'Stark Tower' nói gì về kinh tế Việt Nam

4/28/2016 8:17:15 AM
Bitexco - Stark Tower của Việt Nam - ngày càng bị các công trình khác lấn át, cho thấy sự bùng nổ xây dựng và tăng trưởng kinh tế tại đây.

 

Tại TP HCM, những tòa nhà và đài tưởng niệm có từ thời Pháp đang dần bị lấn át bởi những công trình mới, hiện đại mọc lên khắp thành phố. Với 68 tầng và chiều cao 262m, Bitexco hiện là tòa nhà cao nhất TP HCM, được nhiều hãng tài chính, thương hiệu thời trang xa xỉ, nhà hàng và quán café chọn làm địa điểm kinh doanh.

Tòa nhà này được đặt biệt danh là "Stark Tower" do hao hao nơi ở của nhân vật Tony Stark trong phim Người Sắt. Chỉ mới 5 năm trước, đây còn là tòa nhà cao nhất nước. Nhưng sang năm sau, nó sẽ lùi xuống vị trí thứ 4.

"Rất nhanh thôi, chúng ta sẽ không thể thấy Bitexco nữa, vì các tòa nhà chọc trời mới đang mọc lên hàng loạt", một doanh nhân người Anh cho biết.

Bitexco hiện là tòa nhà cao nhất TP HCM. Ảnh: Bloomberg

Rajiv Biswas - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ISH Global Insight nhận xét việc bùng nổ xây dựng là tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng.

"Kinh tế Việt Nam năm 2015 khá tốt và được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thập kỷ tới. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như các hãng bất động sản đều đang đổ vốn mạnh vào thị trường nhà đất tại các trung tâm thương mại lớn, điển hình là TP HCM", ông cho biết.

Theo Biswas, khi nhiều công ty nước ngoài tăng hiện diện tại Việt Nam, nhu cầu văn phòng cũng lên cao. Việc này đã khuyến khích các hãng bất động sản tăng hoạt động. Xây thêm nhiều tòa nhà văn phòng mới tại các thành phố lớn ở Việt Nam là hoạt động cần thiết trong việc phát triển kinh tế.

Năm ngoái, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với GDP tăng 6,7% và sản xuất tăng 9,9%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tính đạt 22,8 tỷ USD năm 2015, tăng 12,5% so với năm 2014, theo IHS. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,7% năm 2016, nhờ FDI, tiêu dùng nội địa mạnh lên và các chính sách ưu tiên tăng trưởng.

Tuy nhiên, cơn sốt xây dựng cũng đi kèm với một cái giá. New York Timesnhận xét các kiến trúc từ thời Pháp tại TP HCM đang dần biến mất. "Sự tàn phá đã tăng tốc trong 5-7 năm gần đây. Và chủ yếu bởi các dự án xây dựng khổng lồ", Hoanh Tran - nhà thiết kế tại HTA+Pizzini Architects cho biết.

Rajiv Biswas chỉ ra rằng điều quan trọng là việc phát triển đô thị tại Việt Nam đi kèm với quy hoạch bền vững, và bảo vệ các tòa nhà có tính lịch sử.

"Việc này không chỉ bảo tồn văn hóa cho người dân trong nước, mà còn có tác dụng với ngành du lịch đang tăng trưởng nhanh", ông kết luận.

Suckhoecuocsong.com.vn (Theo Forbes)

Các tin khác