Thành phố thông minh sẽ được xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh

7/26/2016 10:09:49 AM
Với mong muốn đưa TPHCM trở thành một thành phố hiện đại vươn tầm với thế giới, mới đây lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cùng các Sở, ban ngành thành phố đã quyết định đưa TPHCM trở thành thành phố “thành phố thông minh” (Smart City).

 

Với mong muốn đưa TPHCM trở thành một thành phố hiện đại vươn tầm với thế giới, mới đây lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cùng các Sở, ban ngành thành phố đã quyết định đưa TPHCM trở thành thành phố “thành phố thông minh” (Smart City).

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành “thành phố thông minh” (Smart city) với 4 mục tiêu cơ bản: thúc đẩy phát triển kinh tế; môi trường sống tốt hơn; người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát chính quyền. Theo ông Phong, người dân sẽ là “cảm biến” phản hồi thông tin góp ý cho chính quyền trong quá trình xây dựng “thành phố thông minh” trong 10 năm tới.

“Xây dựng thành phố thông minh là một đề tài rất nóng đối với một thành phố có dân số gia tăng nhanh và đòi hỏi tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP Hồ Chí Minh. Trước mắt, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh do đồng chí Bí thư Thành ủy thành phố đứng đầu. Điều này cũng cho thấy quyết tâm rất mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ thành lập Ban điều hành xây dựng thành phố thông minh do đồng chí Chủ tịch UBND TP đứng đầu. Sau đó, thành phố sẽ tiến hành xây dựng đề án để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh vào năm 2025”.

Bốn nội dung cần hướng đến khi xây dựng Thành phố thông minh là, phát triển bền vững, môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn, chất lượng sống được ngày càng được nâng lên, người dân được tham gia giám sát chính quyền thành phố. Về cơ sở dữ liệu, ông Phong nhấn mạnh thành phố sẽ tích hợp những dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin có sẵn hiện được từng ngành xây dựng. Trên cơ sở đó, cái cần thiết trước mắt là sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các lĩnh vực bởi hiện nay cơ sở dữ liệu tổng hợp của thành phố còn yếu kém, hạn chế.

Về hạ tầng mạng, sắp tới thành phố sẽ ký kết một hợp đồng hợp tác với VNPT để doanh nghiệp này cùng tham gia xây dựng đề án thành phố thông minh. Hiện nay, VNPT có sẵn hạ tầng công nghệ thông tin, có nguồn lực, kinh nghiệm.

Về lộ trình thực hiện, Tổng giám đốc VNPT cho rằng, mục tiêu TP Hồ Chí Minh đưa ra trong 10 năm tới sẽ trở thành thành phố thông minh là hoàn toàn khả thi. Muốn vậy, TP Hồ Chí Minh cần phân ra hai giai đoạn thực hiện. Trước mắt trong 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện các chương trình giao thông thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh… để giải quyết các hạn chế, bức xúc của người dân như tình trạng kẹt xe, ngập nước, y tế… Sau đó, trong các năm tiếp theo tùy theo nhu cầu của thành phố mà thực hiện các bước làm thành phố càng thông minh hơn.

Những tiện ích mà người dân được hưởng khi thành phố trở thành thành phố thông minh sẽ gồm: dịch vụ chính quyền điện tử, hệ thống camera kiểm soát giao thông thông minh có khả năng nhìn đêm và cảm nhiệt, hệ thống đậu xe thông minh, quản lý lưới điện, quản lý nguồn nước sạch, giám sát môi trường, quản lý rác thải, e-learning …

Theo thống kê, tính đến năm 2013 trên thế giới có 20 thành phố được chứng nhận đạt chuẩn là thành phố thông minh và đến năm 2015 con số này lên đến 30 thành phố và dự kiến đến năm 2025 trên thế giới sẽ có 90 thành phố được chứng nhận là thành phố thông minh.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết cần phải lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về đề án xây dựng thành phố thông minh bởi đối tượng chịu tác động chính là người dân, doanh nghiệp.Ngoài ra, thành phố cũng sẽ kêu gọi các nguồn lực trong xã hội (xã hội hóa) để cùng phát triển đề án xây dựng thành phố thông minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nhiều sở ngành như Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin – truyền thông, Sở Y tế… đã áp dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày. Tuy nhiên việc này còn mang tính chất riêng lẻ, nếu biết kết nối lại sẽ là nguồn lực quan trọng để xây dựng Thành phố thông minh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết thành phố thông minh (Smart City) là thành phố được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin kết hợp với sự thân thiện của môi trường. Để có được sản phẩm tốt cho TP HCM  không đơn giản, VNPT sẽ kết hợp với Microsoft xây dựng nền tảng của một thành phố thông minh. Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn với công nghệ mới nhất. Đây là sản phẩm mở, trong tương lai sẽ nâng cấp cho phù hợp với thực tế để tránh lãng phí trong đầu tư.

Được biết, lộ trình công việc cụ thể sẽ được ban điều hành triển khai ngay với sự tham gia của lãnh đạo các sở ngành cùng đại diện tập đoàn VNPT và các chuyên gia của Microsoft “Thành phố sẽ đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành Thành phố thông minh. Từng giai đoạn đến năm 2018, năm 2020 sẽ có kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cụ thể”.

Tổng hợp

Các tin khác