Tục ăn trầu của người phụ nữ Việt Nam

3/8/2015 1:11:15 AM
Ăn trầu là một tập tục phổ biến của người Việt, đặc biệt là phụ nữ. Ở nhiều dân tộc Việt Nam, trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong hôn nhân và các dịp nghi lễ. Đến nay, nhai trầu vẫn là thói quen hàng ngày của một số người ở nông thôn.

 

 

Một miếng trầu gồm có: mảnh lá trầu quệt vôi, miếng cau có hạt, có thể có thêm miếng vỏ cây và thuốc lào…

 

Tương truyền, tục ăn trầu có từ thời vua Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó, ăn trầu đã trở thành tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Miếng trầu không chỉ nhân lên niềm vui mỗi khi khách đến chơi nhà được mời trầu, tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui, ngày lễ Tết có miếng trầu mời người lạ để kết bạn, với người quen miếng trầu là tri kỷ...; miếng trầu còn là sự thành kính của thế hệ sau đối với thế hệ trước qua mâm cỗ cúng gia tiên hay tế lễ thần linh…

 

 

Ăn trầu là một tập tục phổ biến của người phụ nữ Việt Nam xưa.

 

Dụng cụ ăn trầu

 

Vì vai trò văn hóa của tục ăn trầu mà người Việt ta có những dụng cụ đặc biệt gắn liền với tập tục này. Cụ thể, họ dùng cơi trầu để cất giữ các vật liệu. Cơi thường được làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy. Đám cưới ngày nay vẫn còn dùng cơi khi bày trầu cau làm sính lễ rước dâu. Có nơi dùng âu trầu (còn gọi là ô) làm bằng kim loại, dáng như một cái vại có chân.

 

Ngoài ra còn có bình vôi đặt ở chỗ tiếp khách để người ăn trầu dùng khi têm trầu. Muốn lấy vôi ra thì dùng chìa vôi để quết. Khi cần một lượng vôi nhỏ để dễ mang đi thì người Việt dùng ống vôi. Bộ xà tích trong trang phục cổ truyền của người phụ nữ Miền Bắc đeo bên sườn thường có đính một ống vôi để tiện mang bên mình. Người già yếu răng không ăn trầu được thì có cối giã trầu bằng kim loại để nghiền nát miếng trầu cho dễ ăn.

 

Tục ăn trầu cũng tạo ra bã trầu nên những nhà giàu có thường đặt ống nhổ ở chỗ tiếp khách đựng bã trầu. Những vật dụng này đến đầu thế kỷ 20 được coi là một bộ phận trong nghi vệ của một vị quan và những nhà quyền quý. Khi quan đi xa thì có những người bưng tráp, bình vôi, ống nhổ…

 

 

Bộ đồ ăn trầu của người Việt Nam.

 

Cách ăn trầu

 

Dùng từ 1 - 2 lá trầu rồi quét một ít vôi (loại vôi nhão, màu trắng hoặc màu hồng, có thể mua ở nơi bán trầu cau) vào quả cau bổ làm tư (những lúc cau hiếm có thể bổ cau làm tám). Cau tươi hoặc cau khô đều có thể được. Nếu là cau khô thì phải ngâm nước trước khi ăn khoảng 20 phút cho mềm. Hỗn hợp trầu, cau và vôi đem cho vào miệng nhai nát.  Với những người lớn tuổi, răng yếu thì cho vào ống ngoái tức ống giã trầu, dùng một que bằng kim loại nghiền nhỏ trầu cau ra, sau đó lùa hỗn hợp này vào miệng để nhai.

 

Nhai như thế, hương vị của trầu - cau - vôi sẽ làm cho người nhai trầu có cảm giác cay cay và hơi say. Khi nhai, nước miếng tiết ra sẽ được người nhai nhổ ra. Dung dịch này có màu hồng, gọi là cổ trầu. Sau khi nhai khoảng 30 - 60 phút hoặc lâu hơn (tùy theo thói quen từng người), người nhai sẽ nhả bỏ những gì còn lại sau khi nhai, phần này gọi là xác trầu hoặc bã trầu.

 

Trong lúc nhai trầu, để tẩy cổ trầu và xác trầu bám vào răng, người ta có thể dùng một nhúm nhỏ thuốc lào loại thường (được gọi là thuốc xỉa) để chà răng. Động tác này gọi là xỉa thuốc. Nhúm thuốc xỉa này được ngậm bằng môi trên ở một phía của miệng để xỉa thường xuyên trong lúc nhai trầu, đến khi nào nhả bỏ bã trầu thì sẽ bỏ luôn nhúm thuốc xỉa này, sau đó súc miệng bằng nước lã.

 

 

Một người phụ nữ đang têm trầu.

 

Nhai trầu là một thói quen của hầu hết phụ nữ Việt Nam thời xưa, thường là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Nó giống như thói quen hút thuốc ở nam giới vậy. Ngoài ra, ăn trầu còn thể hiện nét văn hóa giao tiếp ở nông thôn. Các bà khi gặp nhau thì việc đầu tiên là mời nhau miếng trầu, sau đó mới hàn huyên, đàm đạo. Chẳng thế mà dân gian ta có câu tục ngữ: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” - ý nói tục ăn trầu là bước đầu xã giao…

 

An Nguyên - Skcs.vn (Tổng hợp)

Các tin khác