Một số hình phạt tăng lên từ 1/8 đối với người vi phạm các lỗi sau

7/25/2016 4:03:33 PM
Từ ngày 1/8/2016 nghị định 46 (nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) chính thức có hiệu lực. 

 

Từ ngày 1/8/2016 nghị định 46 (nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) chính thức có hiệu lực. Trong đó có hơn 100 hành vi và nhóm hành vi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt.

So với các Nghị định hiện hành, Nghị định 46 quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ bị tăng gần gấp đôi hoặc hơn mức phạt cũ.

Về lỗi vi phạm hiệu lệnh :  người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt đến 2 triệu đồng. Theo nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Về nhóm vi phạm về nồng độ cồn: người điều khiển ôtô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng. Đối với người đi môtô vi phạm lỗi này, mức phạt cao nhất tăng từ tối đa 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 5 tháng (mức cũ 2 tháng).

Vi phạm về tốc độ : người điều khiển ôtô vượt quá tốc độ quy định có thể bị phạt đến 8 triệu đồng, tương đương mức phạt cũ. Tuy nhiên, người vi phạm bị tước giấy phép lái xe đến 5 tháng. Người điều khiển xe môtô chạy vượt quá tốc độ quy định trên 20 km, có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng.

Vi phạm trên đường cao tốc : Nghị định 46 quy định việc tăng mức xử phạt lên gấp đôi hoặc cao hơn đối với hành vi vi phạm. Theo đó, người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định trên đường cao tốc về dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều có thể bị phạt đến 6 triệu đồng...

Nhiều quy định mới xuất hiện :

 So với các quy định cũ, Nghị định 46 đề ra nhiều chế tài xử phạt mới đối với các lỗi vi phạm.

Bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng.

Cá nhân ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.

Với hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức vi phạm.

Các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.

Người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000 - 80.000 đồng).

Đáng chú ý, từ 1/1/2017, người điểu khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này.

Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.

Đối với trường hợp người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 300.000 – 400.000 đồng, theo quy định tại điểm g, khoản 4, điều 6, Nghị định 46.

Đi xe trên vỉa hè bị phạt đến 1,2 triệu đồng

Trường hợp điều khiển ô tô đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 5 Nghị định 46.

Trường hợp lái xe qua vỉa hè để vào nhà, nơi làm việc sẽ được miễn trừ.

 So với Nghị định 171/2013/NĐ-CP hành vi điều khiển xe trên vỉa hè không có quy định xử phạt, thì Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8 sẽ có mức xử phạt khá cao đối với hành vi này.

Trong trường hợp, nếu đi xe trên vỉa hè gây tai nạn thì lái xe còn chịu thêm hình phạt bổ sung là tịch thu giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Việc xe máy, ô tô leo vỉa hè để đi lại là hành động thường thấy ở các thành phố lớn khi gặp ùn xe, đèn đỏ… gây nguy hiểm cho người đi bộ và trẻ em, gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt còn ảnh hưởng đến kết cấu vỉa hè.

Tổng hợp

Các tin khác