Mẹo bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão

10/5/2024 8:41:00 AM
Bảo vệ tài sản an toàn, tránh bị hư hại hay thất lạc khi nước lũ dâng cao trong mùa mưa bão hãy áp dụng các mẹo hay dưới đây.

 

Trong mùa mưa bão chúng ta cần có những phương án ứng phó di dời tài sản, vật nuôi trong gia đình làm sao để đạt hiệu quả, tránh thất thoát tài sản, đạt tính khả thi cao. Để di dời tài sản nhanh chóng trong mùa mưa bão hãy:

Hãy liên tục theo dõi, cập nhật tình hình mưa bão qua các kênh thông tin, chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời, tránh thiệt hại cho tài sản. Đối với các khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập nên thường xuyên theo dõi lượng nước lũ để có phương án di dời tài sản nhanh chóng.

Phương tiện

Đối với các phương tiện di chuyển như xe máy, xe máy điện, xe đạp hãy di chuyển đến khu vực cao ráo của nhà, nếu khu vực sinh sống của gia đình ở nơi trũng thấp dễ bị ngập do nước mưa, nước lũ dâng cao hãy chuyển lên tầng 2 hoặc kê cao các phương tiện, buộc dây cố định ở một góc trong nhà tránh để xe không bị trôi rạt hay có thể dễ dàng tìm lại sau mưa lũ. Với ô tô chúng ta hãy đi gửi ở những khu vực có địa hình cao không bị ảnh hưởng bởi nước lũ hoặc sử dụng tấm bạt chống thấm nước lớn rồi di chuyển xe ô tô vào giữa, buộc dây tấm bạt phía trên nóc, cố định xe ở khu vực chắc chắn trong nhà kèm níu dây giúp chúng ta dễ dàng điều chỉnh ô tô nổi theo mực nước lũ dâng cao, tránh bị trôi mất ô tô.

Lương thực

Các loại lương thực như thóc, gạo, đỗ,… nên cho vào túi nilon buộc chặt kín phía ngoài tránh cho nước mưa, nước lũ có thể xâm nhập vào bên trong gây ẩm ướt hoặc cất trữ trong các thùng có nắp đậy kín. Kê các túi, bao lương thực ở những khu vực cao ở trong nhà như gác, tầng 2 hoặc tầng 3 hoặc đặt trong nhà chống lũ. Khu vực cất trữ lương thực đảm bảo khô ráo, không bị ẩm ướt, không bị vết nứt ở tường,…

Gia cầm, gia súc

Bảo vệ gia cầm, gia súc trong mùa mưa lũ đối với các khu vực bị ngập có thể di chuyển sang khu vực có địa hình cao hoặc làm gác lửng, phao, bè dã chiến có thể nổi dễ dàng trên mặt nước lũ. Gác lửng nên thiết kế có độ cao khoảng 3 mét so với mặt đất, có cầu thang đi lên phía sườn nhà. Gác được chia làm 2 gian. Một gian để đưa trâu, bò, gà, lợn… lên cao khi mưa lũ, gian còn lại chất đầy rơm khô, ngô, lúa… làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, đảm bảo cho việc tạm trú trên gác khoảng 1 tuần nếu lũ về.

Đối với các gia cầm như gà, vịt có thể làm bè nổi riêng, phía trên có mái che chắc chắn, xung quanh được bao phủ bằng nilon giúp hạn chế mưa, gió lạnh lùa vào trong chuồng. Dùng dây thừng buộc cố định các bè, phao gia súc, gia cầm tại các vị trí chắc chắn, tránh buộc ở gốc cây phòng trường hợp gió bão có thể khiến cây đổ gây hư hỏng bè, nhà phao.

Các thiết bị điện tử, đồ dùng trong gia đình

Trong những ngày mưa lũ, nước dâng cao có thể gây hư hại, chập cháy các thiết bị điện tử, đồ dùng gia đình thậm chí gây giật điện. Để đảm bảo an toàn, tránh thất thoát các thiết bị điện tử, đồ dùng chúng ta nên kê cao hoặc di chuyển chúng lên các khu vực an toàn như tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà nếu có hoặc kê trên giàn sắt chắc chắn.

Quần áo

Nên cho quần áo vào trong các túi nilon cột chun chặt phía ngoài, đặt lên trên cao cách xa nước lũ hoặc có thể cất trữ trên gác lửng của gia đình.

Tuy nhiên sau khi mưa bão kết thúc không nên vội vàng đưa các đồ dùng có giá trị xuống thấp ngay mà cần theo dõi tình hình thời tiết xem có mưa lớn xảy ra tiếp hay không, các hồ thủy điện có phương án xả nước hay không để đề phòng nước dâng cao trở lại.

Suckhoecuocsong.vn

Các tin khác