Vĩnh biệt NSƯT Ngọc Phan cây đại thụ của dân ca và chèo

5/23/2017 4:35:20 PM
Theo thông tin từ gia đình nghệ sĩ cho biết, NSƯT Ngọc Phan đã đột ngột qua đời vào chiều 22/5 khiến cho những người yêu mến tiếng sáo trúc, những làn điệu chèo, dân ca của ông không khỏi bàng hoàng, thảng thốt. 

 

Theo thông tin từ gia đình nghệ sĩ cho biết, NSƯT Ngọc Phan đã đột ngột qua đời vào chiều 22/5 khiến cho những người yêu mến tiếng sáo trúc, những làn điệu chèo, dân ca của ông không khỏi bàng hoàng, thảng thốt. Vẫn biết sinh, tử là lẽ thường của đời người nhưng trước giờ phút sinh ly tử biệt vẫn thấy lòng nhói đau. Lễ viếng NSƯT Ngọc Phan diễn ra từ 7h đến 9h ngày 25/5 tại Nhà tang lễ BV Thanh Nhàn, Hà Nội.

Những thành tựu nổi bật của NSƯT Ngọc Phan

NSƯT Ngọc Phan tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Phan. Ông sinh ngày 10/1/1938, nguyên quán Kiến An, Hải Phòng. Năm 1956, ông trúng tuyển vào khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 1959, ông ra trường và được ba đơn vị tuyển về đó là Tổng cục Chính trị, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa Trung ương. Cuối cùng ông quyết định làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và gắn bó với Đài TNVN cho đến khi nghỉ hưu năm 1991. Suốt 20 năm qua, ông là phó chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Đài TNVN.

Cả cuộc đời gắn bó với cây sáo cũng như làn sóng phát thanh, Ông là một trong những nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên, năm 1984, Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh, nhiều Huy chương Vàng, Bạc cho biểu diễn Sáo Trúc tại các kì Hội diễn Nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Người phát minh ra cây sáo 10 lỗ

Không chỉ học Sáo trúc, từ những năm 1960, Ngọc Phan còn nghiên cứu tìm hiểu các loại sáo của đồng bào các dân tộc ít người, đó cũng là nguồn chất liệu quý giá cho những sáng tác của Ông sau này. Đặc biệt, ông đã có công mở rộng âm vực cho cây Sáo trúc, đó là thêm 5 âm cao và một âm trầm và hoàn thiện cây Sáo Trúc sáu lỗ thành mười lỗ. Cây sáo được dùng chính hiện nay trong việc diễn tấu bài bản cổ và các tác phẩm mới sáng tác cho Sáo Trúc.

Song hành với các công việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngọc Phan còn tham dự các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong nước và quốc tế, được mời giảng dạy, đào tạo môn Sáo trúc cho các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp hay các đoàn nghệ thuật, trung tâm âm nhạc... Trong đó, nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam đã trưởng thành từ bàn tay tài ba của NSƯT Ngọc Phan như NSƯT Tiến Vượng (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), NSƯT Đinh Linh (Đoàn Ca múa Bông Sen - TP. Hồ Chí Minh), Vũ Thanh Hương (giảng viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội)...

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam đã trưởng thành từ bàn tay tài ba của NSƯT Ngọc Phan

Với niềm đam mê âm nhạc, sáng tác, NSƯT Ngọc Phan còn cho ra đời những tác phẩm nhạc cụ dân tộc biểu diễn được giới chuyên môn đánh giá cao như tác phẩm "Nhớ về Nam" (sáng tác chung với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương), "Ngày hội non sông" (sáng tác chung với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương), "Mùa xuân biên phòng", "Tiếng sáo bản Mèo"...

Nghe tiếng sáo của Ông, nhiều người đã khóc vì xúc động, tiếng sáo lúc trầm, lúc bổng, khi réo rắt như tiếng nước chảy giữa rừng sâu, lúc lại hào hùng khí thế quật cường của dân tộc...Có thể nói, Ông đã sống, học tập và làm việc đến hơi thở cuối cùng vì nền nghề thuật nước nhà. Vĩnh biệt Ông, cây đại thụ của dân ca và chèo. Ông mất đi nhưng tiếng sáo của Ông sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Được biết, lễ viếng NSƯT Ngọc Phan được tổ chức từ 7 giờ đến 9 giờ sáng 25-5-2017 tại Nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn – TP Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9 giờ cùng ngày. Lễ hóa táng tại đài hóa thân hoàn vũ và an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Hải Yến

Các tin khác