Bác sĩ vất vả lấy kim rơi trong mí mắt cô gái do sai sót trong thẩm mỹ

4/26/2018 11:16:36 AM
Thực tế phải thừa nhận nhiều chị em đột nhiên “tỏa sáng” sau phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nếu lựa chọn những cơ sở không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

 

Thực tế phải thừa nhận nhiều chị em đột nhiên “tỏa sáng” sau phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nếu lựa chọn những cơ sở không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Kim chui vào mí mắt sau phẫu thuật làm đẹp mắt

Theo thống kê, trong những năm qua, các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị sau phẫu thuật mí mắt. Có một điểm chung là các bác sĩ đã rất nhiều lần phải cất công kiếm tìm kim trong mắt bệnh nhân sau phẫu thuật làm đẹp hoặc "khâu nhấn mí mắt" tại các bệnh viện tư hay spa làm đẹp.

Ngày 23/4/2018, khoa Chấn thương của Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Vũ Thị L.24 bị chấn thương kim chui vào mắt sau phẫu thuật làm mí. 

Bác sĩ Cương người đã có thâm niên mổ nhiều loại chấn thương trực tiếp thăm khám, điều trị cho bệnh nhân cho biết mặc dù kíp trực đã phẫu thuật ngay nhưng vẫn không tìm được kim. Trong phim X- quang phải quan sát kỹ lắm mới thấy được lờ mờ cây kim dài chừng 5mm, đường kính khoảng 0,2 mm to đúng bằng chiếc lông mi nằm ở 1/3 trên ngoài hốc mắt, song song với cùng đồ kết mạc.

Bác sĩ Cương chia sẻ khi để vượt qua cửa ải này, các bác sĩ đều thấm mệt, căng thẳng và không phải lúc nào cũng thành công ngay từ cuộc mổ đầu tiên. Với bệnh nhân thì còn khổ hơn gấp nhiều lần bởi ngoài sự đau đớn là thất vọng, chờ đợi đến khắc khoải rồi mới thở phào khi lấy được kim ra.

Hầu hết, bệnh nhân đều cảm thấy ân hận, xấu hổ, bị người thân quở trách và nghiêm trọng hơn là có thể là tiền mất tật mang.

Khuyến cáo của chuyên gia

Xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp là chính đáng, tuy nhiên cả hai bên cung cấp dịch vụ và hưởng dịch vụ cần phải thận trọng. Dưới góc độ chuyên khoa, các bác sĩ cho biết làm đẹp khu vực mí mắt, kim thường dẻo, di động tốt có thể làm sát thương cho nhãn cầu, còn kim chế bằng hợp kim bắt nam châm rất kém nên đến khi mổ lấy kim cho bệnh nhân thì bản thân bác sĩ cũng rất "ngán ngẩm".

Bác sĩ Cương tâm sự "Chúng tôi phải tua lại trong đầu những hình ảnh và clip kỹ thuật khâu chìm, không có đường rạch của xu hướng tạo nếp mí phổ biến ở các nước châu Á… Tôi dự đoán kim thường bị mắc lại ở 1/3 trên sụn hay trong khoang giữa kết mạc, sụn và cơ Muller- vốn rất chật hẹp". Vì vậy, để lấy được kim chính xác cần phải mở lại đường mổ cũ, máu đã khô và thám sát bằng tay vì mắt không thấy kim đâu.

Theo kinh nghiệm, bác sĩ sẽ phải miết khẽ ở bờ trên sụn và túi cùng kết mạc mi trên để phát hiện gợn ở 1/3 ngoài. Lúc này, các bác sĩ sẽ dùng chỉ mi và vành mi đơn để nhìn rõ toàn bộ cùng đồ kết mạc. Vì vậy khi "nhìn thấy cây kim lấp ló kíp mở mừng như lấy được báu vật" bác sĩ Cương chia sẻ.

Qua đó khuyến cáo chị em khi đi làm đẹp, đặc biệt là những thủ thuật gần khu vực mắt cần đến những cơ sở có uy tín, có thẩm quyền, có giấy phép của các cơ quan ban ngành trong nước. Trường hợp có tai biến nên dừng phẫu thuật đúng lúc, tránh làm các động tác gây ảnh hưởng đến nhãn cầu và chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến cao hơn để được điều trị kịp thời.

Theo Soha.vn

Các tin khác