Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang chịu sức ép lớn

10/19/2014 8:55:03 PM
Thị trường bán lẻ của Việt Nam Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ mở cửa hoàn toàn theo cam kết với WTO, trong năm 2015 thì 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên trong khu vực ASEAN sẽ được loại bỏ hoàn toàn rào cản thuế quan.

 

Thị trường bán lẻ của Việt Nam Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ mở cửa hoàn toàn theo cam kết với WTO, trong năm 2015 thì 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên trong khu vực ASEAN sẽ được loại bỏ hoàn toàn rào cản thuế quan. Tất cả đang tạo sức ép đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Nước đến chân mới… giật mình!

Tại hội thảo "Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp" do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 15-10 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy lo lắng trước hàng loạt cuộc "đổ bộ" của Doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Bởi, không chỉ mất thị phần vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài mà cơ hội của hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối lớn này cũng không bao nhiêu.

Luật sư Lê Nết (Công ty luật LNT) cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thiếu hai điều quan trọng là vốn và công nghệ, trong khi đây lại là thế mạnh của các DN nước ngoài. Tuy nhiên, các DN nội không cần quá lo lắng khi các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường vì nếu liên kết được với họ thì DN Việt Nam sẽ cải thiện được các điểm yếu để cùng phát triển. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, nhiều người nhận định DN Việt Nam thua trên sân nhà là chưa chính xác bởi DN Việt Nam vẫn chủ động trên thị trường bán lẻ, vẫn phát triển mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, để DN nội phát triển vững mạnh trước "làn sóng" bán lẻ từ nước ngoài đang tràn vào thì Nhà nước cần làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục kinh doanh phải được minh bạch hóa.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, lâu nay Nhà nước và DN chỉ chú trọng đến xúc tiến thương mại ở nước ngoài, chưa có sự quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. Mặt khác, theo các cam kết mậu dịch tự do mà chúng ta đã ký thì Việt Nam đã liên tục hạ thấp hàng rào kỹ thuật trong nước để mở rộng cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước dẫn đến tình trạng "không có đường lui". Do vậy cần cân nhắc điều chỉnh chính sách, chẳng hạn không cho phép mở hệ thống chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ tràn lan bởi nhiều khi sức công phá của nó đối với thị trường nội địa không kém gì các chuỗi lớn.

Trách nhiệm của Nhà nước

Một số DN Việt Nam cho rằng nhiều chính sách kinh doanh hiện nay đang tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước, nhiều nhà đầu tư "ngoại" đang được hưởng ưu ái. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng: Hiện các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài nên ưu tiên cho các nhà đầu tư "ngoại". Nhận thức như vậy vô tình đã gạt hệ thống phân phối của Việt Nam ra ngoài cuộc. Do vậy, các ngành, địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn cho DN nội làm hệ thống phân phối. Nhà nước cũng cần có tiếng nói cảnh báo, nhắc nhở trong việc này.

Bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hội DNHVNCLC cho rằng các chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài cũng như bảo vệ nhà đầu tư trong nước đều có, nhưng không kết nối với nhau và không có sự thông tin phối hợp nhịp nhàng khi thực hiện chính sách. Trong những kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng về chính sách cho ngành bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh đề nghị Nhà nước quan tâm đến vai trò thiết yếu của tiêu thụ trên chuỗi giá trị vốn là khâu thiết yếu quyết định ngược lại nền sản xuất, vì nếu không tiêu thụ tốt thì sản xuất không thể phát triển. Bên cạnh đó tiếp tục ngăn chặn và xử lý thích đáng những hành vi gian lận thương mại; giữ môi trường cạnh tranh công bằng lành mạnh để tạo điều kiện cho nhà sản xuất kinh doanh chân chính phát triển. Bà Hạnh cũng đề xuất Nhà nước thực hiện những chính sách "đèn xanh" trong WTO là những chính sách hỗ trợ về thông tin, nghiên cứu thị trường, đào tạo và có những hỗ trợ thiết thực cho các DN nhỏ.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn trong hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, để cơ quan nhà nước làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, DN phải làm rõ những quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh bán lẻ để kiến nghị sửa đổi; bên cạnh đó DN cũng phải thay đổi cách sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình thị trường mới. Nếu tiếp tục đi theo lối mòn sẽ không thể cạnh tranh nổi với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo Bizlive

Các tin khác