Cây xanh đổ vào người có được bồi thường thiệt hại
Hàng năm, mỗi khi mùa mưa bão về, hình ảnh hàng trăm cây xanh trên các tuyến phố bi bật gốc và gãy, đổ lại xuất hiện, hàng chục ô tô, xe máy bị cây đè lên bẹp dúm, thiệt hại lớn cho chủ sở hữu. Không chỉ bị thiệt hại về tài sản, tình trạng cây xanh gãy, đổ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người đi đường. Trước thực trạng trên nhiều người dân không khỏi thắc mắc ai sẽ chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nặng nề này. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc đó.
“Về nguyên tắc, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 đã có các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… của cá nhân hoặc pháp nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Ở đây, yếu tố lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Luật sư Lưu Hải Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích.
Cùng chung quan điểm với Luật sư Vũ, Luật sư Trịnh Ngọc Thành (Công ty Luật Dân Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) giải thích thêm: “Qua đợt mưa bão vừa qua ở Hà Nội, dọc các tuyến phố có rất nhiều cây to bị gãy, đổ đột ngột gây thiệt hại cho người đi đường. Trong trường hợp này, chủ sở hữu của những hàng cây xanh thông thường là Nhà nước; còn bên chịu trách nhiệm trông coi quản lý là Công ty cây xanh và môi trường đô thị Hà Nội”.
Điều 626 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Theo quy định này, chủ sở hữu là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong trường hợp cây xanh gãy đổ gây chết người và hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, khi đề cập đến trách nhiệm của mình, lãnh đạo các đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh lại cho rằng họ chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố và thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng?.
Theo lý giải của Luật sư Thành, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (quy định tại Điều 161 BLDS 2005).
“Một sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các yếu tố sau: Phải xảy ra một cách khách quan; các chủ thể liên quan không lường trước được, họ không thể biết trước về sự kiện gây thiệt hại sẽ xảy ra; khi sự kiện xảy ra, các chủ thể đã áp dụng mọi biện pháp khả năng cho phép để hạn chế thiệt hại. Chẳng hạn như lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, sóng thần… là những yếu tố tự nhiên mà con người không kiểm soát được. Nhưng nếu bão tố đã được dự báo từ trước mà các chủ thể không có biện pháp khắc phục phù hợp thì không được coi là sự kiện bất khả kháng”, Luật sư Thành bình luận.
Từ những căn cứ này, Luật sư Thành cho rằng, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Đề cập đến trách nhiệm cũng như nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Luật sư Thành cho biết: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Mức độ thiệt hại xảy ra được xác định tại các Điều 608, 609, 610 BLDS 2005.
Cụ thể mức độ thiệt hại về tài sản bao gồm: thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng; thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...; thiệt hại về tính mạng…
Ngoài ra, người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe còn được bồi thường thiệt hại về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với tính mạng và không quá 30 tháng lương tối thiểu nếu gây thiệt hại về sức khỏe.Trường hợp không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thì người bị thiệt hại hoặc gia đình nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường.
Bên cạnh đó, trước một câu hỏi khác được nhiều người đặt ra đó là, nếu xảy ra chết người do cây đổ, cột điện đổ thì có thể khởi tố hình sự được không? Và nếu được, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự cụ thể ở đây là ai?
Trước câu hỏi này, Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trường hợp này không khởi tố được bởi ở đây, việc đổ cây hay đổ cột điện nếu gây chết người là do thiên tai chứ không phải do lỗi cố ý của con người.Luật sư Hòe phân tích, việc quy trách nhiệm chủ sở hữu cây xanh ở Bộ luật Dân sự hiện nay không dễ để cho người dân khởi kiện vì chủ sở hữu không phải là một đối tượng, đơn vị cụ thể. Nếu trong trường hợp cây nhà ông A đổ vào nhà ông B gây thiệt hại thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và có thể truy cứu trách nhiệm vì chủ sở hữu đã được xác định cụ thể. Nhưng ở đây khái niệm “nhà nước” quá rộng để người dân đòi bồi thường.
Ông Hòe lý giải thêm, việc người dân tiến hành khởi kiện hoặc đòi bồi thường từ việc cây xanh bị đổ gây thiệt hại là rất khó vì thực tế như cơn bão vừa qua sẽ được xếp vào trường hợp thiên tai là trường hợp bất khả kháng, không có căn cứ để cho rằng các cơ quan hữu quan đã thiếu trách nhiệm.
Trước thực trạng có luật liên quan đến bồi thường khi cây xanh gẫy đổ gây thiệt hại cho người dân nhưng khi thực thi lại rất khó vì đến nay Bộ luật Dân sự sửa đổi hiện vẫn đang được Quốc hội xem xét, thảo luận, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, chỉ khi nào bổ sung một số điểm cụ thể hơn nữa về khái niệm chủ sở hữu cây xanh trên đường phố, người dân mới có thể đòi bồi thường.
Đồng quan điểm này, luật sư Trương Quốc Hòe nhận định, đến thời điểm hiện tại, để đòi bồi thường từ thiệt hại liên quan đến cây xanh gãy đổ, người dân chỉ còn cách chờ Bộ luật Dân sự bổ sung, sửa đổi mới có thể khởi kiện nếu cần. Còn ở thời điểm hiện tại, về mặt căn cứ pháp luật có khởi kiện cũng không dễ thực thi.
Tổng hợp
Các tin khác
-
Bảng Tra cứu TUỔI NGHỈ HƯU và THỜI ĐIỂM NGHỈ HƯU theo luật lao động mới từ 2025
Từ 7/1 năm 2025, người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ có độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam và lao động nữ sẽ như thế nào theo luật lao động mới áp dụng. -
Tối ưu nguồn năng lượng để bảo vệ môi trường
Với tốc độ phát triển chung trên thế giới hiện nay, nhu cầu về năng lượng là rất lớn, rất quan trọng. Nhưng việc khai thác, sử dụng và biến đổi năng lượng cũng là một yêu tố tác động xấu đến môi trường. -
Điều kiện, giấy tờ cần có để lên máy bay từ ngày 10/10
Sau khi bàn bạc thống nhất các phương án, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT về quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở hành khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 hạn chế lây lan. -
Hà Nội cho phép thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại, thời trang, hóa mỹ phẩm
Từ ngày 28/9, UBND Hà Nội cho phép người dân thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người. Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa. -
Quy trình cấp giấy đi đường tại Hà Nội từ ngày 6/9 theo hướng dẫn của Công An Tp Hà Nội
Từ ngày 6/9 tại Hà Nội, có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường tại "vùng đỏ", là nơi tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. -
Danh sách số điện thoại hỗ trợ nhu yếu phẩm tại TP.HCM
Những người lao động có hoàn cản khó khăn cần hỗ trợ về các nhu yếu phẩm thiết yếu có thể liên hệ tới các số điện thoại các Trung tâm an sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh -
Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Chỉ thị 10 của TP Hồ Chí Minh trong dịch COVID-19
Sự khác nhau giữa Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào? -
Khủng khiếp: Đồ chơi LEGO có thể tồn tại 1.300 năm dưới đại dương
Nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Ô nhiễm môi trường vào ngày 29/2/2020, tập trung vào những viên nhựa của bộ đồ chơi LEGO trôi dạt vào bờ biển phía Tây Nam nước Anh. -
Quản lý và xử lý chất thải rắn
Xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam hiện nay có một số mô hình: đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh, chôn lấp, điện khí hóa và đốt rác thông thường.