Vé máy bay sẽ ra sao nếu áp giá sàn?

4/3/2017 3:01:42 PM
Hiện tại, mức giá vé máy bay các hãng đưa ra chỉ từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí 0 đồng cho các chặng bay. Vậy, giá vé sẽ thay đổi thế nào nếu áp giá sàn như đề xuất của Jetstar?

 

Hiện tại, mức giá vé máy bay các hãng đưa ra chỉ từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí 0 đồng cho các chặng bay. Vậy, giá vé sẽ thay đổi thế nào nếu áp giá sàn như đề xuất của Jetstar?

Hiện nay, nhiều hãng hàng không đưa ra mức giá vé máy bay chỉ từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí “0 đồng” cho một số chặng bay. Tuy nhiên, mới đây, góp ý trong Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa, hãng hàng không Jetstar Pacific đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay.

Cụ thể, báo chí dẫn văn bản đề xuất của hãng hàng không này cho biết hiệu quả kinh doanh, sự bền vững của các hãng cũng như của ngành bị ảnh hưởng do hàng không Việt Nam phát triển quá nóng với tải cung ứng tăng trên 30%, hãng liên tục phải giảm giá, thậm chí bán dưới giá thành, rẻ hơn vé tàu.

Trong khi thu tiền đồng thì chi phí vận chuyển lại 80% trả bằng ngoại tệ, trả cho nước ngoài.

Trong khi đó, cũng là hãng hàng không giá rẻ nhưng Vietjet Air lại cho rằng việc áp giá sàn với vé máy bay là không phù hợp và sẽ làm giảm tính cạnh tranh của thị trường. Hãng này tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị không quy định giá sàn.

Nếu việc áp sàn giá vé máy bay trở thành hiện thực, giá vé máy bay hiện nay sẽ ảnh hưởng ra sao?

Giá trần, giá sàn vé máy bay hiện nay

Theo khái niệm, giá trần là mức giá tối đa áp đặt cho một loại hàng hóa nào đó và Chính phủ sẽ áp giá trần khi cho rằng mức giá thị trường gây bất lợi cho người mua. Giá sàn là mức giá tối thiểu áp đặt cho một loại hàng hóa đó và Chính phủ áp đặt giá sàn khi cho rằng mức giá thị trường gây bất lợi cho người bán.

Hiện nay, mức giá tối đa của khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền được quy định tại Quyết định số 3282/QĐ-BTC với mức giá 4.250 đồng/hành khách/km.

Mức giá vé tối đa được cụ thể hóa theo 5 nhóm cự ly vận chuyển cơ bản, bao gồm nhóm 1 có cự ly dưới 500 km; nhóm 2 có cự ly từ 500 km đến dưới 850 km; nhóm 3 có cự ly từ 850 km đến dưới 1.000 km; nhóm 4 có cự ly từ 1.000 km đến dưới 1.280 km và nhóm 5 có cự ly từ 1.280 km trở lên.

Mức khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng vé phổ thông theo 5 nhóm cự ly vận chuyển hiện nay.

Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào về mức giá sàn vé máy bay. Theo Vietjet Air, trên thế giới hiện không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách.

Tuy nhiên, trong kiến nghị gửi cơ quan chức năng, Jestar lại dẫn ví dụ Chính phủ Malaysia cũng quy định giá sàn bằng 40% giá trần để phòng ngừa nguy cơ cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành.

Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, việc áp giá trần, sàn vé máy bay đã lạc hậu và hiếm quốc gia nào còn thực hiện.

Giá vé máy bay sẽ thay đổi ra sao nếu áp giá sàn?

Trao đổi với Zing.vn, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không - cho biết Cục chưa có đề xuất hay văn bản nào gửi Bộ Giao thông Vận tải cũng như các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về vấn đề áp giá sàn.

“Việc áp giá sàn vé máy bay chỉ là đề xuất của một hãng hàng không. Cục Hàng không vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát và chưa hề có đề xuất nào lên Bộ Giao thông Vận tải về vấn đề này”, ông Thanh cho biết.

Theo ý kiến của Jetstar, hãng cho rằng nên lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng giá sàn. Đây là các loại chi phí cơ bản mà tất cả hãng hàng không phải trả như chi phí thuê máy bay, xăng dầu, chi phí nhân lực và chi phí phục vụ chuyến bay… Như vậy, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay sẽ dao động từ 29% đến 34% mức giá trần.

Theo tính toán của hãng, chi phí cho chặng bay Hà Nội - TP.HCM sẽ vào khoảng trên 1,1 triệu đồng/chuyến bay. Từ đó hãng đề xuất mức bán thấp nhất trên chặng Hà Nội - TP.HCM là 1,1 triệu đồng/vé/chiều.

Theo tìm hiểu hiện nay, với chặng bay Hà Nội - TP.HCM, các hãng hàng không đều áp dụng nhiều dải giá vé khác nhau từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.

Tại Jetstar, mức giá vé phổ thông áp dụng cho chặng bay này trong tháng 4/2017 là từ 500.000 đồng trở lên. Trong khi đó, mức giá phổ thông cho chuyến bay cùng chặng tại Vietjet Air cũng chỉ từ 599.000 đồng trở lên.

Nếu áp giá sàn theo đề xuất, Jetstar sẽ không còn vé giá rẻ đang triển khai như trong tháng 4/2017. Ảnh: Chụp màn hình trang chủ Jetstar Pacific.

Ngoài ra, các hãng hàng không còn áp dụng nhiều vé máy bay ưu đãi với giá dưới 500.000 đồng cho chuyến bay cùng chặng, thậm chí là giá 0 đồng.

Nếu việc áp sàn giá vé máy bay thành hiện thực, giá vé tối thiểu cho chặng Hà Nội - TP.HCM của Jetstar sẽ là 1,1 triệu đồng/vé/chiều, cao hơn nhiều so với mức 500.000 đồng/vé/chiều trở lên mà hãng đang áp dụng hiện nay.

Trong khi đó, mức giá sàn tại Vietjet Air sẽ được tính toán theo chi phí vận hành chuyến bay của hãng, như vậy, chắc chắn sẽ không còn vé máy bay giá 0 đồng như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều vé máy bay tuyến nội địa mà các hãng đang áp dụng mức giá dưới 300.000 đồng/vé/lượt sẽ không còn, khi mức chi phí cho mỗi chuyến bay vượt ngoài con số này rất nhiều.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Zing)

Các tin khác