Kiến thức chung về bệnh trầm cảm

11/26/2014 12:26:00 AM
Phải đối mặt với sự cạnh tranh trong học tập, công việc, sự đòi hỏi của vật chất, phải chạy đua với thời gian…khiến con người dễ mắc bệnh trầm cảm hơn. những vấn đề khó khăn và tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày khiến số người mắc bệnh trầm cảm tăng cao.

 

Xã hội hiện ngày càng hiện đại và phát triển đem đến cho con người ngày càng nhiều sự tiện nghi nhưng kèm theo đó kéo theo là muôn vàn áp lực trong cuộc sống của cho mỗi con người.

Vậy bệnh trầm cảm là gì? Nó gây ảnh hưởng tới cuộc sống ra sao và làm thế nào để hạn chế nó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách giải quyết vấn đề này.

Bệnh trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần hay gặp nhất trong các dạng rối loạn tâm thần. Thời đại bùng nổ thông tin, do áp lực học tập lớn nên bệnh gặp khá nhiều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Biểu hiện của bệnh trầm cảm

- Mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất. Người bệnh có thể khó vào giấc ngủ, đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại và thức giấc sớm. Nếu bệnh nhân thức giấc sớm hơn thường lệ trên hai giờ thì coi là mất ngủ.

Mất ngủ là triệu chứng hay gặp nhất khi mắc bệnh trầm cảm.

-  Cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng học tập ở người bệnh.

- Chán ăn, ăn không ngon, từ đó dẫn đến gầy sút. Thông thường bệnh nhân có thể sút một vài kg mỗi tháng, có những bệnh nhân khi đến khám bác sĩ tâm thần thì đã sút hơn 10 kg.

- Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí: Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu, luôn có cảm giác buồn bã với tất cả mọi việc. Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những chuyện rất nhỏ.

- Luôn có ý nghĩ chán nản, buông xuôi mọi thứ, cho mình là vô dụng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập, làm việc của bệnh nhân. Nhiều gia đình đã nói với bác sĩ rằng bệnh nhân chán nản, muốn bỏ học không lý do, mặc dù trước đó từng là một sinh viên rất chăm chỉ, học giỏi.

Người mắc bệnh trầm cảm luôn có ý nghĩ chán nản, buông xuôi mọi thứ.

- Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó: như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi... người mắc bệnh trầm cảm không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể, do đó không thể ghi nhớ được- Họ khó có thể ngồi yên một chỗ được một lúc, luôn trong tâm trạng lo lắng vô cớ với những lý do không đâu.

- Thường xuyên có các rối loạn: như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi..

- Người mắc bệnh trầm cảm từng có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Chính do các triệu chứng kể trên, họ bi quan, chán nản, muốn chết để giải thoát. Do vậy nhiều bệnh nhân có kế hoạch tự tử rõ ràng thường tìm cách mua thuốc gây độc. Không nên coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử.

Nguyên nhân gây bệnh

- Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ nguyên nhân): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội... nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục.

- Trầm cảm do stress: Như khi mất việc làm, có những mâu thuẫn trong cơ quan hoặc gia đình, con cái hư hỏng, thất bại trong hôn nhân, thất bại trong công việc, bị sụp đổ lòng tin hoặc có người thân qua đời đột ngột...

- Trầm cảm do các bệnh thực tổn: sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não, các bệnh nan y như ung thư, lao, phong...

-  Gặp những cú sốc như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, thất bại trong sự nghiệp, bất hòa kéo dài.

Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm

- Học sinh, sinh viên học hành căng thẳng, quá nhiều bài vở, sức học tụt dốc.

- Người làm việc trong môi trường căng thẳng, cạnh tranh phức tạp, áp lực công việc cao.

- Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn; dễ lầm với bệnh già.

- Người đã qua một thời gian quá tự tin, không cần ngủ, nói nhanh, sống bốc đồng. Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời gian bị trầm cảm.

- Phụ nữ sau sinh con, tỷ lệ không nhiều nhưng khi mắc lại khá trầm trọng, cần phải phát hiện sớm.

Điều trị bệnh trầm cảm

Khi có những biểu hiện ban đầu của bênh trầm cảm người bệnh cần phải được đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và đưa ra cách điều trị tốt nhất tránh để bệnh vào giai đoạn mãn tính gây khó khăn cho việc điều trị.

Bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác như đông y, châm cứu... cho kết quả không rõ ràng.

Khi có những biểu hiện ban đầu của bênh trầm cảm người bệnh cần phải được đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và đưa ra cách điều trị tốt nhất

Thuốc chống trầm cảm có nhiều loại nhưng dù dùng loại gì thì thời gian điều trị tối thiểu cũng phải là 6 tháng. Nếu điều trị quá ngắn, bệnh sẽ dễ tái phát.

Các cách phòng tránh bệnh trầm cảm

- Cố gắng không để cho bản thân quá nhàn rỗi,  nên đi chơi, giải trí với loại hình nghề thuật mà mình yêu thích.

- Tham gia những hoạt động tập thể ở cơ quan để tiếp xúc với đồng nghiệp, tạo niềm vui mới, bạn sẽ thấy mình có ích cho người khác, được mọi người quý mến.

- Lấy một tờ giấy trắng, kẻ một đường dọc chia đôi. Viết tất cả những gì bạn lo lắng thành từng mục một. Bên phải là những nguyên nhân gây ra cảm giác đó. Lo lắng được viết ra bạn sẽ không phải giữ chúng trong đầu nữa sẽ khiến thần kinh bớt căng thẳng.

- Luôn tự tạo cho bản thân và những người xung quanh những niềm vui nhỏ như xem một bộ phim hay, nghe những bản nhạc thú vị, đọc một cuốn sách có ý nghĩa,…

- Bổ sung vitamin tránh chế độ ăn ít calo, hạn chế ăn nhiều đồ béo, đồ ngọt, không uống quá nhiều chè và cà phê đặc...

Lời kết

Trầm cảm là một căn bệnh bắt nguồn từ nguyên nhân tâm lý nhưng lại vô cùng nguy hiểm nếu không có cách phòng tránh và điều trị. Tự bản thân mỗi người hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc của mình, biết tìm niềm vui để xua tan những lo lắng muộn phiền trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta yêu đời và sống có ý nghĩa hơn.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin liên quan

Các tin khác