Bất cập khi thực thi luật Công chứng 2014

4/4/2016 10:27:00 PM
Luật Công chứng 2014 ra đời với nhiều quy định mới nhằm bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, người dân và công chứng viên vẫn gặp khó khăn khi thực thi quy định về đổi tên văn phòng công chứng và chứng nhận bản dịch.

 

Luật Công chứng 2014 ra đời với nhiều quy định mới nhằm bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, người dân và công chứng viên vẫn gặp khó khăn khi thực thi quy định về đổi tên văn phòng công chứng và chứng nhận bản dịch.

Tên gọi gắn liền với tên trưởng phòng công chứng

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định tên Văn phòng công chứng phải đi kèm họ tên của trưởng văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác là điểm bất hợp lý. Bởi văn phòng công chứng hoạt động như một doanh nghiệp với hình thức công ty hợp danh, nếu tên gọi phải kèm theo tên của công chứng viên thì khi thay đổi công chứng viên, văn phòng buộc phải đổi tên mới.

Gia đình bà Nguyễn Ngọc Danh (Hà Nội) cho biết dù là khách hàng công chứng nhiều năm tại Văn phòng công chứng Đống Đa đã nhiều năm nhưng khi văn phòng công chứng đổi tên thành Văn phòng công chứng Lê Dung bà tỏ ra hoài nghi: “Mặc dù vẫn trụ sở như vậy nhưng tên gọi lại khác hẳn nên tôi không rõ có đúng là văn phòng công chứng uy tín mà tôi vẫn thường tới công chứng không, hay là một văn phòng mới”

Bất cập khi thực thi luật Công chứng 2014

Sở dĩ văn phòng đổi tên như vậy là bởi theo quy định của Luật Công chứng 2014, khi văn phòng công chứng thay đổi trưởng văn phòng thì phải đổi tên gọi và Văn phòng công chứng Lê Dung nhưng thực chất chính là Văn phòng công chứng Đống Đa, chỉ khác người đại diện.

Không đơn giản như trường hợp thay đổi người đại diện, việc thay đổi trụ sở cũng đòi hỏi Văn phòng công chứng phải đổi tên gọi. Nhiều người mỏi mắt tìm địa điểm công chứng quen thuộc, uy tín mà mình thường lui tới nhưng cũng đành bó tay vì không tìm ra trụ sở và tên gọi cũ cũng “không cánh mà bay”. Không ít công chứng viên nhận định, việc xây dựng nên một thương hiệu văn phòng công chứng đã khó, giữ được thương hiệu đó lại khó hơn nhiều lần, nếu cứ thay đổi trụ sở lại buộc thay đổi tên thì chẳng khác nào làm khó họ. Trong khi, văn phòng công chứng thường không có trụ sở riêng, không phải văn phòng nào cũng thuê được địa điểm lâu dài, nếu bên cho thuê chấm dứt hợp đồng cho thuê thì văn phòng đó sẽ phải thay đổi tên gọi liên tục, dẫn tới mất khách, mất cả thương hiệu.

Khó khăn trong việc chứng nhận bản dịch

Từng đi dịch và chứng nhận bản dịch giấy tờ đất và giấy tờ chứng nhận độc thân, chứng minh nhân dân sang tiếng Anh tại một văn phòng công chứng, bà Phạm Thanh Hà (Hà Nội) cho biết, bà chưa hài lòng về lời chứng của công chứng viên tại đây, bởi nội dung lời chứng rất chung chung “công chứng viên đã đối chiếu với bản chính và thấy nội dung không trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Theo bà Hà, lời chứng của công chứng viên còn mập mờ, không thể hiện rõ ràng bản dịch này có chính xác với bản chính hay không.

Có một thực tế là các công chứng viên thường e ngại khi chứng nhận nội dung vì không nắm được nội dung của bản dịch có chuẩn xác hay không, trong khi theo quy định của Luật Công chứng, công chứng viên không được từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng. Do vậy mới có tình trạng lời chứng chung chung, mơ hồ như trường hợp của bà Hà.

Điểm nổi bật của Luật Công chứng 2014 là mở rộng phạm vi công việc mà công chứng viên được thực hiện. Đó là việc giao nhiệm vụ công chứng bản dịch cho công chứng viên và công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Quy định này không chỉ giúp giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp vốn đang thiếu biên chế mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp của công chứng viên. Thế nhưng, đây lại là vướng mắc mà nhiều tổ chức hành nghề công chứng đang gặp phải.

Mặc dù Luật quy định, việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện, nhưng theo chị Nguyễn Thị Phượng, Văn phòng công chứng Thái Hà, quy định này rất khó thực hiện. Bởi muốn có những bản dịch chính xác, đúng pháp luật, tổ chức hành nghề công chứng cần phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên dịch thuật trình độ cao, nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, để ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và người dịch, hai bên phải ký hợp đồng cộng tác viên, phân định rõ trách nhiệm của người dịch như thế nào, công chứng viên ra sao. Đối với các văn phòng công chứng, đây là yêu cầu không dễ đáp ứng được.

Hơn nữa, với các tổ chức hành nghề công chứng tại vùng sâu, vùng xa thì việc xây dựng đội ngũ này khó khăn hơn rất nhiều lần. Thực tế có những địa phương, người dân dù có nhu cầu chứng nhận bản dịch nhưng vẫn loay hoay không biết phải tới đâu để thực hiện.

Từ các vướng mắc kể trên, thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần xem xét chỉnh sửa và bổ sung Bộ luật Công chứng 2014, tránh để xảy ra bất cập, qua đó giúp nguời dân dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện những quy định mới của Bộ luật.

Tổng hợp

Các tin khác