Kỹ năng dạy con cách tránh bị xâm hại tình dục

3/14/2017 10:12:06 AM
Trẻ cần được dạy về giới tính và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, quan trọng hơn là trẻ cần biết yêu thương và trân trọng bản thân mình.

 

Quan điểm giáo dục giới tính cho trẻ ngày nay là không nên giấu diếm hay giải thích nửa chừng vì làm như vậy càng khiến trẻ tò mò tìm hiểu, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình và tránh bị xâm hại tình dục là dạy cho trẻ những kiến thức, những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.

Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, tùy vào đặc điểm môi trường sống, tính cách của trẻ mà cha mẹ nên đưa ra cách giáo dục phù hợp để giúp trẻ tiếp thu hiệu quả nhất.

Ảnh minh họa

1. Giáo dục giới tính cho trẻ

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần phải trang bị cho bé tốt nhất có thể những kiến thức cần thiết và kỹ năng sinh tồn, trong đó không thể bỏ qua kỹ năng giáo dục giới tính. Việc dạy cho trẻ kiến thức về giới tính không chỉ là biết phân biệt sự khác nhau giữa cơ thể của bé trai và bé gái hay trẻ con sinh ra từ đâu mà điều quan trọng hơn cả là dạy bé biết yêu thương, trân trọng cơ thể mình.

2. Dạy trẻ về các vùng nhạy cảm và không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm

Kỹ năng thứ hai mà cha mẹ nên dạy cho trẻ là hướng dẫn con nhận biết về các vùng nhạy cảm và bộ phận sinh dục trên cơ thể mình. Bởi lẽ, nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại mà không thể tự nhận biết được sự nghiêm trọng của vấn đề do còn quá ngây thơ và thiếu hiểu biết. Cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho bé biết cách bảo vệ chúng trước sự động chạm của người khác. Trẻ không được cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve nếu trẻ không thích.

Cụ thể, hàng ngày trong quá thay bỉm, tắm giặt, vệ sinh cho con...cha mẹ nên giảng giải cho bé về vai trò của từng bộ phận. Bạn có thể nói với con là chỉ có mẹ và cô giáo được sờ vào mông, vào chỗ này, chỗ kia của con thôi nhé. Khi có người lạ tới nhà thì bạn cũng không nên cho con cởi chuồng ra ngoài, mà ít nhất cũng phải mặc bỉm.

Ngoài ra, bạn cũng nên dạy các con rằng: "Không ai có quyền động chạm đến bộ phận sinh dục của con, kể cả ông bà, cô chú, anh em, giúp việc... Chỉ có bác sĩ khám bệnh ở văn phòng/bệnh viện và cha mẹ kiểm tra ở nhà những lúc con bị đau.

3. Hãy lắng nghe con thay vì nạt nộ

Bên cạnh việc trang bị kiến thức cho con, các bậc phụ huynh cũng phải thường xuyên quan sát con để nhận biết những dấu hiệu bất thường. Bởi thực tế có những đứa trẻ bị xâm hại tình dục nhưng không dám nói, cứ giữ nỗi sợ hãi trong lòng, dẫn đến sự tổn thương tinh thần sâu sắc. nếu con nhận được quà từ người đặc biệt, cáu bẳn, bất cần, ngủ mơ la hét, đập phá... thì bố mẹ đừng vội nạt nộ con mà hay lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn với con. "Hãy lắng nghe khi con tìm đến với bạn. Nên nhớ con chúng ta không làm điều gì sai. Sai là chúng ta chưa làm hết khả năng để bảo vệ con

Hơn thế cha mẹ nên là người trực tiếp thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cho các con. Dù bận rộn thế nào thì cha mẹ cũng không thể tùy tiện nhờ bất cứ ai làm giúp công việc này. Mặt khác, bạn cũng cần dạy cho trẻ ghi nhớ rằng phòng tắm là nơi riêng tư của mỗi người, các con không được tắm ở trước sân nhà, nơi mọi người có thể nhìn thấy thân thể của con. Và bản thân cha mẹ càng không được mang con ra sân tắm vì người lớn chúng ta có ở trần trước nhà như thế đâu. Những gì mình không muốn làm cho bản thân thì cũng đừng làm cho con.

4. Dạy trẻ không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác

Giống như việc dạy trẻ tự bảo vệ cơ thể của mình thì các bậc phụ huynh cũng nên dạy trẻ chú ý không nên chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.

5. Tránh xa người lạ mặt và không cho người lạ mặt vào nhà

Trong vấn đề giáo dục con, việc dạy con tiếp xúc với người khác, dạy con tin tưởng khác, dạy con phân biệt người tốt, kẻ xấu là điều cần thiết. Bởi những đứa trẻ mà sẵn sàng tin người lạ rất đáng lo. Cha mẹ cần phải dạy cho con biết rằng: Có người tốt thì cũng phải có kẻ xấu, không phải ai cho con kẹo cũng là người tốt.

Để trẻ có thể phân biệt được, bố mẹ cần thiết phải dạy cho trẻ cách nhìn nhận và phân biệt: thế nào là tốt, thế nào là xấu, thế giới bên ngoài ra sao.

Đặc biệt, cha mẹ nên dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.

Khi trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần dạy trẻ phải lưu ý tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dặn dò các bé không được nói chuyện liên quan đến vệ sinh như đại tiện, tiểu tiện trước mặt người khác. Hay trước mặt người khác thì các con không được hở hay cho bộ phận nhạy cảm ra ngoài. Và cho tới khi trẻ hiểu được, lý giải được lời nói của bố mẹ thì tất cả các bộ phận trên cơ thể, bất kể nhạy cảm hay không đều có vai trò quan trọng như nhau.

6. Nói ngay với cha mẹ khi trẻ bị bất kỳ người nào đe dọa hoặc không thích bất kỳ ai

Cha mẹ cần dạy cho trẻ hiểu rằng các bé không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ người nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Nếu trường hợp có kẻ xấu đe dọa, bắt buộc trẻ không được tiết lộ bí mật thì trẻ nên thông báo ngay cho cha mẹ và người thân biết. Ngoài ra, khi trẻ không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên nói cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm, lạm dụng trẻ.

7. Dạy trẻ cách chạy thật nhanh hay nhờ sự giúp đỡ của mọi người

Để đề phòng trường hợp không may trẻ bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, cha mẹ nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Bạn có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn để cầu cứu những người xung quanh. Nên chú ý rằng do sự chênh lệch về sức khỏe nên mọi sự phản kháng của trẻ gần như không đem lại kết quả, thậm chí còn khiến kẻ xấu sử dụng những biện pháp bạo lực hơn. Vì vậy bạn cần dạy con nên dùng sự thông minh, nhanh trí và những kỹ năng cần thiết mới có thể giúp trẻ thoát thân an toàn. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Suckheocuocsong.com.vn (Theo Gia đình & Xã hội)

Các tin khác