Cây đổ ngổn ngang sau bão có phải do tuổi đời?

7/29/2016 11:32:50 PM
Mặc dù mới chỉ là cơn bão đầu tiên của năm 2016, nhưng cơn bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) vừa quét qua nước ta đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.Theo số liệu thống kê tạị Hà Nội có tới hơn 1000 cây xanh bị gẫy đổ.

 

Mặc dù mới chỉ là cơn bão đầu tiên của năm 2016, nhưng cơn bão số 1 (tên quốc tế là Mirinae) vừa quét qua nước ta đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.Theo số liệu thống kê tạị Hà Nội có tới hơn 1000 cây xanh bị gẫy đổ làm hàng chục phương tiện bị hư hỏng, nhiều người bị thương gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Thiệt hại của cơn bão số 1 gây ra cho Hà Nội

Chiều 28.7, theo tin từ Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), địa bàn 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng đã có 565 cây bị gãy, đổ. Sau bão, hơn 800 công nhân cùng 86 xe cơ giới đã được đưa ra hiện trường, thu dọn trên 126 tấn rác và cành cây gãy.

Tương tự,theo số liệu được thống kê đến cuối giờ chiều cùng ngày của Thanh tra Giao thông Hà Nội và Điện lực Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.110 cây xanh bị gãy, đổ; 14 biển báo giao thông; 2 hộp đèn quảng cáo gãy đổ ra lòng đường, vỉa hè, dải phân cách gây cản trở giao thông; 29 trạm biến áp bị ảnh hưởng cùng 90 vị trí cột điện trung, hạ thế bị nghiêng hoặc gãy, đổ.

Nghiêm trọng hơn, các vụ cây đổ lại là nguồn cơn của nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Tại phố Núi Trúc, 1 cây xà cừ đường kính 100cm đổ ngang đường đè vào 1 xe ôtô 7 chỗ. Tại phố Ngọc Hà, 1 cây đường kính 50cm đổ ra đường giao thông đè lên xe ôtô bán tải. Tại đường Hai Bà Trưng, 1 cây xanh đổ ra đường giao thông đè lên 1 xe ôtô 5 chỗ. Tại ngã tư Trần Thánh Tông - Trần Hưng Đạo, 1 cây xanh đổ đè lên 1 xe 5 chỗ và tại phố Láng Hạ, 1 cây đường kính 30cm đổ đè lên 1 xe 5 chỗ. Đặc biệt, trong số những cây xanh bị gãy, đổ, có không ít những cây dù đã lớn nhưng vẫn còn nguyên vỏ bầu bọc rễ, hoặc mục rỗng, hoặc trồng rất nông… Phượng vỹ cũng là một nhóm cây có lượng gãy đổ khá nhiều.

Cần phải quyết liệt từ gốc

Vào tháng 3 năm 2015 để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, công ty TNHH một thành viên công ty công viên cây xanh Hà Nội đã quyêt định chặt hạ 6700 cây xanh điển hình là đợt chặt xà cừ để thay thế bằng cây khác. Ngay lập tức người dân đã đưa ra ý kiến phản đối và cho rằng có doanh nghiệp đứng đằng sau việc chặt cây, doanh thu từ việc bán gỗ và mua cây mới lên đến hàng trăm tỷ đồng Tuy nhiên thành phố thì cho rằng các thông tin trên là không có cơ sở.

Rõ ràng việc thay thế cây xà cừ bằng cây khác an toàn và phù hợp với cảnh quan đô thị là hoàn toàn đúng nhưng thay bằng cây gì và thay như thế nào là 1 câu chuyện hoàn toàn khác.

Phượng vĩ cũng là một nhóm cây có số lượng đổ khá nhiều Hiện đang có 310 cây phượng vĩ được trồng mới và cũng không nhận đươc sự đồng tình từ người dân. Người dân cho rằng phượng vĩ có rễ nổi ăn ngang về lâu dài sẽ gây hư hỏng đường, rụng nhiều lá gây tắc cống, gỗ giòn mùa mưa dễ gẫy đổ vào người đi đường nhưng công ty TNHH một thành viên công ty công viên cây xanh Hà Nội lại không nghĩ như vậy.

TS Nguyễn Trọng Bình - Trưởng khoa Lâm học (Đại học Lâm nghiệp) - cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do mưa kết hợp với gió khiến nhiều cây xanh, tán lá bị gãy, đổ, thậm chí bật gốc. Nhiều cây đã không được cắt, tỉa thường xuyên. Mặt khác, trong quá trình xây dựng, làm rãnh, thi công… nhiều cây đã bị xén mất rễ, chặt đi các gốc nên phía bề mặt dưới mặt đất cây chịu sức nặng không đều, không có sự liên kết nên khi có gió những cây to rất dễ bị bật gốc. Những cây con mới trồng thì chỉ có bầu, chứ rễ chưa ăn sâu vào lòng đất nên không tránh khỏi tình trạng trên”. Do đó phải khắc phục từ gốc, khi trồng cây phải đào hố sâu, nếu chỉ đào 40-50cm rồi lại đổ cát chèn chặt thì rễ sẽ rất khó phát triển. Ngoài ra, ở các hố trồng cây (thường là trên vỉa hè) thường đã được lót lớp cát (cát lót khi làm vỉa hè), lớp cát đó không có độ bám nên cây dễ dàng bị lật.

Theo GS-TS Ngô Quang Đê - Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - bất cập lớn nhất hiện nay là việc trồng cây ở các tuyến đường Hà Nội thiếu sự góp ý của các chuyên gia cây xanh đô thị. Chúng ta muốn phát triển cây tốt phải tìm hiểu xem cây này phù hợp với đất nào, đất ở nơi đó ra sao... Tiếp đến thì quy trình trồng cây, chăm sóc, cắt tỉa đúng kỹ thuật đối với cây xanh đô thị để giảm thiểu tối đa rủi ro khi có gió mạnh.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng cây xanh bị gãy, đổ khi mưa bão, cần phải chú trọng hơn đến công tác cắt tỉa cây do công tác này tuy có được triển khai nhưng chưa thực sự cẩn thận, chi tiết. Đối với các cây mới trồng nếu cần thiết thì cũng phải khống chế chiều cao... Ngoài ra, để cho bộ rễ của cây đâm sâu và phát triển thì phải đào hố sâu, nhiều hố phải đào sâu 1m hoặc hơn 1m.

Cứ đến mùa mưa bão, người dân ra đường lại nơm nớp lo sợ gặp phải các “tai họa từ trên trời rơi xuống”. Vậy nên, việc chú trọng các vấn đề liên quan đến trồng cây, cắt tỉa cây trên các tuyến phố phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Tổng hợp

Các tin khác