Bán Tràng Tiền Plaza cho tư nhân: Nên hay không?

6/30/2017 5:04:08 PM
Để phát huy hết hiệu quả của Tràng Tiền Plaza, vừa qua Bộ Công Thương đã góp ý bán hết vốn nhà nước, tuy nhiên SCIC, Bộ Tài chính muốn nhà nước giữ 51% vốn tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza bởi nơi đây gắn liền với lịch sử của đất nước.

 

Để phát huy hết hiệu quả của Tràng Tiền Plaza, vừa qua Bộ Công Thương đã góp ý  bán hết vốn nhà nước, tuy nhiên SCIC, Bộ Tài chính muốn nhà nước giữ 51% vốn tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza bởi nơi đây gắn liền với lịch sử của đất nước. Vậy câu hỏi đặt ra là có nên bán hết cổ phần của nhà nước tại Tràng Tiền Plaza hay không?

Tỷ lệ cổ phần tại Tràng Tiền Plaza

Theo phương án bán vốn nhà nước được SCIC trình các cơ quan chức năng mới đây, SCIC đề nghị tiếp tục nắm giữ vốn tại 3 DN. Trong đó đề nghị giữ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC; nắm 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV khai thác và chế biến đá An Giang (UBND tỉnh An Giang cũng thống nhất phương án này).

Đối với Công ty TNHH MTV đầu tư thương mại Tràng Tiền - chủ trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, SCIC đang nắm 90% vốn điều lệ. Do DN có đặc điểm mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa đặc biệt của thủ đô Hà Nội, SCIC đề nghị thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại có ý kiến khác. Bộ Công Thương đề nghị thoái hết vốn nhà nước tại DN này do lĩnh vực kinh doanh thương mại nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Nên hay không thoái hết vốn tại Tràng Tiền Plaza?

Việc SCIC muốn tiếp tục nắm 51% vốn tại Tràng Tiền Plaza, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc bán vốn nhà nước tại công ty sở hữu Tràng Tiền Plaza chắc chắn có liên quan đến vấn đề hiệu quả hoặc người ta thấy thời điểm này chưa hợp lý muốn gia tăng giá trị để bán giá trị cao hơn.

Ông Tiến cũng cho hay Tràng Tiền Plaza nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh Nhà nước không cần nắm giữ, do đó đang trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét có cần nắm giữ vốn Nhà nước tại đây nữa hay không.

Theo đại diện Bộ Tài chính, vấn đề chính khi bán vốn Nhà nước của Tràng Tiền Plaza là đất bởi vị trí này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử. Do đó quan điểm của đại diện Bộ Tài chính là “việc bán nó phải hết sức thận trọng”. Không chỉ vậy, đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tuyên truyền cho nên ông Tiến lo ngại nếu “bán đứt đoạn cho Tây nhỡ họ dựng hình gì phản cảm thì không nên”.

Qua đó, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ: Nếu người mua có tâm tốt thì phát huy, bảo đảm được giá trị văn hóa dân tộc, nếu không sẽ phản cảm. Chỗ đó không thể treo những hình ảnh mang tính Tây hóa quá được.

Được biết, Tràng Tiền Plaza được Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài. Còn chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (SCIC sở hữu 90% và Tổng công ty Thương mại Hà Nội sở hữu 10% vốn điều lệ).

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Vietnamnet.vn)

Các tin khác