Quản lý và xử lý chất thải rắn

6/17/2019 2:26:00 PM
Xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam hiện nay có một số mô hình: đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh, chôn lấp, điện khí hóa và đốt rác thông thường.

 

Xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam hiện nay có một số mô hình: đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh, chôn lấp, điện khí hóa và đốt rác thông thường. Trong các mô hình này, phương pháp đốt rác phát điện, xử lý chất thải thành phân hữu cơ, phân vô cơ (compos)… Các mô hình này đang được nhiều địa phương lựa chọn nhằm “biến nguồn rác thải thành tài nguyên”.Tuy nhiên, việc xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng rất cần sự chung tay của toàn xã hội và cầnthống nhất và tăng cường sự quản lý của nhà nước.

Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều bất cập

Tại hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” tổ chức mới đây, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TNMTVõ Tuấn Nhân cho biết,cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng tăng theo, làm gia tăng lượng CTR phát sinh với thành phần ngày càng phức tạp,gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, tại khu vực đô thị, phát sinh lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khoảng 38,000 tấn/ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 32,000 tấn/ngày.

Báo cáo của 43/63 tỉnh thành phố đến tháng tháng 4/2019, địa phương có lượng CTR phát sinh nhiều nhất là Hà Nội với 6,500 tấn/ ngày, tiếp đến là Thanh Hóa (2,264 tấn/ngày), Hải Phòng (1,715 tấn/ngày), Nghệ An (1,618 tấn/ngày)

Mặc dù tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý vẫn chưa đạt yêu cầu. Điều đó thể hiện công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại nhiều địa phương.

Về những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, việc phân công, phân nhiệm trong quản lý còn chồng chéo và nhiều lỗ hổng, dẫn đến khó thống nhất trong quản lý nhà nước về CTR. Điển hình như tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, trong khi Bộ TNMT chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải) và chất thải nguy hại, thì việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý chất thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải vv...) đang được giao cho Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành nhưng không có cơ chế phối hợp với Bộ TNMT, dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý CTR.Điều này dẫn đến việc các địa phươngcũng không thống nhất được trong việc phân công Sở Xây dựng hay Sở TNMT chủ trì quản lý CTR,chất thải sinh hoạt trên địa bàn...

Ông Thịnh nhấn mạnh, sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức Thông tư liên tịch, việc giao Bộ Xây dựng thực hiện một số nội dung về CTR sinh hoạt, dẫn đến những giao thoa, chồng chéo, thiếu thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về CTR. Điều này dẫn đến việc thiếu các quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Bộ TNMT trong việc xây dựng, ban hành các quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR.

Thống nhất và tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn

Trước thực trạng đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP, trong đó giao Bộ TNMT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR.Đây là chủ trương đúng và kịp thời nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR.

Theo ông Đồng Phước An - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về CTR về Sở TNMT sẽ đảm bảo quản lý tốt về CTR và môi trường trên địa bàn.“Bộ TNMT cần sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định về lĩnh vực môi trường”,ông An đề nghị.

Về quản lý CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn, bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng kiến nghị,cần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để đảm bảo thống nhất với các luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu; sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về CTR tại một số nước: Thái Lan, Nhật Bản, Australia,…TS. Michael Parsons, cố vấn chính sách của Bộ TNMT nhấn mạnh, nhà quản lý phải có vai trò tiên phong, chủ động có các hành động, chiến lược cụ thể và có chính sách hạn chế các vật liệu gây hại tới môi trường, yêu cầu trách nhiệm cao hơn nữa từ các nhà sản xuất, trong đó có chính sách về thải bỏ, tái chế, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các vận liệu thay thế, thân thiện với môi trường như: tre nứa, lá chuối...

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh vai trò và sự chung tay, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong việc thống nhất,triển khai các phương án quản lý CTR và đề nghị Bộ Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ TNMT, đặc biệt các địa phương cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn, tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt nhằm quản lý và xử lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đốt rác ra điện và lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp

Việc xử lý rác thải hiện nay (bao gồm cả CTR) chủ yếu được thực hiện bằng việc chôn lấp (chiếm khoảng 75%), trong đó có 95/146 khu chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, không khí (mùi) hoặc thu hút các động vật gây hại (ruồi, chuột, gián…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác thải ở nhiều địa phương ngày càng hạn hẹp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – TS. Hoàng Văn Thức cho biết, đến đầu tháng 5/2019, đã có 43/63 tỉnh, thành phố báo cáo về việc lập quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn, trong đó bao gồm 82 cơ sở xử lý CTR; 13 cơ sở chế biến phân hữu cơ, 127 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt…

Như vậy, phương án đốt rác phát điện, xử lý chất thải thành phân hữu cơ, phân vô cơ (compos)… nhằm “biến nguồn rác thải thành tài nguyên” đang được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện. Tuy nhiên,mới chỉ có 2/43 địa phương có báo cáo quy hoạch xử lý CTR và đã có kế hoạch phân loại CTR tại nguồn, đó là Cần Thơ (3 quận, 1 huyện), Bắc Ninh (1 phường, 3 xã).

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Công tác quản lý xử lý CTR muốn thành công phải gắn với xã hội hóa. Muốn vậy, doanh nghiệp phải vào cuộc nhằm giảm đầu tư công. Cùng với các công nghệ xử lý rác: xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh; công nghệ kết hợp đốt và chôn lấp; khí hóa,… gần đây đã xuất hiện công nghệ đốt rác phát điện. Công nghệ này không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới bắt đầu thực hiện. Điển hình là một số nhà máy đốt rác phát điện ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

TheoThứ trưởng Võ Tuấn Nhân, thuận lợi là trong nước cũng đã có những doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo công nghệ đã bắt đầu xây dựng mô hình thực tiễn, gắn đầu vào của chất thải với quá trình xử lý để tạo ra điện. Những mô hình này tiên tiến, hiện đại, có tính khả thi cao và phù hợp với yêu cầu, điều kiện cũng như đặc thù nguồn rác thải của Việt Nam."Bộ TNMT phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ có 4 đoàn kiểm tra ở 25 tỉnh thành để ghi nhận việc xử lý rác thải cụ thể, từ đó lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp nhất cho từng vùng miền, từng cấp hành chính (tỉnh, huyện) để có thể đi thẳng đến việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các công nghệ, phương pháp lạc hậu, kém hiệu quả”.

Liên quan đến việc tồn tại của hơn 300 lò đốt chất thải thủ công, do không xử lý được triệt để vấn đề môi trường mà chi phí đầu tư lại tốn kém, trong quá trình đốt lại có khả năng sản sinh ra các chất độc hại như dioxin và furan, do đó Bộ không khuyến khích phát triển các lò đốt rác nhỏ lẻ mà có hướng quy hoạch xây dựng theo quy mô liên xã, liên huyện và đầu tư theo vùng. Theo đó, đốt rác ra điện với công nghệ và quy trình tiên tiến, hiện đại có thể được xem là một lựa chọn có tính đột phá. Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ để có cơ chế minh bạch, rõ ràng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý môi trường.

 “Chúng ta mong muốn lựa chọn được các công nghệ xử lý rác sinh hoạt phù hợp cả về giá thành và đảm bảo vấn đề môi trường", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Suckhoecuocsong.vn/Theo Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay

Các tin khác