tựu chung lại, ta có thể thấy câu trả lời được Sở Xây dựng đưa ra rất chung chung, vòng vo, không đúng trọng tâm câu hỏi. Ý kiến của thành phố Hà Nội có thể được gói gọn trong vài dòng sau:
- Hà Nội đã có đánh giá tác động môi trường, cảnh quan cây xanh
- Thay thế, đánh chuyển cây xanh là chủ trương đúng của thành phố
- DN tự nguyện hỗ trợ chủ trương xã hội hóa trồng cây xanh vì lợi ích cộng đồng
- Đơn vị tài trợ đảm bảo cây sống mới hết trách nhiệm
- Sở Xây dựng chịu trách nhiệm cấp phép chặt hạ, đánh chuyển cây
- Cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm trong sách đỏ
- Mật độ cây xanh Hà Nội tăng do được thay thế, trồng bổ sung ngay sau chặt hạ
- Chưa thống kê được chi phí cải tạo, thay thế cây xanh
- Hệ thống cây xanh từ thời Pháp thuộc vẫn được bảo tồn
- Dừng chặt cây để rà soát, phân loại, thực hiện theo lộ trình
Tuy nhiên, các lý lẽ được phía Hà Nội đưa ra hỗ trợ các ý trên đều thiếu dẫn chứng, không thuyết phục (hoặc thậm chí không có). Nếu đây là câu trả lời chính thức và cuối cùng của Hà Nội về vấn đề này, ta có thể chắc chắn người dân Hà Nội không một ai phục! Thiết nghĩ, có lẽ chỉ khi thanh tra chính phủ vào cuộc như những chuyên gia đã đề xuất, chúng ta mới có thể phần nào an lòng.
Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)
Các tin khác
-
Bảng Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU theo luật lao động mới từ 2025
Từ 7/1 năm 2025, người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ có độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam và lao động nữ sẽ như thế nào theo luật lao động mới áp dụng. -
Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường
Với tốc độ phát triển chung trên thế giới hiện nay, nhu cầu về năng lượng là rất lớn, rất quan trọng. Nhưng việc khai thác, sử dụng và biến đổi năng lượng cũng là một yêu tố tác động xấu đến môi trường. -
Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10
Sau khi bàn bạc thống nhất các phương án, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT về quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở hành khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 hạn chế lây lan. -
Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm
Từ ngày 28/9, UBND Hà Nội cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa. -
Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội
Từ ngày 6/9 tại Hà Nội, có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường tại "vùng đỏ", là nơi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. -
Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM
Những người lao động có hoàn cản khó khăn cần hỗ trợ về các nhu yếu phẩm thiết yếu có thể liên hệ tới các số điện thoại các Trung tâm an sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh -
Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19
Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào? -
Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương
Nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Ô nhiễm môi trường vào ngày 29/2/2020, tập trung vào những viên nhựa của bộ đồ chơi LEGO trôi dạt vào bờ biển phía Tây Nam nước Anh. -
Quản lý và xử lý chất thải rắn
Xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam hiện nay có một số mô hình: đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh, chôn lấp, điện khí hóa và đốt rác thông thường.