Truy tìm thủ phạm đánh cắp hành lý tại các sân bay 'không thể là người ngoài'

6/11/2015 2:30:59 PM
Mất cắp hành lý tại các sân bay lớn của Việt Nam không đơn thuần là mất đi tài sản của khách hàng, cao hơn đó là hình ảnh quốc gia đối với bạn bè thế giới. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân để loại bỏ những “sâu mọt” này là vấn đề quan trọng...

 

 

Theo tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đang truy tìm thủ phạm ăn cắp hành lý của hành khách tại 3 sân bay quốc tế là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, trong đó không loại trừ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hàng hóa.

 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, vấn đề mất cắp hàng hóa, hành lý của hành khách đi máy bay đã xảy ra từ lâu và là tình trạng chung của cả thế giới. Tại Việt Nam, từ 12/2013 - 12/2014 ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản của hành khách và từ đầu 2015 đến nay đã tiếp nhận 23 vụ việc báo cáo mất tài sản.

 

Quy trình vận chuyển hàng hóa trong sân bay

 

Quy trình vận chuyển hàng hóa khi đi máy bay được thực hiện từ khâu hành khách làm thủ tục tại quầy xong, hành lý sẽ đi qua máy soi chiếu an ninh và chuyển xuống đảo hành lý (các công đoạn này đều tự động qua băng chuyền). Tại đảo hành lý, nhân viên mặt đất sẽ sắp xếp, phân loại hàng hóa, cho vào xe chuyên dụng để vận chuyển ra máy bay và xếp lên khoang hàng hóa của máy bay.

 

 

Tình trạng mất cắp hành lý tại các sân bay đang gia tăng

 

Ông Phương Hồng Minh - Phó Giám đốc Công ty dịch vụ mặt đất HGS - đặt ra nghi ngờ về việc moi móc hành lý có thể xảy ra lớn nhất ở hầm hàng tàu bay và khu vực phân loại hàng hóa “Các quy trình sắp xếp hành lý từ quầy làm thủ tục ra đảo hàng hóa, rồi đưa ra tàu bay thời gian rất ngắn, lại có camera giám sát, nhiều người nên khó thực hiện được”.

 

Kết quả kiểm tra và ý kiến của các cơ quan chức năng

 

Trong buổi kiểm tra của Cục Hàng không tại sân bay Nội Bài hôm qua (10/6), các đơn vị khai thác mặt đất đều khẳng định đã rà soát và đảm bảo nhân viên của mình tốt, các đơn vị này đều áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhưng việc mất cắp vẫn xảy ra!?

 

Trước sự báo cáo giải thích của các đơn vị mặt đất, Phó Cục trưởng Đào Văn Chương (phụ trách về an ninh hàng không) tỏ thái độ không đồng tình và đặt ra câu hỏi có hay không sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với việc mất hành lý, hàng hóa? Các đơn vị đều cho rằng tuyển dụng người có nhân thân tốt, phẩm chất tốt nhưng có thể do môi trường làm việc nên đã tạo điều kiện cho nhân viên có hành vi không tốt.

 

Trả lời về vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm An ninh cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, không loại trừ có sự móc nối giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp hàng hóa trong việc trộm cắp hành lý của hành khách. Trong 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện bàn giao 996 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự hàng không, trong đó bao gồm cả trộm cắp hàng hóa, hành lý.

 

“Chúng tôi đã xác định, người ngoài không thể vào khu vực sân bay để trộm cắp hành lý, chỉ có nội bộ. Thời gian qua chúng ta cũng phát hiện một số vục việc nhưng xử lý không đến nơi đến chốn, rồi có khi lại động chạm nên không triệt để. Chúng tôi đang lên kế hoạch phối hợp giữa 16 đơn vị liên quan để giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng này”.

 

Trách nhiệm thuộc về hãng hàng không

 

Theo Cục phó Cục Hàng không Đào Văn Chương, nếu hành khách bị mất cắp hành lý, khi chưa truy được thủ phạm cụ thể là ai, thuộc đơn vị nào thì hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc chặn đứng mất cắp hành lý hàng không chỉ là hình ảnh Việt Nam đến với hành khách và bạn bè trên thế giới mà còn là điểm đến tin cậy cho bạn bè quốc tế.

 

Vì vậy, việc mất cắp hành lý của khách hàng chỉ do “nội bộ” thực hiện, những người có nhiệm vụ trực tiếp ở bộ phận vận chuyển mặt đất và các khâu liên quan chứ không thể là người ngoài được.

 

Hải Yến - Skcs.vn

Các tin khác