Cảnh báo căn bệnh làm trẻ đần độn gia tăng

12/9/2016 12:20:00 AM
Theo TS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ trẻ có biến chứng đần độn do bướu cổ không phải là quá cao. Tuy nhiên một khi trẻ đã có biến chứng chậm phát triển thì lại không thể hồi phục được.

 

Cảnh báo căn bệnh làm trẻ đần độn gia tăng

Theo các chuyên gia y tế, bệnh bướu cổ, đặc biệt ở trẻ nhỏ, đang gia tăng trở lại. Đây là căn bệnh nguy hiểm ở trẻ, ảnh hưởng tới sức khoẻ, sự phát triển thông minh của trẻ.

Bé Nguyễn Hà Tr. 11 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội, được mẹ đưa đi khám ở Bệnh viện Nội tiết trung ương. Tại đây, bé được bác sĩ chẩn đoán bướu cổ đơn thuần. Chị Lên, mẹ của bé Tr., cho biết, từ đầu năm chị thấy con có bướu nhỏ ở cổ, nhất là khi bé hít vào, bướu nhân nhìn rất rõ.

Chị cho con đi kiểm tra ở Bệnh viện Thường Tín, bác sĩ chẩn đoán bướu cổ. Sau đó chị đã cho con đi kiểm tra ở Bệnh viện Nội tiết thêm lần nữa. Bé được bác sĩ chọc hút dịch. Gần đây, chị thấy bướu cổ của con lại to hơn nên cho con đi kiểm tra tiếp.

Nỗi khổ mang tên bướu cổ

Chị Lên cho biết nhà chị không có ai bị bướu cổ. Lúc cho con đi kiểm tra chị đã rất lo lắng. Thời gian bác sĩ làm sinh thiết, cả gia đình chị mất ăn mất ngủ. May mà cháu chỉ bị bướu cổ thường.

Khi được hỏi về việc ăn muối i-ốt, chị Lên cho biết, từ rất lâu gia đình chị không ăn muối mà chuyển sang nêm gia vị bằng bột canh. Chị cũng chẳng bao giờ để ý nó có thành phần i-ốt hay không. Từ sau khi con bị bệnh, chị mới chuyển sang ăn hẳn muối i-ốt.

Vì bệnh bướu cổ nên cháu gầy hơn bạn bè, da xanh hơn. Chị Lên muốn chờ con lớn thêm vài tuổi nữa mới mổ.

Cháu Phan Thị Bích L., 9 tuổi ở Lục Nam, Bắc Giang bị bệnh bướu cổ. So với bạn bè cùng trang lứa, lúc nào Bích L. cũng bị coi là đần độn vì kém phát triển trí tuệ. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không cho em đi khám.

Một lần, các bác sĩ tình nguyện về địa phương khám miễn phí, mẹ cho L. ra khám mới biết con chậm phát triển do bị bướu cổ, điều trị không kịp thời.

Cảnh báo căn bệnh làm trẻ đần độn đang gia tăng

TS Phan Hướng Dương trong một lần hiến máu tính nguyện.

Bệnh từ thói quen hàng ngày

Theo TS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ trẻ có biến chứng đần độn do bướu cổ không phải là quá cao. Tuy nhiên một khi trẻ đã có biến chứng chậm phát triển thì lại không thể hồi phục được.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị bướu cổ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân cơ bản gây bướu cổ, theo TS Dương, là tình trạng thiếu i-ốt. Hàng ngày cơ thể cần từ 150-200 mcg i-ốt, nguồn gốc từ thức ăn, nước uống, không khí… Nếu sống ở vùng thiếu i-ốt, nguồn nước, các loại động thực vật sống ở đó cũng thiếu i-ốt. Hậu quả là cơ thể không nhận đủ lượng i-ốt cần thiết.

TS Dương cho biết, theo điều tra, nhu cầu i-ốt hiện nay chỉ đáp ứng được 25-30%. Đặc biệt, các con số điều tra mới nhất của Bệnh viện Nội tiết trung ương, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%.

TS Dương cảnh báo: “Tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại. Trước năm 2005 tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng và chúng ta đã làm chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống thiếu i-ốt đạt hiệu quả rất cao. Nhưng từ sau năm 2005, thiếu sự quan tâm đã dẫn đến hệ quả thiếu i-ốt và hàng loạt các bệnh liên quan đến thiếu i-ốt xảy ra.

Do kinh phí, nhân lực hoạt động trong hệ thống suy giảm từ trung ương tới địa phương, không ai còn quan tâm tới i-ốt là gì. Đây là điều kinh khủng khi bệnh bướu cổ đã quay trở lại, ảnh hưởng tới chỉ số IQ của trẻ, có thể sinh ra cả thế hệ đần độn.

Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương, tỷ lệ trẻ em bị bướu cổ do thiếu i-ốt ở 7 vùng sinh thái, đây là kết quả đáng lo ngại. Bất ngờ hơn, tỷ lệ thiếu hụt i-ốt hiện nay đánh giá rõ nét nhất lại nằm ở đồng bằng, thành phố chứ không phải ở miền núi.

Từ trước 2005 đến nay khu vực Tây Nguyên, miền núi vẫn có chính sách trợ cước, trợ giá cho muối i-ốt, sau đó các tỉnh có hỗ trợ mua muối i-ốt cho bà con nên đồng bào khu vực miền núi vẫn có i-ốt dùng, người dân không thiếu muối i-ốt, trẻ con giảm bướu cổ hơn. Còn ở đồng bằng, trẻ em lại thiếu i-ốt nhiều hơn.

Phòng bệnh bướu cổ ở trẻ em, TS Dương nhấn mạnh giải pháp đã được Bệnh viện Nội tiết trung ương báo cáo Bộ Y tế và đến nay Bộ Y tế đã báo cáo chính phủ đưa vào công tác dân số từ 2016-2020. Kế hoạch này đã báo cáo Thủ tướng và đang chờ phê duyệt. Đây là chính sách quan trọng duy trì thanh toán rối loạn thiếu i-ốt.

I-ốt bắt buộc phải cho vào muối vì muối ăn là thứ gia vị mà không ai quên được trong sinh hoạt hàng ngày. Trước nỗi lo bổ sung i-ốt kèm theo nỗi lo ăn mặn và các bệnh do ăn mặn gây ra, TS Dương khẳng định theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, tỷ lệ i-ốt được đưa vào trong muối ăn và hàm lượng muối dùng tối thiểu cho một người/ngày hoàn toàn phù hợp với nhu cầu 6 gram muối/ngày.

Suckhoecuocsong.vn (Theo yhocvn)

Các tin liên quan

Các tin khác