‘Đêm ngoại tình độc đáo’ của những đôi trai gái giữa núi rừng Trường Sơn

3/19/2015 2:59:55 PM
  Trong ánh lửa bập bùng cùng tiếng hò reo cổ vũ, những tốp người lần lượt thay phiên nhau dùng hết sức lực đánh vào mặt trống. Đến khi trống vỡ, những đôi trai gái nắm tay nhau tình tứ mất hút trong màn đêm của núi rừng, họ được phép ai ân một cách hợp pháp và chỉ đêm nay thôi, sáng mai khi gà gáy họ lại trở về như khi họ đến.  

 

 

“Đối với người Ma Coong, đêm nay là “đêm trời cho”, “đêm ngoại tình” hợp pháp, trai gái yêu không kể già kể trẻ, có gia đình hay chưa, không kể là người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong bản hay ngoài bản, kể cả những vị khách từ nước bạn Lào đều có thể dắt díu nhau đến những nơi chỉ có hai người để tình tự, trao nhau những giây phút ngây ngất trong men tình” - Già làng Đinh Xon chia sẻ.

 

Trong ánh lửa bập bùng cùng tiếng hò reo cổ vũ, những tốp người lần lượt thay phiên nhau dùng hết sức lực đánh vào mặt trống. Đến khi trống vỡ, những đôi trai gái nắm tay nhau tình tứ mất hút trong màn đêm của núi rừng, họ được phép ai ân một cách hợp pháp và chỉ đêm nay thôi, sáng mai khi gà gáy họ lại trở về như khi họ đến.

 

Đây là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của người dân nơi đây. Từ bao đời nay, cứ vào ngày 16 tháng giêng Âm lịch hàng năm, người Ma Coong tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) lại nô nức, tưng bừng, đắm chìm trong lễ hội đập trống được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

 

Theo già làng Đinh Xon, lễ hội đập trống không biết có từ bao giờ, chỉ nghe truyền thuyết kể rằng, xưa kia vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng. Đêm đêm, khỉ vàng vào rẫy của bà con dân bản ăn, phá hoại mùa màng khiến dân bản lâm vào cảnh cơ cực, nghèo đói. Một hôm, khỉ ác vàng tìm đến bản làng để phá hoại.

 

 

Phần hội rộn ràng với nghi thức đập trống.

 

Bà con dân bản đã khua chiêng, đánh trống liên hồi nhằm đuổi khỉ. Tiếng trống, chiêng, vang vọng khắp núi rừng, cùng với sự giúp đỡ của Giàng, đã khiến con khỉ ác hoảng sợ bỏ chạy vào rừng sâu, không dám quay trở lại.

 

Từ đó, mùa màng tốt tươi, con cháu người Ma Coong không còn cảnh đói khát ốm đau nữa. Để tưởng nhớ công lao vị già bản, tổ tiên người Ma Coong đã tổ chức lễ hội đập trống, dâng lên đấng thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất này, cầu cho làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

 

Lễ hội đập trống của người Ma Coong được tổ chức hết sức công phu, cầu kỳ. Trước hết, lễ vật cúng Giàng (trời) phải được đóng góp từ các gia đình của 18 thôn bản, tùy theo điều kiện từng thôn bản mà đóng góp các lễ vật khác nhau nhằm thể hiện sự đoàn kết gắn bó bền chặt giữa các thôn bản với nhau.

 

Trên mâm cúng luôn phải có một con gà - thể hiện sự chăn nuôi bội phát; một nông xôi, bát gạo - thể hiện sự được mùa; đọt măng rừng, đọt mây, đọt cây đoác, bắp chuối rừng - thể hiện sự kính trọng của dân làng đối với núi rừng; mỗi mâm cúng có 4 con cá để tế 4 vị thần mà người Ma Coong kính trọng đó là thần Núi, thần Sông, Giàng và ma xó.

 

"Sướng quá, vui quá, trời ơi"

 

Có một điều đặc biệt là cá để cúng Giàng phải được bắt từ khúc suối Cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky. Vào khoảng tháng 5, dân bản đã ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và được quản lý nghiêm ngặt, nếu ai vào đó đánh cá thì bị phạt rất nặng, khúc suối này chỉ được đánh bắt cá tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra.

 

Chính vì vậy, những con cá ngon nhất, thanh sạch nhất sẽ được dành dâng lên đấng thần linh thiêng. Ngoài ra, trước mâm cỗ sẽ được bày thêm những hũ rượu hiêng, rượu cần - thứ rượu được ủ bằng men lá rừng và nếp được ủ từ năm trước. Một thứ quan trọng nhất nữa của lễ hội đó là chiếc trống. Nó là linh hồn, là trung tâm của buổi lễ.

 

Trống của người Ma Coong khác hẳn với trống của người miền xuôi, tang trống được làm từ cây chi cúp - một loại cây thuốc rỗng ruột, sống hàng chục năm trong rừng sâu. Tang trống giữ từ năm này qua năm khác, khi nào hỏng thì thay mới.

 

Da trống được làm từ da loài sơn dương. Để làm trống, người Ma Coong không dùng búa, đục để nọc mặt trống mà dùng cây mây rừng, xâu chéo với nhau, sau đó lấy tre đực nêm chặt lại, kéo căng mặt trống để hứng lấy muôn vàn uy lực do con dân của Giàng giáng xuống những hồi trống thâu đêm suốt sáng.

 

Mọi thứ chuẩn bị xong thì cũng là lúc trăng lên ngửa đầu, già làng Đinh Xon bắt đầu khai lễ. Ông thực hiện nghi lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn, mong một năm mưa thuận gió hòa, ngô lúa tốt tươi, mọi người khỏe mạnh.

 

Già làng Đinh Xon hô lớn: “Giàng ơi! Hôm nay lũ dân làng vào hội đập trống. Mời Giàng về dự cái sung sướng của dân bản. Chứng giám cho dân bản yêu nhau. Cầu cho trăng vẫn mọc, mặt trời vẫn lên, mỗi năm có hội đập trống để đàn bà, đàn ông ôm nhau dưới suối, níu tay say tình…”.

 

Hành lễ kết thúc, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa luôn đầy bồ. Tiếp đó, già làng phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản hay khách tham dự ùa vào giành lấy cái dùi để đập trống.

 

Ai cũng có thể vào đập trống, con trai con gái, người già người trẻ, lũ con nít cũng được, người Kinh người Thượng đều được, cả bà con người Lào bên kia biên giới vượt rừng cả ngày trời cũng qua đây đập trống.

 

Mọi người vừa đập trống vừa vui vẻ hô to: “Roa lữ, Roa lữ, Giàng ơi” (Sướng quá, vui quá, trời ơi). Cứ thế, tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng vang vọng, những bước chân người tham dự cứ thế ngả nghiêng theo điệu nhảy.

 

Người Ma Coong quan niệm, năm nào trống đánh vỡ càng sớm bao nhiêu thì năm đó dân làng càng gặp được nhiều may mắn bấy nhiêu. Mặt trống được đập thủng là thể hiện sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng. Vì thế, trống được đánh liên tục cho đến khi thủng ở hai mặt trống mới thôi.

 

Già làng chủ trì phần lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng yên vui.

 

Và một “đêm ngoại tình” hợp pháp

 

Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã liên hồi, những trai, những gái liếc mắt đưa tình, cùng nhau nhảy múa, ngất ngây với điệu nhạc, chuếnh choáng với men rượu hiêng, rượu cần và chờ đợi đến lúc trống vỡ để được cầm tay, níu áo, dắt díu nhau đi xuyên qua bóng tối, đến những gốc cây, hốc đá, đến bên những cành cây nghiêng ra con suối Aky để tình tự.

 

“Đối với người Ma Coong, đêm nay là “đêm trời cho”, “đêm ngoại tình” được Giàng cho phép, trai gái yêu không kể già kể trẻ, có gia đình hay chưa, không kể là người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong bản hay ngoài bản, kể cả những vị khách từ nước bạn Lào đều có thể dắt díu nhau đến những nơi chỉ có hai người để tình tự, để thổ lộ những điều thầm kín, trao nhau những giây phút ngây ngất trong men tình” - Già làng Đinh Xon chia sẻ.

 

Trong đêm lễ hội đập trống của người Ma Coong, những sơn nữ trẻ diện những bộ váy mới nhất, cũng son phấn, cũng nước hoa ngào ngạt cười đua tươi tắn, liếc mắt đưa tình, còn những thanh niên trai tráng thì say sưa theo tiếng trống, tiếng chiêng, trong hương say của rượu hiêng, rượu cần.

 

Đến khi men nồng chếnh choáng, thanh niên trai tráng dồn hết sức lực chen nhau vào đập trống. Tiếng trống nghe như tiếng thở. Mỗi lúc một gấp gáp hơn, dồn dập hơn. Mặt trống rung lên bần bật.

 

Cả ngàn con mắt đổ dồn về phía mặt trống, và chờ đợi giây phút trống thủng để đôi lứa được tự do yêu đương, tự do hò hẹn, tự do chọn cho mình một nửa để cùng tỏ tình, cùng quấn quít lả lơi trong đêm lễ hội ngây ngất này.

 

“Đêm nay mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ai cũng đẹp, cũng xinh. Hy vọng hôm nay mình sẽ tìm được người mình thương để cùng nhau hò hẹn” - Chị Y My bẽn lẽn tâm sự.

Đêm nay, chỉ có đôi lứa mới được hưởng niềm vui. Ai chưa có cặp, có đôi sẽ tìm đến nhau. Những người đang yêu nhau đợi lễ hội này để đốt cháy tình yêu.

 

Còn những “người của ngày xưa” chưa đến được với nhau thì đêm nay họ sẽ tìm nhau… Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu.

 

Một đêm không có ghen tuông, không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa… Cho đến sáng mai, khi con gà đã thức dậy gáy vang rừng thì họ mới bịn rịn rời nhau trở về.

 

Những người trẻ hơn thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái để đặt lễ trầu cau. Khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội đập trống của người Ma Coong kết thúc.

 

Cũng trong những đêm lễ hội tình yêu này, nhiều cặp đã bén duyên nhau bền chặt, sinh con đẻ cái hạnh phúc bên mái ấm của mình. “Năm đó mình 18 tuổi, trong lần đến lể hội đập trống chơi, mình thấy Y My xinh lắm nên rất ưng cái bụng.

 

Sau khi đợi trống vỡ, mình vội chạy nhanh đến chỗ Y My nắm chặt tay kéo chạy về phía con suối để tỏ tình. Và thật may mắn là được Y My đáp lại tình cảm. Sau đêm ấy, mình và Y My đã quyết định đến với nhau” - Anh Đinh Vai (trú tại bản Cà Roòng 1) nhớ lại.

 

Chia tay bản Cà Roòng khi sương núi vẫn còn phủ mờ trên các bản. Tiếng trống vẫn cứ văng vẳng bên tai. Không khí của lễ hội đập trống không chỉ đọng lại trong tâm chí của người dân bản địa và cả những người khách như chúng tôi như một lời nhắc nhở hẹn hò cho một mùa trăng năm sau trở lại.

 

Skcs.vn (Theo laodong.com.vn)

Các tin khác