Năm 2016 các trường Đại học sẽ tự xét tuyển thí sinh?

10/22/2015 2:12:00 PM
Rút kinh nghiệm sau kỳ thi đại học năm 2015, sang kỳ tuyển sinh năm 2016, nhiều khả năng lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ cho phép các trường ĐH tự xét tuyển để nâng cao tính tự chủ và để hạn chế các thủ tục rườm rà cho thí sinh…

 

Rút kinh nghiệm sau kỳ thi đại học năm 2015, sang kỳ tuyển sinh năm 2016, nhiều khả năng lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ cho phép các trường ĐH tự xét tuyển để nâng cao tính tự chủ và để hạn chế các thủ tục rườm rà cho thí sinh…

 

Trong cuộc họp báo trước thềm năm học 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Phương hướng tuyển sinh năm tới là tăng tự chủ cho các trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ xác định xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm, làm thủ tục như vừa rồi".

 

Hạn chế sai sót trong quá trình tuyển sinh, nhập học

 

Theo thứ trưởng, năm 2015, Bộ quy định cấp 4 giấy báo điểm để hạn chế hồ sơ ảo, sử dụng phần mềm quản lý chung cũng để hạn chế "ảo". Trong hội nghị tuyển sinh vào ngày mai 22.10, Bộ và các trường sẽ bàn thảo giải pháp khi “thả” cho các trường tự xét tuyển, khi thí sinh được tự do đăng ký. “Nếu một em đăng ký 10 trường thì sẽ có 1 em trúng tuyển nhưng 9 em khác sẽ trượt. Bộ và các trường sẽ bàn bạc các biện pháp chống ảo khi áp dụng các giải pháp trên. Ví dụ như sẽ chia thành đợt xét tuyển của từng nhóm trường từ cao xuống thấp. Khuyến khích các trường tốp trên liên kết với nhau làm công tác tuyển sinh. Ví dụ như năm nay có thể thấy có khoảng 30 trường thu hút thí sinh nhất, thí sinh chủ yếu rút - nộp hồ sơ ở các trường này thôi. Năm tới, 30 trường này có thể liên kết, nếu thí sinh đã trúng tuyển vào trường này rồi sẽ không xét ở trường khác nữa…

 

 

Về hiện tượng một số sinh viên nhập học cả tháng trời mới biết mình không… trúng tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận định “Nguyên nhân đầu tiên từ công tác nhập học.Trong một ngày nhiều thí sinh đến làm thủ tục, trường phải làm nhanh chóng để giải tỏa đám đông. Tuy nhiên, khi kiểm tra cả hệ thống, đa số các trường hợp không đủ tiêu chuẩn được phát hiện ngay sau khi nhập học".

 

Đối với những trường hợp cá biệt phát hiện gần đây, sau khi các trường đã nhập học một thời gian, bà Phụng giải thích nguyên nhân là do trường làm công tác hậu kiểm chậm, hoặc thí sinh chưa đủ hồ sơ nhưng vẫn hứa với trường sẽ nộp sau như trường hợp ở ĐH Giao thông vận tải. Nhưng sau 1 -  2 tuần, thậm chí hàng học kỳ, sinh viên vẫn chưa bổ sung được nên phải cho thôi học.

 

Bà Phụng chia sẻ "Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường để giải quyết quyền lợi hợp lý cho thí sinh. Nếu thí sinh có lỗi các em phải chịu, trường trả lại học phí, còn thí sinh chịu rủi ro về thời gian và cơ hội". Nếu trường hướng dẫn sai thì giải quyết theo hướng bảo quyền lợi cho thí sinh ở mức tốt nhất. Cụ thể là trả lại điểm thực cho thí sinh, nếu trong trường có ngành nào điểm trúng tuyển phù hợp với điểm của thí sinh và nếu thí sinh có đồng ý sẽ nhận vào học. Nếu thí sinh không đủ điểm vào trường đó, Bộ can thiệp với các trường khác có điểm trúng tuyển phù hợp với điểm thi của thí sinh để nhận.

 

Cấu trúc lại hệ thống trường đại học để thu hút thí sinh

 

Để giảm thiều tình trạng khó tuyển sinh đối với một số trường đại học, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Mặc dù Bộ đã xác định hệ thống dôi dư lớn nhưng một số trường vẫn khó tuyển sinh vì năm nay thí sinh biết kết quả thi trước mới đăng ký xét tuyển nên những trường có sức hút yếu, ở vùng chưa phải khu đại học, gặp khó khăn trong xét tuyển. Nguyên nhân thứ hai là hiện nay các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tuyển lao động phổ thông, ít tuyển lao động đã qua đào tạo. Số lượng cử nhân thất nghiệp khá lớn cũng tác động đến quyết định của thí sinh nên đi học hay đi làm”.

 

Theo thông tin tổng hợp do Cục Khảo thí đưa ra, hiện còn khoảng 30 trường CĐ chưa có báo cáo về tuyển sinh do thời hạn xét tuyển cao đẳng đến ngày 20.11 mới kết thúc. Tuy nhiên, việc bổ sung đầy đủ thí sinh cho các trường này thì là một câu chuyện đầy nan giải

 

Vì vậy,  hướng xử lý đối với những trường khó tuyển trong nhiều năm qua là cấu trúc lại.“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015 - 2016 là cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ để nâng cao hiệu quả nguồn lực. Nhiều năm liền, có một số trường tuyển sinh khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội và đội ngũ. Sẽ phải cơ cấu, sắp xếp lại để sử dụng hiệu quả nhất”.

Suckhoecuocsong.com.vn ( Theo Motthegioi)

Các tin khác