Ô tô nhập khẩu có dễ đổ bộ vào Việt Nam sau 2018?

6/11/2015 11:58:59 AM
Ô tô nhập khẩu không dễ thâm nhập vào thị trường Việt Nam sau 2018 bởi muốn được hưởng mức thuế suất 0%, ô tô từ khu vực ASEAN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ, hàm lượng sản xuất tại ASEAN theo quy định.  

 

 

Ông Hà Duy Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay, theo các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký, chỉ có thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về mức 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, chuyện ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam từ năm 2018 được ông Tùng cho là “không dễ dàng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

 

Giải thích điều này ông Tùng cho hay, “Hiện tại trong ASEAN có Thái Lan đầu tư lớn về ô tô. Tuy nhiên, nhiều chủng loại ô tô được sản xuất tại Thái Lan không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ nếu muốn xuất khẩu hưởng thuế 0% của ASEAN. Bởi vậy thời gian tới, chuyện tận dụng ưu đãi thuế quan ASEAN để xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam, hưởng thuế 0% còn phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư có bỏ thêm tiền đầu tư để đáp ứng được yêu cầu xuất xứ theo quy định”, ông Tùng nhận xét và cho hay, sẽ có sự gia tăng về ô tô nhập khẩu nhưng chuyện nhập khẩu ồ ạt thì không.

 

 

Hiện tại, việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam đều do chính các công ty con của những tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Ford, Nissan đang hiện diện ở Việt Nam đảm nhiệm. Do vậy phải tuân thủ quy định của hãng mẹ trong việc đưa mẫu xe nào, giá cả bao nhiêu về thị trường Việt Nam.

 

Việc nhập khẩu xe từ Thái Lan về Việt Nam bởi các công ty thương mại trong nước được xem là không thể. Nguyên do, tay lái trên ô tô ở Thái Lan đối nghịch với tay lái ở Việt Nam. Vì thế mua xe đã bán ra thị trường Thái Lan để mang về tiêu thụ ở Việt Nam là không tưởng. Chuyện đặt hàng theo yêu cầu tay lái của Việt Nam với các nhà sản xuất tại Thái Lan, rồi sau đó xuất khẩu vào Việt Nam cũng là viển vông với các công ty thương mại không được các hãng ô tô lớn chỉ định.

 

Ngoài mức thuế nhập khẩu ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi từ ASEAN về là 0% vào năm 2018, các FTA khác đều không cam kết hạ thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chở người về 0% vào thời điểm này.

 

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, với FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, chỉ có 2 loại ô tô sẽ giảm thuế. Đó là xe 4 bánh chủ động được thiết kế chủ yếu để chở người, dung tích động cơ trên 3.0L, có mã HS 87032451 sẽ cắt giảm thuế suất từ 68% năm 2016 về 0% vào năm 2025. Với ô tô có mã HS 87042259, có tổng trọng tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn sẽ có thuế suất 30% vào năm 2016 và về 0% vào năm 2025. Còn lại các ô tô loại ô tô khác, Việt Nam không cam kết giảm thuế nhanh hơn so với cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Với Trung Quốc, theo FTA ASEAN – Trung Quốc, ô tô chở người sẽ cắt giảm thuế quan xuống mức 50% vào năm 2018.

 

Tại FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, ô tô nguyên chiếc chở người và xe tải cũng phải tới năm 2025 mới được xóa bỏ thuế.

 

Các FTA khác giữa ASEAN với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc - New Zealand hay Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê cũng không cam kết cắt giảm thuế quan với ô tô nguyên chiếc nhanh hơn so với cam kết WTO.

 

Trước đó, cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO là các loại ô tô chở người có thuế suất 70% vào năm 2014. Riêng với loại xe chở người có dung tích xy lanh từ 2.5L trở lên sẽ có thuế suất 52% vào năm 2019. Còn xe 2 cầu chỉ cam kết giảm thuế về mức 47% vào năm 2017. Sau các mốc thời gian cam kết nói trên, thuế nhập khẩu ô tô chở người không tiếp tục giảm.

 

Như vậy, các loại xe cao cấp, có giá trị lớn như Lexus, Mercedes-Benz, BMW, Audi, Land Rover, Jaguar hay siêu xe như Rolls Royce, Bentley, Lamborghini, Ferrari đang nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu hay từ Mỹ đều không thuộc các nước và khu vực có cam kết cắt giảm thuế quan nhanh với Việt Nam, nên cơ hội đổ bộ dồn dập là không dễ.

 

Trong đánh giá của mình, Bộ Tài chính cũng cho hay, việc giảm dần mức thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc đã góp phần làm nguồn cung về xe trở nên phong phú hơn với sự tham gia của nhiều chủng loại xe nhập khẩu.

 

Ngoài ra, việc duy trì thuế suất thuế nhập khẩu cao với ô tô chở người (cả mới và cũ, trong suốt thời gian dài, không giảm nhanh hơn cam kết WTO) và xe tải đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2000 – 2012 là 20% và góp phần hạn chế nhập siêu.

 

Skcs.vn (Theo doanhnhansaigon)

Các tin khác