Vốn FDI giảm có phải do TP.HCM thiếu hấp dẫn

8/4/2016 2:14:41 PM
Theo thống kê của UBND TP.HCM cho biết nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM trong 7 tháng đầu năm sụt giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Theo thống kê của UBND TP.HCM cho biết nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM trong 7 tháng đầu năm sụt giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy, đây là bước lùi đáng kể của “đầu tàu kinh tế”, trong bối cảnh thu hút vốn FDI của cả nước đều tăng cả vốn cam kết mới và vốn đầu tư tăng thêm so với cùng kỳ năm trước. Câu hỏi được đặt ra nguyên nhân nào khiến TP.HCM không còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và số vốn đầu tư giảm có thực sự là điều đáng lo ngại.

Trong số 11 dự án được đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM chỉ có 5 dự án đầu tư nước ngoài còn lại là dự án trong nước. Đây là một bước lùi đáng kể trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố.

Cụ thể, trong 7 tháng năm 2016, TP.HCM đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 458 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 641,5 triệu USD (so cùng kỳ năm 2015 tăng 61,3% về số dự án và giảm 68,4% về vốn). Ngoài ra, có 79 dự án điều chỉnh tăng vốn . Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 896,3 triệu USD, giảm 68% so cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân của sự suy giảm mạnh về vốn đầu tư nhóm FDI được cho là do số lượng đất trống trong các khu công nghiệp của thành phố hiện không còn nhiều, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi nên không hút được những dự án có quy mô lớn.

Một nguyên nhân nữa là do giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp của thành phố cao so với nhiều nơi trên cả nước dẫn đến khó khăn trong thu hút dự án mới. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn khó khăn vì vướng nhiều quy định khác nhau ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Mặc dù vậy tổng vốn đầu tư vẫn đạt 150 triệu USD tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ban quản lý khu công nghệ cao thành phố cho rằng họ không lấy số lượng dự án hay giá trị vốn đầu tư làm mục tiêu thu hút đầu tư mà quan trọng hơn cả là dự án có hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm là bao nhiêu đặc biệt là giá trị lan tỏa dự án là như thế nào.

Trong các nguyên nhân khiến vốn FDI vào TP.HCM giảm mạnh có thể thấy rõ sự chuyển đổi chiến lược ưu tiên trong thu hút đầu tư của TP.HCM. Theo sở kế hoạch đầu tư TP.HCM trong khi nguồn vốn đầu tư vào TP.HCM từ nước ngoài giảm mạnh thì vốn FDI giải ngân lại tăng nhanh ước đạt 1,2 tỷ USD. Vốn giải ngân tăng nhanh sẽ thúc đẩy nhanh các dự án triển khai đi vào hoạt động.

Dự kiến trong 5 tháng còn lại của năm 2016 nguồn vốn FDI vào TP.HCM lại tăng cao với 1 hoặc 2 dự án lớn đầu tư vào khu công nghiệp Việt Phước và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Riêng khu công nghệ cao đang kỳ vọng đạt con số đầu tư từ 700-1 tỷ USD trong năm nay.

Tổng hợp

Các tin khác