Uber liên tiếp đối mặt với trở ngại pháp lý trên toàn cầu

12/11/2014 10:12:49 PM
Dịch vụ “đi nhờ xe” Uber hiện đã có mặt tại hơn 250 thành phố thuộc 50 quốc gia. Tuy vậy, không phải ở đâu dịch vụ này cũng được chào đón. Nhiều thách thức pháp lý xuất hiện gần đây đã khiến ban lãnh đạo công ty điều hành dịch vụ này không khỏi đau đầu.

 

 

             

 

Các khu vực Uber hoạt động (xanh) và bị cấm hoạt động (đỏ).

 

Mới đây, 1 thẩm phán tại Tây Ban Nha đã tuyên Uber phải tạm thời dừng mọi hoạt động tại quốc gia này do “cạnh tranh không lành mạnh” và tài xế dịch vụ “không được cấp phép chính thức”.

 

Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Uber bị cấm hoạt động tại thủ phủ Delhi của Ấn Độ. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi 1 tài xế tại đây bị bắt vì cáo buộc cưỡng bức hành khách. Nạn nhân 27 tuổi đã sử dụng dịch vụ Uber để thuê xe chở về nhà vào hôm 6/12, tuy vậy cô đã bị tài xế đưa tới 1 khu vực hẻo lánh và cưỡng bức. Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Uber đã hỗ trợ chính quyền trong quá trình điều tra, nhưng lại từ chối trả lời khi được hỏi về quá trình rà soát tuyển dụng tài xế - nguyên nhân chính dẫn đến vụ cưỡng bức trên bởi tài xế bị cáo buộc đã từng ngồi tù 7 tháng vì hành vi tương tự.

 

 

Các thẩm phán tại Hà Lan cũng vừa tuyên bố cấm dịch vụ UberPop tại nước này sau khi dịch vụ này được chạy thử tại Amsterdan rồi sau đó nhân rộng ra The Hague và Rotterdam vào tháng 7. Tuy vậy, đáp trả lại động thái này, Uber tuyên bố vẫn sẽ “tiếp tục cung cấp dịch vụ UberPop” dù phải đối mặt với khoản tiền phạt có thể lên đến 100.000 euro

 

Chính quyền Portland trực thuộc tiểu bang Oregon, Mỹ cũng đã công khai chỉ trích Uber. Các nhà chức trách tại đây cho biểt họ sẽ đệ đơn kiện dịch vụ này do vi phạm các điều khoản trong bộ luật thành phố và yêu cầu công ty chấm dứt ngay lập tức các hoạt động của mình. Thị trưởng Charlie Hales cho biết động thái này nhằm đảm bảo các nguyên tắc công bằng trong kinh doanh.

 

 

Chính quyền Portland cũng yêu cầu Uber chấm dứt các hoạt động của hãng tại đây.

 

Thực tế, để có thể kinh doanh dịch vụ vận tải ở Mỹ, các hãng taxi phải cam kết với nhà chức trách về việc đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho khách hàng mới được cấp giấy phép hoạt động – điều mà Uber hoàn toàn không có.

 

Có vẻ như những tranh cãi xoay quanh dịch vụ “đi nhờ xe” Uber sẽ còn chưa chấm dứt chừng nào công ty chủ quản dịch vụ này còn chưa đạt được thỏa thuận thỏa đáng với chính quyền địa phương.

 

 

Tài xế taxi phải đóng đầy đủ bảo hiểm thương mại cũng như kiểm tra lý lịch hàng năm.

 

Về phía người tiêu dùng, nhiều người bảy tỏ sự thích thú và đồng tình khi nói về dịch vụ Uber (có hơn 7.000 người đã đóng góp chữ ký của mình để chống lại lệnh cấm Uber tại Portland) nhưng số người lo ngại về dịch vụ này còn nhiều hơn. Không thể phủ nhận những tiện ích của dịch vụ đi nhờ xe này, nhưng nếu công ty này không kiểm soát chặt chẽ khâu tuyển dụng tài xế cũng như minh bạch hóa và đóng thuế đầy đủ khoản thu của mình, họ sẽ tạo tiền lệ xấu cho các ứng dụng phần mềm khác. Liệu bạn có thể khẳng định vụ tài xế Uber cưỡng bức hành khách ở Ấn Độ không xảy ra lần thứ 2.

 

Quang Phong - Skcs.vn (tổng hợp)

Các tin khác