Lộ trình quy định tiêu chuẩn khí thải cho xe máy

7/23/2016 8:30:29 AM
Dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được thực hiện trước tại 5 thành phố lớn với mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm.

 

Dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được thực hiện trước tại 5 thành phố lớn với mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại địa phương.

Thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các thành phố lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, 70-90% ô nhiễm không khí đô thị là từ các hoạt động giao thông vận tải, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt. Một tính toán tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chỉ ra, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% Hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxit (CO); 57% ôxit Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Như vậy, với số lượng xe máy đang sử dụng tham gia giao thông hiện nay, đó sẽ là nguồn chính thải ra các chất gây ô nhiễm.

Để giải quyết tình trạng trên, dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy đã được đưa ra để tính toán sơ bộ về mức phí kiểm tra khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm. Đây là mức chi phí không lớn so với chi phí nhiên liệu hàng năm.

Trước đó, vào tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố nhưng đến nay đề án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Lý giải điều này, cơ quan soạn thảo dự thảo Đề án là Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân như việc kiểm tra khí thải xe máy là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều thành phần xã hội; chưa có căn cứ pháp lý đủ mạnh và chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền...Theo Cục Đăng kiểm việc thu phí trực tiếp từ người dân có thể gây bức xúc vì người sử dụng xe máy đa số là người có thu nhập chưa cao. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị hỗ trợ cho việc kiểm tra khí thải từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu dựa trên số lượng xe được kiểm tra khí thải. Theo đó, có thể đưa ra cơ chế để người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng như kinh nghiệm của Đài Loan hay nguồn kính phí được cấp theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, phía Cục Đăng kiểm nhìn nhận, các đại lý được ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp là lực lượng chính tham gia thực hiện kiểm tra khí thải xe máy vì số lượng các đại lý được ủy quyền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm tra khí thải. Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng 5 nhà sản xuất xe môtô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước, riêng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) là 529 đại lý sẽ đủ kiểm định khí thải cho 8,7 triệu xe máy vào năm 2022.

Dự thảo Đề án cũng đề xuất không thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy trong 5 năm đầu sử dụng như kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ... bởi xe còn tương đối mới, đã được kiểm tra lần đầu lúc xuất xưởng hoặc nhập khẩu và được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất.

Cũng theo Đề án, việc kiểm tra khí thải xe máy nên được thực hiện tập trung trước mắt tại các thành phố lớn, trực thuộc Trung ương - nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khác chủ động, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải công bố lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại địa phương. Ngay tại các thành phố lớn, trực thuộc Trung ương cũng cần phải có thời gian chuẩn bị cần thiết ít nhất là 5 năm để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền vận động dân.

Theo dự kiến từ nay đến 2020 sẽ triển khai kiểm tra khí thải xe máy có dung tích xi lanh động cơ từ 175 cm3 trở lên tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, phí, lệ phí thực hiện kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy.

Tổng hợp

 

 

 

 

 

 

Các tin khác