Mẹo xử lý nước ăn chân mùa mưa lũ hiệu quả
Hướng dẫn cách xử lý nước ăn chân mùa mưa bão
Mưa bão khiến cho nhiều nơi bị ngập lụt kéo dài, sau khi lũ rút khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng bởi các rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng bị bão cuốn, cành cây bị gãy đổ, xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm phân hủy, phân, rác, nước thải,... bị cuốn chung vào nguồn nước lũ khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng làm gia tăng các bệnh rối loạn tiêu hóa, bệnh tiêu chảy, bệnh thương hàn, bệnh lỵ, bệnh viêm da, viêm da tiếp xúc, dị ứng, nấm da, ghẻ nước, bệnh uốn ván, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, nước ăn chân (bệnh nấm kẽ chân)…
Tình trạng nước ăn chân thường xuất hiện ở kẽ giữa các ngón chân, nhất là ngón chân thứ 3, thứ 4 của bàn chân gây nhiều triệu chứng khó chịu như: đỏ mẩn, ngứa, khô da, đóng vảy, bỏng rát, cảm giác như châm trích khi di chuyển thậm chí gây bong tróc, nứt và chảy máu tại vùng da kẽ chân, lây lan ra nhiều các vùng da lành khác trên cơ thể.
Nguyên nhân nước ăn chân do một số loại nấm như Trichophyton Rubrum, Trichophyton Mentagrophytes, Epidermophyton Floccosum,... thông thường những vi sinh vật này vẫn tồn tại bình thường trên da, không gây ảnh hưởng tuy nhiên do thời tiết ẩm ướt trong mùa mưa bão, tiếp xúc thường xuyên với nước lũ bị ô nhiễm, chân không được vệ sinh đúng cách sau khi lội nước lũ bẩn, đi giày hoặc đi tất bị ẩm, lây truyền từ người bệnh nấm kẽ chân, ngâm chân trong nước bẩn trong thời gian dài,… tạo điều kiện cho chúng sinh trưởng, gây ảnh hưởng đến da.
Hướng dẫn cách xử lý nước ăn chân (bệnh nấm kẽ chân) mùa mưa bão
Khi phát hiện ở kẽ ngón chân xuất hiện tình trạng đỏ mẩn, ngứa, khô da, đóng vảy, bỏng rát, cảm giác như châm trích cần vệ sinh sạch sẽ bàn chân bằng xà phòng sát khuẩn, đi giày dép khô, để chân khô ráo, khộng tiếp xúc với nước lũ bẩn. Kết hợp với thuốc bôi kháng nấm tại chỗ như thuốc chứa nhóm allylamine, thuốc chứa nhóm azole như ketoconazole, miconazole, clotrimazole, econazole,... Ngoài ra, để cải thiện bệnh có thể sử dụng phèn chua, lá trầu không, lá trà khô giúp giảm ngứa nhanh, làm se lại các vết nứt và kháng viêm tốt.
Khi sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến bác sĩ để để được hướng dẫn dùng, theo dõi kết quả và điều chỉnh nếu cần thiết.
Ngoài ra, để điều trị hiệu quả nước ăn chân trong quá trình điều trị bệnh không nên rửa chân quá nhiều nhất là khi vết thương đã lở loét, chảy nước và dịch mủ nhiều. Khi thoa thuốc lên các vùng da bị nhiễm nấm chỉ nên bôi đủ lượng đúng vào vùng da tổn thương, dùng vừa đủ theo hướng dẫn
Phòng ngừa nước ăn chân mùa mưa bão
+ Giữ cho cơ thể và quần áo luôn sạch sẽ và khô ráo trong mùa mưa lũ.
+ Rửa tay, rửa chân thường xuyên và vệ sinh các vùng da tiếp xúc với nước lũ bằng xà phòng và nước sạch.
+ Hạn chế tiếp xúc da trực tiếp với nước lũ
+ Nếu phải tiếp xúc với nước lũ hãy đi ủng cao su dài, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn giúp bảo vệ phần da tiếp xúc với nước lũ.
+ Ngay khi phát hiện vết thương hoặc tổn thương trên da, cần làm sạch và băng bó cẩn thận, dùng thuốc sát trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng.
+ Theo dõi tình trạng sức khỏe và da liễu, đặc biệt nếu có dấu hiệu bất thường như ngứa, sưng đỏ, lở loét,…
+ Vệ sinh môi trường sạch sẽ trong và sau lũ
+ Mùa mưa lũ không nên đi tất ẩm, giày ẩm, mặc quần áo bị ẩm,…
+ Tăng cường vệ sinh sạch sẽ vùng chân, nhất là các kẽ chân, tránh để tình trạng đi giày cả ngày khiến chân đổ mồ hôi và bốc mùi tạo điều kiện cho nấm sinh sôi, phát triển gây ảnh hưởng đến vùng da chân
+ Không gãi nhiều nếu bị nước ăn chân tay để tránh vi khuẩn lan rộng hơn hoặc lây lan sang các vùng da khác.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Cẩn trọng nhiễm vi khuẩn Whitmore khi dọn dẹp bùn, sình lầy sau mưa bão
Cách điều trị, phòng ngừa bệnh thương hàn trong mùa mưa bão
Cách điều trị bệnh lỵ trong mùa mưa bão
Phòng ngừa mắc bệnh uốn ván sau mưa bão, lũ lụt
Bệnh nấm da chân rất dễ lây, lan ra các bộ phận khác
Suckhoecuocsong.vn